Loại bỏ tư duy 'lợi nhuận trên hết'
So với trước, vấn đề xây dựng phát triển và bảo vệ thương hiệu đã được các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng hơn, nhất là đối với các doanh nghiệp có qui mô vừa hoặc lớn, họ đầu tư và quan tâm đến việc đăng ký bản quyền và xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ lại chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Đây là tư duy lỗi thời, cần phải thay đổi nếu muốn bước tiếp trong thời kỳ hội nhập.
Xây dựng thương hiệu là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp (DN) có thể định vị được vị trí của mình trên bản đồ thế giới. Việc không chú trọng xây dựng thương hiệu đã khiến không ít DN đánh mất chính mình khi thương hiệu sản phẩm của mình bị rơi vào DN khác. Theo các chuyên gia, DN cần thay đổi tư duy “lợi nhuận là trên hết” mà đặt lên hàng đầu phải là yếu tố thương hiệu.
Thay đổi tư duy
So với trước đây, vấn đề xây dựng phát triển và bảo vệ thương hiệu đã được các DN Việt Nam chú trọng hơn, nhất là đối với các DN có qui mô vừa hoặc lớn, họ đầu tư và quan tâm hơn đến việc đăng ký bản quyền và xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, phần lớn các DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ lại chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, thậm chí có DN không hề nghĩ tới việc xây dựng thương hiệu, họ chỉ quan tâm xem làm sao để đẩy mạnh doanh thu và do đó, yếu tố lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là tư duy đã lỗi thời, cần phải thay đổi nếu muốn bước tiếp trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Bởi, nếu vẫn giữ tư duy này, bỏ qua yếu tố thương hiệu, chắc chắn các DN Việt khó có thể vươn ra được biển lớn. Dư luận hẳn chưa quên những thương hiệu của Việt Nam đã từng rơi vào tay của các DN nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, mít sấy Vinamit… Theo đó, chỉ vì không chú trọng với việc đăng ký nhãn hiệu, những thương hiệu này của chúng ta đã bị một số DN chiếm đoạt tại một số thị trường nước ngoài.
Giới chuyên gia nhận định, chúng ta đang mang rất nhiều sản phẩm trong nước ra thị trường thế giới, thế nhưng rất ít người tiêu dùng thế giới biết đến thương hiệu Việt và sự ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Nguyên nhân chính là do chỉ có khoảng 20% DN chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu. Đáng chú ý, với những DN đã quan tâm xây dựng thương hiệu lại chỉ tập trung đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường trong nước mà chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài, do đó dẫn đến những rủi ro đánh mất thương hiệu mà dư luận đã từng chứng kiến.
Thương hiệu của DN cũng là thương hiệu của quốc gia
Xây dựng thương hiệu đối với mỗi DN không chỉ đơn thuần là xây dựng hình ảnh, logo như thế nào, mà quan trọng hơn là ấn tượng của DN đó đối với khách hàng ra sao, có thể khiến khách hàng nhớ đến, quay trở lại hoặc tìm mua sản phẩm của DN mình ở bất kỳ nơi đâu. Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Viện Nghiên cứu Chiến lược và cạnh tranh, mỗi cử chỉ, hành động, thái độ của nhân viên sẽ góp phần quan trọng tạo nên thương hiệu cho cả một tập thể DN đó. Chính bởi vậy, người lãnh đạo có vai trò quan trọng trong việc truyền lửa khơi nguồn và chia sẻ đến nhân viên tất cả những lý do để thương hiệu ra đời. Cùng với đó, chiến lược quảng bá thương hiệu ra sao cũng sẽ góp phần tạo nên thành công cho mỗi DN. Đơn cử, trước đây người tiêu dùng chọn sản phẩm giầy dép theo tiêu chí bền, thì nay họ ưu tiên hơn đến yếu tố thời trang và tiện dụng. Chính bởi vậy, các DN cần phải nắm bắt cả xu thế tiêu dùng để có những kế hoạch phát triển thương hiệu cho mình.
Theo ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), khác với trước đây, mỗi mặt hàng chỉ có một hoặc vài nhà sản xuất, hiện nay mỗi một hàng có hàng trăm nhà sản xuất khác nhau, khi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn thì thương hiệu chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến việc mua sắm. Lấy ví dụ về ngành hàng lúa gạo của Việt Nam, ông Hòa cho hay, trước đây chúng ta luôn đứng ở top đầu xuất khẩu gạo nhưng do chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, gạo của chúng ta ngày càng khó cạnh tranh với các sản phẩm gạo của các nước khác. “Cùng là loại gạo 5% tấm nhưng gạo của Mỹ có giá 510-520 USD/tấn, gạo Thái Lan có giá 400 USD/tấn, trong khi gạo Việt Nam chỉ bán được với giá 350 USD/tấn”- ông Hòa cho biết.
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, thương hiệu không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là một phần của tài sản quốc gia. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, vấn đề này lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, bởi với sự phát triển của công nghệ thông tin, chỉ sơ suất nhỏ là các bí kíp kinh doanh của DN có thể bị chiếm đoạt.
Do đó, xây dựng và bảo vệ thương hiệu không chỉ giúp DN cạnh tranh sòng phẳng hơn với các DN cả trong và ngoài nước, là “tấm giấy thông hành” giúp DN trong hoạt động xuất khẩu, mà còn tạo nên danh tiếng, thương hiệu của cả một quốc gia.
“Để xây dựng và quảng bá thương hiệu thành công, DN phải thoát khỏi tư duy bán hàng giá rẻ để tập trung vào giá trị sản phẩm và nâng chất các dịch vụ hậu mãi. Đồng thời phải đầu tư tương xứng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, kịp thời nắm bắt xu hướng hoặc mạnh dạn tạo ra xu hướng mới trong tiêu dùng” - ông Hùng Võ, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Marketing Công ty Biti’s.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/loai-bo-tu-duy-loi-nhuan-tren-het-tintuc453144