Loại củ giá rẻ bán đầy chợ không ngờ là 'siêu thực phẩm' giúp ngăn ngừa ung thư
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ăn loại củ này sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, chẳng hạn ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày và tuyến tiền liệt.
Chế độ ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp giảm nguy cơ ung thư. Trong số các loại rau củ, cà rốt được biết như một "siêu thực phẩm" giúp ngăn ngừa ung thư, đặc biệt là nhờ hàm lượng chất chống ô xy hóa beta-carotene.
Cà rốt chứa nhiều chất chống ô xy hóa. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ăn cà rốt sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, chẳng hạn ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày và tuyến tiền liệt, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Cà rốt giúp ngăn ngừa ung thư nhờ những lợi ích sau:
Giàu beta-carotene
Beta-carotene là hợp chất carotenoid tạo nên màu cam đặc trưng của cà rốt. Khi vào cơ thể, chất chống ô xy hóa mạnh này được chuyển hóa thành vitamin A, giúp bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do. Đây là một trong những nguyên nhân kích hoạt đột biến tế bào dẫn đến ung thư.
Một nghiên cứu trên chuyên san International Journal of Cancer cho thấy nồng độ beta-carotene trong máu cao có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc ung thư phổi ở những người không hút thuốc. Tuy nhiên, bổ sung beta-carotene dạng viên liều cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người hút thuốc. Vì vậy, các chuyên gia khuyến khích mọi người nên ăn cà rốt tự nhiên thay vì dùng viên uống.
Hợp chất falcarinol chống ung thư

Ảnh minh họa.
Ngoài beta-carotene, cà rốt còn chứa một hợp chất tự nhiên có đặc tính chống ung thư khác là falcarinol. Chất này có tác dụng làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Nghiên cứu của Đại học Newcastle (Anh) cho thấy chuột được cho ăn cà rốt sống có tỷ lệ phát triển khối u thấp hơn 33% so với nhóm không ăn cà rốt.
Falcarinol được cho là hoạt động như một chất độc nhẹ đối với tế bào tiền ung thư, kích thích cơ chế tự hủy của chúng. Điều này có nghĩa là falcarinol giúp loại bỏ các tế bào có nguy cơ phát triển thành ung thư trước khi chúng tăng sinh không kiểm soát.
Hỗ trợ giảm viêm
Nhiều loại ung thư bắt đầu phát triển từ viêm mạn tính, trong đó có ung thư đại trực tràng, ung thư gan và dạ dày. Cà rốt chứa nhiều hợp chất chống viêm tự nhiên như polyacetylenes, vitamin C và carotenoids. Chúng có tác dụng làm dịu phản ứng viêm trong cơ thể.
Một nghiên cứu đăng trên chuyên san Nutrition Journal phát hiện chế độ ăn giàu carotenoid từ rau củ, chẳng hạn cà rốt, giúp giảm các chỉ số viêm như CRP, IL-6 trong máu. Đây là các dấu hiệu sinh học liên quan đến nguy cơ ung thư và bệnh tim, theo Medical News Today.

Ảnh minh họa.
Ngoài tác dụng ngăn ngừa ung thư, cà rốt có những lợi ích sức khỏe khác như:
Giảm cholesterol trong máu
Cà rốt đã được chứng minh là giúp giảm mức cholesterol trong máu, đặc biệt là cholesterol LDL "xấu". Cholesterol cao là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim. Việc ăn cà rốt như một phần của chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp giảm nguy cơ này.
Cải thiện sức khỏe mắt
Cà rốt có tác dụng tốt với thị lực, do hàm lượng beta-carotene cao, được chuyển hóa thành vitamin A. Loại vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của mắt và ngăn ngừa bệnh quáng gà. Ngoài ra, carotenoid trong cà rốt có thể giúp bảo vệ chống lại thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, một nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở người lớn tuổi.
Giảm cân và kiểm soát cơn thèm ăn
Cà rốt có hàm lượng calo thấp và nhiều chất xơ, khiến chúng trở thành món ăn nhẹ giúp kiểm soát cơn đói và giảm lượng calo tổng thể. Hàm lượng chất xơ cao có thể thúc đẩy cảm giác no, giảm khả năng ăn quá nhiều trong bữa ăn. Do đó, cà rốt có thể là một sự bổ sung hữu ích cho chế độ ăn kiêng giảm cân.
Đối với đa số mọi người, cà rốt được coi là một phần của chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, trừ khi bạn bị dị ứng với chúng. Dị ứng với cà rốt dường như có nhiều khả năng xảy ra ở các khu vực châu Âu hơn những nơi khác trên thế giới và có thể liên quan đến phản ứng chéo giữa phấn hoa với thực phẩm.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên ăn quá nhiều cà rốt vì lượng caroten có trong cà rốt sẽ không thể chuyển hóa thành vitamin A, gây ứ đọng ở gan, gây ra những chứng bệnh vàng da, ăn không tiêu, mệt mỏi...
Ăn quá nhiều cà rốt có thể dẫn đến một tình trạng gọi là carotenmia, khiến da có màu hơi vàng. Tiêu thụ khoảng 1kg cà rốt ép hoặc sống mỗi ngày cũng có liên quan, trong một số trường hợp hiếm gặp, với chứng giảm bạch cầu (giảm lượng bạch cầu) và vô kinh (ngừng kinh).
Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, Sức khỏe & Đời sống)