Loại quả xưa đầy không ai ăn, giờ thành đặc sản được ưa chuộng vì vị độc đáo, 70.000 đồng/kg
Vào mùa loại quả đặc sản này, trên thị trường có nhiều người rao bán, dao động 40.000-70.000 đồng/kg.
Quả núc nác còn có tên gọi khác là quả quao, một đặc sản của núi rừng Tây Bắc và Tây Nguyên. Chúng có đặc điểm: dẹt và cong, có độ dài tầm 40 – 80 cm, rộng 5 – 7 cm, chủ yếu quả đậu vào mùa mưa.
"Mùa của quả núc nác thường từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch, tức là mùa mưa ở Tây Bắc. Khi ấy một số bà con lên rừng lấy quả núc nác về đem đốt lên trên than củi, cho hơi cháy phồng đều phần ngoài, sau đó dùng dao gọt hết phần cháy xém, rửa sạch sẽ, rồi đem thái ngang quả thành từng miếng nhỏ bằng ngón tay và chế biến.
Hoặc đám trẻ con thường hái để chơi vì chúng dài như lưỡi kiếm. Tôi nhớ ngày xưa cứ đến mùa là lũ trẻ lại rủ nhau kiếm quả núc nác về chơi đồ hàng. Tôi còn ngỡ đó là quả dại khi thấy mẹ chế biến chúng thành món ăn", chị Hòa Vũ (32 tuổi, Sơn La) cho hay.
Theo chị Hòa, các món ăn làm từ quả núc nác không phải ai cũng ăn được, vì nó có vị hơi đắng và hăng nhưng nếu ăn quen thì lại thấy rất ngon. Theo đó, chúng được ăn gém với lá chát, lá lốt, lá gừng chấm chẳm chéo tạo hương vị độc lạ: vị hơi đăng đắng của quả núc nác, hòa cùng vị ngọt chát của lá gém, nồng cay của vị chẳm chéo, ai đã từng ăn khó mà quên.
Ngoài ra, chúng còn có thể làm nộm như nộm rau, luộc chấm, xào với thịt trâu, thịt bò cũng có hương vị đậm đà riêng.
"Thời điểm núc nác ngon nhất là khi dài được khoảng 40-60cm, nếu quả già quá sẽ có nhiều sơ, ăn hơi dai. Cách chế biến sẽ tùy theo khẩu vị, sở thích của mỗi người. Có người thì thích ăn nộm nhưng nộm cũng phải nướng trước thì nó mới thơm. Có người lại luộc cho chín, rồi đem thái miếng, trộn với gia vị mắm muối, mỳ chính, rau thơm, gừng, xả, tỏi, ớt, lá chát, rắc vừng lạc như nộm rau", chị Hòa nói.
Vài năm trở lại đây, núc nác bắt đầu nở rộ ở thành phố. Người dân bắt đầu mua về thưởng thức vì tò mò. "Vào mùa núc nác, trên thị trường có nhiều người rao bán thứ quả lạ này, dao động 40.000-70.000 đồng/kg. Nhờ đó người dân quê mình cũng cải thiện kinh tế, hễ đến mùa là vào rừng hái về đổ buôn cho thương lái. Chúng mình đùa nhau rằng không ngờ có ngày loại quả cứu đói ngày xưa lại thành đặc sản phố thị", chị Hòa cho hay.
Theo y học cổ truyền, núc nác có vị đắng tính mát. Chúng có tác dụng mát gan, nhuận phế, thanh nhiệt, tiêu viêm, chữa vàng da, viêm da, ngứa khô sần da, viêm họng, ho khản tiếng, đau dạ dày, trẻ con ban trái, sởi...
Tuy nhiên, núc nác tính hàn, không nên dùng cho người tỳ vị hư hàn tiêu lỏng hoặc người đang bị cảm lạnh ho, sổ mũi.