Loại rau quen thuộc được xem là thuốc của người nghèo
Bắp cải được biết đến với tác dụng chữa bệnh từ xa xưa. Tuy nhiên, bệnh nhân suy thận nặng, bướu cổ, người bị táo bón không nên ăn loại rau này.
Thưa bác sĩ, ăn bắp cải thường xuyên có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Ai cần kiêng loại rau này? (Hồng Hạnh, Đồng Nai).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, tư vấn:
Ở nước ta, bắp cải được trồng trong vụ đông xuân ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên... Đây là loại rau có nguồn gốc ôn đới, nhiệt độ cần thiết để phân hóa mầm hoa là 1-10 độ C trong khoảng 15-30 ngày.
Ngay từ thời La Mã cổ đại, người ta đã biết đến tác dụng dinh dưỡng và chữa bệnh của bắp cải. Thời xưa ở châu Âu, loại rau này được dùng làm thuốc chữa bệnh và được gọi là “thuốc của người nghèo”.
Về thành phần hóa học, trong 100g bắp cải có chứa 0,8g lipid; chất xơ 1,7g; dẫn xuất phi protein 4,9g; khoáng toàn phần 2,4g.
Về mặt dinh dưỡng, 100g cải bắp cung cấp cho cơ thể 50 calo, nhiều muối khoáng nhất là canxi, phốt pho, kali, sắt. Lượng vitamin C trong bắp cải xếp sau cà chua nhưng nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt, gấp 3,6 lần so với khoai tây, hành tây. Trong loại rau này, vitamin C kết hợp sẵn với vitamin P thành phức hợp PC.
Ngày nay, người ta biết nhiều hơn về tác dụng chữa bệnh của bắp cải như làm thuốc trị giun, đắp ngoài làm liền sẹo vết thương, mụn nhọt; làm thuốc giảm đau trong bệnh thấp khớp, thống phong, đau thần kinh hông; trị viêm họng khàn tiếng hoặc chữa ho, viêm sưng phổi.
Loại rau này cũng là thuốc chống hoại huyết, trị lỵ và là nguồn cung cấp lưu huỳnh cho cơ thể. Ngoài ra, bắp cải tốt cho những người hay lo âu, người bị suy nhược thần kinh, mệt mỏi liên miên. Nhiều nghiên cứu cho thấy nước ép bắp cải có tác dụng chống loét dạ dày.
Bên cạnh đó, tất cả các loại cải đều có tác dụng phòng chống ung thư, nhưng bắp cải được xác định là tác dụng rõ rệt nhất.
Riêng bắp cải tím (màu tím do hàm lượng polyphenol anthocyanin cao) giúp cơ thể tránh lão hóa sớm do chất anthocyanin có tính kháng viêm. Bắp cải tím còn là nguồn vitamin C và vitamin K phong phú.
Theo Đông y, cải bắp vị ngọt tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt huyết, chỉ huyết, lợi tiểu, thanh phế, thanh nhiệt, trừ đàm thấp, giải độc…
Tuy nhiên, người táo bón hay tiểu ít không được ăn bắp cải sống hoặc dưa bắp cải muối mà phải nấu chín. Loại rau này không dùng cho người tạng hàn, nếu muốn dùng phải phối hợp với gừng tươi.
Những người suy thận nặng, người rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ cũng không nên ăn bắp cải. Trong rau này chứa một hàm lượng nhỏ goitrin là chất có tác dụng chống oxy hóa nhưng có thể gây bướu cổ.