Loạt đề án trọng điểm hàng nghìn tỷ 'đánh thức' Cần Giờ

Loạt đề án xây dựng hạ tầng trọng điểm như: Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cầu Cần Giờ, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ… đang đánh thức vùng đất giàu tiềm năng Cần Giờ (TP HCM).

Siêu cảng trung chuyển 130.000 tỉ đồng

Mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM đã trình Ban Thường vụ Thành ủy thành phố đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Theo đề án, quan điểm là phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đồng bộ, hiện đại; hướng bền vững, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác, trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.

Mục tiêu là nghiên cứu xây dựng Cảng trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp logistics về cảng, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến năm 2047 đạt 16,9 triệu Teu.

Cảng được xây tại khu vực xã Thạnh An, huyện Cần Giờ với tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km.

Đây là khu vực nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Ngoài ra, khu vực này không nằm trong các khu vực bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước của thành phố.

 Phối cảnh đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Phối cảnh đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Tổng diện tích xây dựng cảng khoảng 571 ha, trong đó hơn 100 ha là vùng nước hoạt động cảng. Khai thác tàu có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn (356 Teu).

Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến phân kỳ đầu tư trong 7 giai đoạn, mỗi giai đoạn 2 bến chính và các bến sà lan.

Đánh giá tác động đến hiệu quả kinh tế - xã hội, Ban Cán sự Đảng UBND TP cho hay sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại.

Đồng thời, tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và tạo hàng chục ngàn việc làm cho lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...

Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí từ 34.000 đến 40.000 tỉ đồng/năm (giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh).

Nhất là khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực; nâng cao vị thế đối ngoại, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hỗ trợ đắc lực hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, giảm thiểu các chi phí trung gian.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 217.000 tỉ đồng

Dự án được khởi công lần đầu vào năm 2007 với diện tích 400ha là đất xây dựng và 200ha là bãi biển nội bộ, do Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư.

Năm 2018, UBND TP HCM đã có Quyết định số 3800/QĐ-UBND ngày 05/9/2018 phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Theo đó, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án từ 600ha lên 2.870ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng.

 Phối cảnh vùng trung tâm Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Phối cảnh vùng trung tâm Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Tháng 2/2021, UBND TP HCM đã ban hành 4 quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đối với các phân khu A, B, C, D, E.

Theo đó, phân khu A có quy mô khoảng 771ha, được định hướng là khu vui chơi, giải trí (công viên chuyên đề, sân gôn…), du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu ở (nhà ở liền kề, biệt thự, chung cư), thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, khu sử dụng hỗn hợp và an ninh quốc phòng được bố trí đồng bộ và đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Phân khu B có quy mô gần 587ha, được quy hoạch là khu nhà ở, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng…), khu cây xanh đô thị và khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo định hướng đô thị hiện đại và thông minh.

Phân khu C có quy mô hơn 303ha, là khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liền kề, biệt thự, nhà ở cao tầng) hiện đại, văn minh.

Phân khu D, E có tổng diện tích hơn 1.208ha, là khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liền kề, biệt thự), các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật…

Cầu Cần Giờ vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng

Theo phương án thiết kế, cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 3,4km với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, quy mô từ 4-6 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55m. Cầu sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm và khu vực lân cận, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

 Phối cảnh cầu Cần Giờ.

Phối cảnh cầu Cần Giờ.

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP HCM ngày 11/7/2023, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thông tin TP đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh cục bộ khu đô thị lấn biển Cần Giờ, đồng thời đã trao đổi trực tiếp và yêu cầu nhà đầu tư cố gắng hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh để đến năm 2025 khởi công dự án này.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định, ban hành danh mục các đề án, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 12/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về định hướng phát triển Cần Giờ đến năm 2030.

Theo đó, 41 chương trình, đề án, kế hoạch sẽ được TP HCM thực hiện trong thời gian tới để phát triển Cần Giờ trở thành một trong những không gian mới, động lực mới phát triển TP HCM theo quan điểm Nghị quyết 12.

Có thể kể đến 4 đề án, kế hoạch trọng điểm: Kế hoạch thực hiện Dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ; kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển bền vững Khu Dự trữ Sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ; đề án đầu tư – xây dựng huyện Cần Giờ thành thành phố trực thuộc TP HCM; đề án phát triển toàn diện các loại hình thương mại - dịch vụ kinh tế biển theo hướng kinh tế biển xanh trên Cần Giờ.

Ở lĩnh vực quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng đô thị có dự án xây dựng cầu Cần Giờ; đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; đề án phát triển hệ thống cấp nước; kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông; mở rộng, nâng cao công suất phà Cần Giờ - Vũng Tàu, phà Cần Giờ - Cần Giuộc…

Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố và UBND huyện Cần Giờ được phân công chủ trì 41 chương trình, đề án, kế hoạch phải đảm bảo chất lượng, tiến độ soạn thảo và thời gian được giao.

Định kỳ ngày 30 của tháng cuối quý, UBND Cần Giờ tổng hợp, báo cáo tiến độ triển khai danh mục các đề án, chương trình, kế hoạch. Trong quá trình triển khai có vướng mắc, khó khăn, báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND TP xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Hữu Thông

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tin-247/loat-de-an-trong-diem-hang-nghin-ty-danh-thuc-can-gio-180823.html