Loạt diễn biến quan trọng căng thẳng Ấn Độ-Pakistan
Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan ngày qua xuất hiện nhiều diễn biến quan trọng, trong đó có tin Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố với Phó Tổng thống Mỹ JD Vance rằng New Delhi sẽ đáp trả 'mạnh mẽ và hủy diệt hơn' nếu Pakistan khiêu khích.
Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan ngày qua xuất hiện nhiều diễn biến quan trọng.
Thủ tướng Modi cảnh báo đáp trả mạnh nếu Pakistan khiêu khích
Tờ Times of India ngày 12-5 dẫn nguồn tin (đề nghị không tiết lộ danh tính) rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cảnh báo rằng New Delhi sẽ đáp trả "mạnh mẽ và hủy diệt hơn" nếu Pakistan có hành động khiêu khích.
Ông Modi đưa ra lời cảnh báo trên trong cuộc trò chuyện với Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. Tờ The New York Times đưa tin Phó Tổng thống Vance hôm 9-5 đã liên lạc với Thủ tướng Modi trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang.
Ông Vance đã gọi điện cho Thủ tướng Modi để cảnh báo về khả năng xung đột leo thang nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến chiến tranh toàn diện.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: INDIAN EXPRESS
Dù lắng nghe ý kiến từ phía Mỹ, Thủ tướng Modi không cam kết thực hiện bất kỳ đề xuất nào nhằm giảm căng thẳng, hãng ANI dẫn nguồn tin (không tiết lộ danh tính).
Hãng ANI cho biết sau tuyên bố của ông Modi, cùng đêm đó, Pakistan tấn công 26 địa điểm và Ấn Độ lập tức đáp trả bằng các đợt không kích vào căn cứ đối phương.
Chính phủ Ấn Độ chưa lên tiếng về thông tin trên.
Ấn Độ cáo buộc Pakistan vi phạm lệnh ngừng bắn
Ngày 11-5, quân đội Ấn Độ gửi “thông điệp qua đường dây nóng” tới Pakistan về cáo buộc Islamabad vi phạm lệnh ngừng bắn và thông báo ý định đáp trả nếu tình trạng này tái diễn, theo lời một sĩ quan cấp cao của quân đội Ấn Độ.
Trung tướng Rajiv Ghai - Tổng cục trưởng Tác chiến Quân đội Ấn Độ - nhấn mạnh rằng lực lượng vũ trang Ấn Độ đang trong trạng thái cảnh giác rất cao và sẽ tiếp tục duy trì trạng thái đó.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, Tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ đã trao quyền cho các chỉ huy xử lý “mọi hình thức vi phạm” từ bên kia biên giới theo cách mà họ cho là phù hợp nhất.
Phần mình, phát ngôn viên quân đội Pakistan khẳng định trong cuộc họp báo có sự tham gia của không quân và hải quân nước này rằng “quân đội Pakistan không có bất kỳ vi phạm nào đối với lệnh ngừng bắn”.
Tuy nhiên, đài CNN thì đưa tin rằng lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn được duy trì vào ngày 11-5, dù hai bên cáo buộc nhau vi phạm. Nhiều vụ nổ xảy ra tại một số khu vực ở Kashmir vài giờ sau khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố hôm 10-5, nhưng theo CNN, từ đó đến nay chưa ghi nhận thêm vụ tấn công nào.
Ấn Độ khánh thành cơ sở tên lửa BrahMos giữa lúc lệnh ngừng bắn có hiệu lực
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết rằng New Delhi đã khánh thành cơ sở sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos tại bang Uttar Pradesh (miền bắc nước này) vào ngày 11-5, giữa lúc lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan có hiệu lực.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh chủ trì lễ khánh thành cơ sở này.
Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Nga, tên lửa BrahMos được đánh giá là một trong những tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới, với tầm bắn từ 290-400 km và tốc độ lên tới Mach 2.8.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos. Ảnh: SPUTNIK
Tên lửa BrahMos là vũ khí quan trọng trong kho vũ khí của quân đội Ấn Độ, được thiết kế để tấn công chính xác, tầm xa vào các mục tiêu mặt đất, cũng như tiêu diệt các mối đe dọa trên đất liền, trên biển và dưới nước.
Tên lửa này do tập đoàn BrahMos Aerospace (liên doanh giữa Ấn Độ và Nga, được thành lập vào năm 2005) sản xuất. Tên lửa được đặt theo tên hai con sông Brahmaputra (Ấn Độ) và Moskva (Nga).
Bên cạnh cơ sở sản xuất, Ấn Độ cũng khánh thành Trung tâm Tích hợp và Kiểm tra BrahMos Aerospace, đóng vai trò quan trọng trong việc lắp ráp và thử nghiệm tên lửa, theo Bộ Quốc phòng.
Tại sự kiện, các quan chức Ấn Độ cũng đặt viên đá đầu tiên xây dựng Hệ thống Hạ tầng Thử nghiệm Quốc phòng (DTIS) nhằm thử nghiệm và chứng nhận các sản phẩm quốc phòng.
Sự kiện khánh thành diễn ra sau khi Nga và Ấn Độ ký hiệp ước quốc phòng mới vào tháng 2 năm nay, nhằm hợp lý hóa công tác hậu cần và tăng cường hợp tác giữa lực lượng vũ trang hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quân sự chung, theo đài RT.
Hiện nay, khoảng 60% trang thiết bị quân sự của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga. Trong khuôn khổ sáng kiến "Make in India" của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ cũng đang nỗ lực nội địa hóa ngành quốc phòng, với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp tư nhân.
Nguồn PLO: https://plo.vn/loat-dien-bien-quan-trong-cang-thang-an-do-pakistan-post849256.html