Loạt dự án giao thông lớn khởi công, khánh thành năm 2024

Hàng loạt dự án giao thông lớn đang được gấp rút thi công và hoàn thiện thủ tục đầu tư để khánh thành, khởi công trong năm 2024 tới đây.

Tăng tốc đưa hai dự án PPP về đích

Bước sang đầu năm 2024, gói thầu XL02 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đi được một nửa chặng đường của phong trào 65 ngày đêm lao động quyết thắng.

Các nhà thầu huy động nhiều máy móc, thiết bị thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Các nhà thầu huy động nhiều máy móc, thiết bị thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Đại tá Lê Minh Đức, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL2 thuộc Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, sau lễ phát động, Binh đoàn và các đơn vị đã huy động rất nhiều máy móc, thiết bị để thi công. Đến nay, những mét bê tông nhựa đầu tiên đã được thi công thử. Giá trị đợt thi đua đạt gần 53 tỷ đồng, góp phần đưa tổng giá trị xây lắp tại gói thầu đến nay đạt hơn 953 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 74% giá trị hợp đồng.

Riêng đối với cầu Thần Vũ 2 và cầu Ồ Ồ được xác định là công trình quyết định tiến độ dự án, hiện vẫn đang bám sát tiến độ. "Chúng tôi tự tin sẽ đưa gói thầu XL02 về đích vào dịp 30/4/2023, vượt tiến độ yêu cầu trước 1 tháng", Đại tá Lê Minh Đức khẳng định.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án), thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc nhanh chóng bù sản lượng chậm, hoàn thành dự án vào tháng 5/2024 theo đúng hợp đồng đã ký, trên đại công trường dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đang huy động 106 mũi thi công, gần 2.000 kỹ sư, công nhân và hơn 850 đầu máy, thiết bị. Sản lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 5.600 (hơn 65% hợp đồng).

Xác định thời gian thi công dự án không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, ông Việt cho biết vẫn đang rốt ráo chỉ đạo nhà thầu triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp để dự án không trễ hẹn cán đích.

Sát thời gian về đích với dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, gần 2.000 kỹ sư, công nhân và hơn 700 đầu máy, thiết bị cũng đang chạy đua với thời gian, ngày - đêm bám công địa để đạt được mục tiêu về đích vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2024.

Đại diện Ban QLDA 85 cho biết, tính đến 24/12/2023, sản lượng thi công dự án đã đạt gần 6.800 tỷ đồng, đạt hơn 89% giá trị hợp đồng.

Doanh nghiệp dự án đang chỉ đạo các nhà thầu tập trung đẩy nhanh thi công, hoàn thành cơ bản các hạng mục đường và cầu trước ngày 30/12/2023, hoàn thiện toàn bộ các khối lượng phụ trợ và đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30/3/2024.

Rốt ráo thủ tục khởi công loạt dự án mới

Các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (giai đoạn 2017 - 2020) dần đi đến chặng cuối cùng cũng là lúc nhiều đoạn tuyến mới trên cung đường Hồ Chí Minh tiếp tục được đầu tư xây dựng.

Ông Trần Văn Xuân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) cho biết, ngay sau khi dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (dài gần 29km) được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư và phê duyệt kế hoạch đấu thầu một số gói thầu, công tác thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lựa chọn các nhà thầu thi công đã và đang được triển khai, phấn đấu khởi công dự án vào quý I/2024.

Cùng trong thời gian quý I/2024, sau tết Nguyên đán, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận cũng dự kiến được khởi công. Hiện, công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán đã được hoàn thành, đang tiến hành lựa chọn nhà thầu thi công.

Hai dự án đã được Bộ GTVT bố trí vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ, trình và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất điều chỉnh giảm hơn 4.400 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho hai dự án.

Trong đó, dự án đoạn Rạch Sỏi- Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận là hơn 3.100 tỷ đồng. Dự án đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn hơn 1.300 tỷ đồng.

Năm 2024, một dự án được trông chờ trong lĩnh vực đường sắt là cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM cũng sắp được khởi công.

Theo đại diện Ban QLDA Đường sắt, dự án có tổng chiều dài tuyến 6,8km trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Phạm vi dự án sẽ nâng cấp cải tạo khoảng hơn 2.250m đường sắt, cải dịch tuyến mới khoảng 4.564m đường sắt (tổng chiều dài gần 7km).

Dự án gồm 2 gói thầu xây lắp. Trong đó, gói thầu XL01 (xây dựng 2 hầm đường sắt) đã hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công trong tháng 1/2024. Gói thầu XL02 (xây dựng các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và các công trình còn lại) đang được Ban đang thực hiện các thủ tục đánh giá hồ sơ dự thầu, dự kiến sẽ hoàn thành ký kết hợp đồng trong tháng 1/2024 và khởi công trong tháng 2/2024.

Nguồn vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc cho dự án đến nay cũng đã được Bộ GTVT bố trí đủ để triển khai.

Là 1 trong 19 dự án được đưa vào kế hoạch khởi công năm 2024, dự án nâng cấp luồng hàng hải Quy Nhơn với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng cũng đang được rốt ráo triển khai các thủ tục cuối cùng để thi công.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Ban QLDA Hàng hải cho biết, cơ quan này đã trình hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án. Sau khi ĐTM được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, Bộ GTVT sẽ phê duyệt dự án và lập thiết kế dự toán, làm cơ sở để khảo sát dự án, đấu thầu lựa chọn nhà thầu.

Nếu tháng 1 - 2/2024 thủ tục ĐTM được hoàn thiện, dự kiến tới cuối quý II/2024, dự án có thể triển khai.

Về phía doanh nghiệp cảng, ông Hồ Liên Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho hay, theo thiết kế, chuẩn tắc của luồng Quy Nhơn là -11m và bề rộng luồng đạt 110m. Dự án được thực hiện, chiều rộng của luồng sẽ được mở rộng và độ sâu đạt -13.5m. Khi đó, cảng sẽ tiếp nhận được 5.000 tấn đủ tải và 70.000 tấn giảm tải. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng có thể tăng lên đến 12-13 triệu tấn/năm, thay vì chỉ khoảng 9-10 triệu tấn.

Theo Bộ GTVT, trong năm 2024, dự kiến 19 dự án giao thông sẽ được hoàn thành thủ tục khởi công.

Trong đó, có 3 dự án do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền/cơ quan chủ quản gồm: Dầu Giây - Tân Phú, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Chợ Mới - Bắc Kạn.

16 dự án khác gồm 10 dự án đường bộ: đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận và đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Dự án cải tạo, mở rộng QL2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; Cải tạo, mở rộng QL46 đoạn TP Vinh - thị trấn Nam Đàn; Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, Nam Sông Hậu) tại ĐBSCL; Quốc lộ 4B Lạng Sơn.

Cùng đó là đầu tư đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1; Cải tạo, nâng cấp QL28B qua Bình Thuận và Lâm Đồng; Xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên QL37B (ODA); Xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.

Lĩnh vực đường sắt có dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.

Một dự án lĩnh vực hàng hải là cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000DWT.

Ngoài ra, lĩnh vực hàng không có một dự án. 3 dự án khác phục vụ quản lý của Bộ GTVT và các cơ quan trực thuộc cũng sẽ được khởi công.

Nhóm PV

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/loat-du-an-giao-thong-lon-khoi-cong-khanh-thanh-nam-2024-192240102095614136.htm