Loạt Megastory: Đồng Nai đón vận hội đặc biệt từ các dự án hạ tầng giao thông (Kỳ 1)
>>> Kỳ 1: 2025 năm của hạ tầng giao thông

Cuối những ngày tháng Tư lịch sử vừa qua, Đường cất hạ cánh số 1 sân bay Long Thành đã được thông điện, “sáng đèn”, bay hiệu chuẩn, vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch ban đầu. Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng gần như 100% có mặt bằng sạch sau khi Biên Hòa thần tốc hoàn thành “Chiến dịch 50 ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giải phóng mặt bằng cao tốc, Cảng Phước An đón những chuyến tàu hàng đầu tiên cách đây vài tháng…
Có thể nói, Đồng Nai đang chứng kiến một giai đoạn bứt phá chưa từng có trong lịch sử phát triển hạ tầng. Những đại dự án không chỉ thay đổi diện mạo địa phương mà còn tái định vị Đồng Nai trên bản đồ phát triển quốc gia.
Loạt bài megastory ba kỳ sau đây làm rõ ba trụ cột chính trong hệ thống hạ tầng đang tạo ra những xung lực phát triển đột phá cho Đồng Nai: các tuyến cao tốc – vành đai, đô thị sân bay Long Thành và hệ sinh thái logistics – cảng biển – công nghệ cao. Bức tranh tổng thể cho thấy: khi hạ tầng được đẩy nhanh, vận hội mới sẽ mở ra. Đồng Nai đang đi những bước vững chắc để trở thành cực tăng trưởng mới của cả khu vực phía Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước - kỷ nguyên vươn mình.

Với Đồng Nai, chưa bao giờ cơ hội ấy hiện hữu rõ nét như lúc này – khi những đại dự án mang tầm quốc gia đang đồng loạt triển khai, từ sân bay, cảng biển, cao tốc đến metro. Cuối tháng 4 vừa qua, đường cất hạ cánh số 1, Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đã chính thức hoàn thành. Cùng với đó, tuyến giao thông số 1 (tuyến T1), phục vụ kết nối giao thông cho Sân bay Long Thành cũng đã chính thức được thông xe kỹ thuật.
Đồng thời, với hàng trăm km đường cao tốc đã và đang dần “thành hình” cũng sẽ giúp tỉnh Đồng Nai hiện thực hóa mục tiêu lấy hạ tầng giao thông dẫn dắt phát triển kinh tế, xã hội.



Đường cất hạ cánh số 1 Sân bay Long Thành đã hoàn thành xây dựng và sẵn sàng phục vụ công tác bay hiệu chuẩn. Ảnh: Phạm Tùng
Đường cất hạ cánh số 1 và tuyến đường T1 là những hạng mục “về đích” sớm của Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Đây cũng là những “viên gạch nền” đầu tiên để hiện thực hóa mục tiêu rút ngắn thời gian thi công, cơ bản hoàn thành Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh: “Không thay đổi mục tiêu hoàn thành dự án”.
Dự án Sân bay Long Thành là “siêu” dự án của đất nước với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, trong đó, giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư gần 4,7 tỷ USD.
Theo kế hoạch ban đầu, Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong tháng 9-2026. Tuy nhiên, với mục tiêu hoàn thành sớm dự án nhằm tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai nói riêng, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước nói chung, tại các chuyến thăm, kiểm tra công trường dự án diễn ra liên tục trong 2 năm qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu phải rút ngắn thời gian thi công, hoàn thành dự án “Quán triệt mục tiêu không thay đổi của dự án là cơ bản phải hoàn thành trong năm 2025, đưa vào vận hành, khai thác thương mại vào nửa đầu năm 2026”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu.

Mái thép trung tâm công trình nhà ga hành khách Sân bay Long Thành giai đoạn 1 nặng hơn 5,3 ngàn tấn đã được nâng lên đỉnh mái vào đầu tháng 4 đánh dấu việc hoàn thành thi công một trong những hạng mục quan trọng nhất của dự án. Ảnh: Phạm Tùng
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hiện nay, các hạng mục quan trọng của Dự án Sân bay Long Thành được đẩy nhanh tiến độ. ACV cũng đã làm việc với các nhà thầu để điều chỉnh tiến độ các gói thầu đảm bảo cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.
Ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc phụ trách ACV, đối với công trình nhà ga hành khách, “trái tim” của Dự án Sân bay Long Thành, để đáp ứng tiến độ, ACV đã thành lập đoàn công tác sang Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Malaysia để kiểm tra nhà máy, thương thảo với đối tác nhằm rút ngắn thời gian cung cấp thiết bị sớm theo yêu cầu của Chính phủ.

Tuyến giao thông số 1 (T1) kết nối Sân bay Long Thành đã hoàn thành thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 4-2025. Ảnh: Phạm Tùng
Đầu tháng 4-2025, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ báo cáo về kết quả làm việc của đoàn công tác với các đối tác cung cấp thiết bị hàng không cho dự án thành phần 3, Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1, ACV cho biết, sau quá trình đàm phán, các đối tác cam kết cung cấp toàn bộ hệ thống thiết bị hàng không trong quý III, IV-2025.
Để đảm bảo hoàn thành đồng bộ các hạng mục của Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 dự án thành phần còn lại.
Ngày 10-5, tại phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho hay, đối với các dự án thành phần 1, 2 và 4, Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1, các nhà thầu, nhà đầu tư đều cam kết cơ bản hoàn thành các hạng mục trước ngày 31-12-2025.


Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến đường cao tốc và 2 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài 282km. Tính đến cuối năm 2024, trong tổng số gần 300km đường cao tốc được quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, đã có 93km gồm 42km thuộc Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và 51km thuộc Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào vận hành khai thác.

Tính đến nay, đã có hơn 7km Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn tỉnh hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác. Ảnh: Phạm Tùng
Đến đầu năm 2025, khi 7km thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn đi qua địa bàn tỉnh được thông xe, đưa vào khai thác, Đồng Nai đã chính thức “cán mốc” có 100km đường cao tốc. Qua đó, đưa Đồng Nai trở thành một trong những địa phương có chiều dài đường cao tốc được đưa vào khai thác lớn nhất cả nước. Đồng thời, “quỹ” đường cao tốc trên địa bàn tỉnh sẽ được gia tăng vào cuối năm 2025 khi Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ cơ bản về đích và các tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh cũng cơ bản hoàn thành, thông xe kỹ thuật.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, ngoại trừ hạng mục cầu Phước Khánh, các đoạn tuyến của dự án sẽ cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ vào tháng 9-2025. Như vậy, tới thời điểm đó, Đồng Nai sẽ có thêm khoảng 20km đường cao tốc từ Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được đưa vào khai thác.
Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến đường cao tốc và 2 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài 282km. Tính đến cuối năm 2024, trong tổng số gần 300km đường cao tốc được quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, đã có 93km gồm 42km thuộc Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và 51km thuộc Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào vận hành khai thác.
Trong khi đó, với 34km thuộc Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và 11km Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn tỉnh, mục tiêu nhất quán được đặt ra là sẽ cơ bản hoàn thành, thông xe kỹ thuật trước ngày 31-12-2025.

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh đang dần thành hình.Ảnh: Phạm Tùng
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay, đối với các dự án thành phần 1, Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và dự án thành phần 3, Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh do tỉnh làm chủ đầu tư, hiện nay, địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, tỉnh cũng đã yêu cầu các nhà thầu phải tăng tốc thi công, bù lại phần tiến độ đã bị chậm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thời gian trước. “Mục tiêu của tỉnh là phải cơ bản hoàn thành, thông xe kỹ thuật đối với các dự án này trước ngày 31-12-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.

Công nhân thi công tại Dự án thành phần 3, Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh để đảm bảo tiến độ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025.Ảnh: Phạm Tùng
Trong khi đó, đối với dự án thành phần 2, Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho hay, tiến độ dự án hiện cơ bản bám sát kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025.
Như vậy, với việc đặt quyết tâm cao, cũng như tiến độ thi công các dự án cơ bản bám sát kế hoạch đề ra, đến cuối năm 2025, Đồng Nai sẽ có thể đón nhận thêm khoảng 65km đường cao tốc từ các dự án: Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.

