Tuyến đường vành đai 3 (cả trên cao lẫn dưới thấp) là trục đường huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên theo theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, vành đai 3 trên cao, cầu Thanh Trì hiện nay lưu lượng giao thông đã vượt 8 lần thiết kế.
Dù có tốc độ lưu thông lên đến 80 km/h, tuy nhiên trên tuyến đường này tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra đặc biệt vào những ngày mưa hay các dịp nghỉ lễ, Tết.
Theo dữ liệu quan trắc của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, nút giao Ngã Tư Sở có lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện một giờ nhưng hiện lên đến 8.000 nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Đường Nguyễn Trãi dài khoảng 3,4 km (điểm đầu tại chân cầu vượt Ngã Tư Sở, điểm cuối nối với đường Trần Phú, Hà Đông) có mật độ vượt 3,3-5,6 lần vào giờ cao điểm.
Dù tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đi vào khai thác thương mại, nhưng lượng xe cá nhân vẫn còn rất lớn. Chính vì thế ùn tắc thường xuyên xảy ra trên trục đường này.
Theo quan trắc, trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu có lưu lượng giao thông vượt từ 1,1 đến 1,7 lần thiết kế. Đường Lê Văn Lương dài 2 km, mỗi chiều rộng 11,25 m, dải phân cách giữa rộng 3-7 m. Hai bên đường có khoảng hàng chục khu nhà ở, văn phòng, thương mại cao tầng.
Mặt đường nhỏ, có mật độ phương tiện lưu thông lớn trong khi phải dành một làn mỗi chiều cho buýt nhanh BRT. Mặc dù vậy, làn đường dành riêng cho xe buýt BRT không phát huy được hiệu quả do thường xuyên bị xe máy lấn làn.
Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên, cây cầu được thông xe vào năm 1985, đến nay lưu lượng giao thông qua cầu đã tăng gấp 8 lần so với thiết kế.
Mới đây Hà Nội đã thực hiện mở rộng, tạo thêm làn đường mới tại nút giao này. Sau khi dự án trên hoàn thành, tình trạng ùn tắc đã được cải thiện. Tuy nhiên áp lực giao thông lại được chuyển sang trục đường Láng.
Đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) nơi có điểm dẫn đến rào chắn tuyến đường làm thu hẹp mặt cắt tuyến đường, gây ra hiện tượng thắt cổ chai khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn.
"Đường Nguyễn Xiển ngày thường đã đông, từ khi tuyến đường này được rào chắn để thi công thì tình trạng tắc đường còn xảy ra thường xuyên hơn. Nếu ngày thường tôi đi làm qua tuyến đường này mất khoảng 15 phút nhưng nay chỉ tính riêng đi qua đoạn thắt cổ chai này đã mất đến 10 phút, rất vất vả". Anh Tuấn (người dân sinh sống tại quận Thanh Xuân) cho biết.
Theo ông Trần Hữu Bảo (Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), hiện nay tại Hà Nội có trên 8 triệu phương tiện đăng ký, bao gồm: 1,1 triệu ô tô, hơn 6,7 triệu xe máy, 200 nghìn xe đạp điện và chưa kể 1,2 triệu phương tiện của tỉnh thành khác lưu thông trên địa bàn. "Có thể thấy số lượng phương tiện và mật độ người sinh sống, làm việc tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội là rất lớn đè lên hạ tầng, không chỉ hạ tầng giao thông mà còn hạ tầng xã hội khác như y tế, giáo dục", Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nói.
Sở Giao thông Vận tải cho biết số điểm ùn tắc của Hà Nội năm 2023 đã giảm 4, từ 37 còn 33. Sở đã xử lý được 15 điểm ùn tắc trong năm nhưng lại phát sinh thêm 11 điểm mới. Nguyên nhân là số xe cá nhân tăng, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chậm, nguồn lực hạn chế, quá tải lưu lượng phương tiện lên hạ tầng.
Nhiều tuyến đường ở Hà Nội có mật độ giao thông vượt 6 - 8 lần thiết kế. Ảnh: Google Maps.
Việt Linh