Loay hoay thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất (bài 2)

Bài 2: Không quyết liệt khó hoàn thành kế hoạchĐBP - Chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025. Nhưng mục tiêu hoàn thành giải ngân vốn sự nghiệp của các chương trình MTQG khó có khả năng hoàn thành khi kết quả giải ngân của các địa phương trong tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp, nhất là đối với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất.Bài 1: Bất cập về cơ chế, chính sách

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến kiểm tra dự án hỗ trợ nuôi cá lăng thương phẩm trong lồng bè tại xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến kiểm tra dự án hỗ trợ nuôi cá lăng thương phẩm trong lồng bè tại xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa).

Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Điện Biên được giao hơn 2.073 tỷ đồng. Trong 2 năm (2023 - 2024), tỉnh được giao hơn 1.713 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương để thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn (năm 2023 hơn 937 tỷ đồng và năm 2024 hơn 776 tỷ đồng). UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết 100% nguồn vốn và quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn, nhất là đối với các dự án hỗ trợ sản xuất, để góp phần hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân. Song hầu hết các huyện đều chậm giải ngân nguồn vốn này.

2 năm (2022 - 2023) huyện Điện Biên Đông được giao tổng nguồn vốn sự nghiệp 119,365 tỷ đồng để thực hiện các chương trình MTQG. Tuy nhiên huyện chỉ thực hiện giải ngân được 47,547 tỷ đồng (đạt 39%). Nguồn vốn đã giải ngân chủ yếu thuộc các dự án, tiểu dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư như: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; làm nhà cho hộ nghèo; các dự án truyền thông, hỗ trợ nghề nghiệp.

Năm 2024, huyện Điện Biên Đông được giao hơn 145 tỷ đồng vốn sự nghiệp; trong đó, vốn thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất hơn 67,5 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm huyện mới giải ngân được 2,6 tỷ đồng để thực hiện 4 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trồng khoai sọ tại xã Phì Nhừ và Luân Giói).

Người dân xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng mắc ca thông qua dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Người dân xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng mắc ca thông qua dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Theo ông Vũ Ngọc Hoành, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, việc mua con giống để hỗ trợ cộng đồng gặp vướng mắc liên quan đến Luật Chăn nuôi; một số hạng mục chi hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Đối tượng hỗ trợ của các dự án là hộ nghèo, cận nghèo, hộ sinh sống tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhưng các đối tượng này ở rải rác tại mỗi thôn, bản một vài hộ, diện tích đất sản xuất không tập trung nên khó bố trí thực hiện các dự án liên kết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đủ điều kiện tham gia liên kết còn hạn chế, thiếu vốn, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, phát triển sản phẩm. Đây là những nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện giải ngân vốn sự nghiệp các chương trình MTQG trên địa bàn huyện.

Tại huyện Mường Nhé, chỉ tính riêng nội dung hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, năm 2023 huyện được giao hơn 8,1 tỷ đồng. Đến hết năm chỉ giải ngân đạt 12,1%. 6 tháng đầu năm 2024 huyện được phân bổ hơn 6 tỷ đồng, nhưng chưa giải ngân được. Hiện nay UBND các xã đang triển khai cho cộng đồng lập dự án, phương án hỗ trợ.

Người dân huyện Mường Nhé chuẩn bị cây quế giống sẵn sàng cho vụ trồng mới từ nguồn vốn các chương trình MTQG.

Người dân huyện Mường Nhé chuẩn bị cây quế giống sẵn sàng cho vụ trồng mới từ nguồn vốn các chương trình MTQG.

Theo ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, bên cạnh vướng mắc liên quan đến các quy định, cơ chế, chính sách thì công tác triển khai, thực hiện dự án của cơ sở còn lúng túng, công tác phối hợp chưa thường xuyên. Việc kêu gọi thu hút các doanh nghiệp thực hiện các dự án liên kết trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp rất khó khăn. Địa bàn cách xa trung tâm tỉnh, cước vận chuyển lớn đẩy chi phí giá thành cao nên sức cạnh tranh đối với sản phẩm cùng loại thấp; việc tìm thị trường tiêu thụ các sản phẩm do người dân sản xuất còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt, tại huyện Điện Biên năm 2024, riêng nội dung hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn hơn 90,3 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa giải ngân. Hiện nay, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (hỗ trợ phân bón, kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật), UBND các xã mới đang triển khai thực hiện. Còn đối với các dự án hỗ trợ cộng đồng (trâu, bò) và các dự án hỗ trợ liên kết không thực hiện được.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mô hình hỗ trợ sản xuất về trồng quế từ nguồn vốn sự nghiệp các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Nậm Pồ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mô hình hỗ trợ sản xuất về trồng quế từ nguồn vốn sự nghiệp các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Nậm Pồ.

Lý do là hiện nay huyện chưa giải quyết được những vướng mắc trong thực hiện các dự án hỗ trợ bò sinh sản do cộng đồng dân cư đề xuất năm 2023, nên công tác tuyên truyền, vận động, đề xuất dự án mới 2024 không thực hiện được. Bên cạnh đó, chưa thống nhất được đối tượng hưởng hỗ trợ khi tham gia tiểu dự án 2 (hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị) của dự án 3 thuộc Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mức hỗ trợ kinh phí dự án 60%, các hộ dân tham gia phải đối ứng 40% là quá cao đối với các hộ nghèo, cận nghèo.

Nguồn lực hỗ trợ sản xuất từ các chương trình MTQG dành cho người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới rất lớn, song đã gần hết giai đoạn thực hiện mà nhiều huyện vẫn loay hoay với việc lựa chọn cây, con gì để hỗ trợ người dân. Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023 tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất từ các chương trình chỉ đạt 18,2% so với tổng kế hoạch vốn giao. 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân mới đạt 5,1%. Trong đó, Chương trình Nông thôn mới đạt 2%; Chương trình Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 5% và Chương trình Giảm nghèo bền vững đạt 6,1%. Vì vậy, trong 2 năm liên tiếp (2022 và 2023) Điện Biên đều phải chuyển nguồn năm trước sang năm sau. Và nguy cơ năm 2024 tiếp tục chuyển nguồn sang năm sau rất lớn, ảnh hưởng chung đến giải ngân vốn trong cả giai đoạn.

Bài 3: Để dự án hỗ trợ sản xuất phát huy hiệu quả

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/217560/loay-hoay-thuc-hien-cac-du-an-ho-tro-san-xuat-bai-2