Loay hoay tìm nơi đổ chất thải nạo vét luồng hàng hải
Ở nhiều nơi, ngay cả khi địa phương quy hoạch vùng đổ thải, luồng vẫn cứ cạn, doanh nghiệp vẫn 'đau đầu'.
Việc tìm vị trí đổ vật chất nạo vét khi duy tu, nạo vét luồng hàng hải trở thành “nút thắt” với hoạt động nạo vét mấy năm nay.
Mất khách vì luồng bồi lắng
Đã 10 năm kể từ khi cầu tàu 50.000 DWT được đưa vào khai thác tại Cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) nhưng đến nay, ông Nguyễn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Cam Ranh vẫn đau đáu khi cảng vẫn chưa thể đón được tàu 50.000 DWT cập cảng làm hàng.
Từ khi được Cục Hàng hải VN công bố cho phép năng lực tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 50.000 DWT (2013), tuyến luồng vào cảng vẫn chưa được duy tu, nạo vét để đồng bộ với hạ tầng cầu bến.
Lần nạo vét gần nhất của luồng hàng hải Ba Ngòi (Cảng Cam Ranh) cũng đã 16 năm (2007), với độ sâu đạt -10.2m nhằm đảm bảo cho tàu có tải trọng 30.000 DWT hành hải an toàn trên luồng.
Theo ông Thắng, dù luồng hàng hải Cam Ranh có tốc độ sa bồi không đáng kể, song do quá lâu không nạo vét khiến luồng khan cạn, tàu trọng tải 50.000 DWT không dám vào cảng.
Độ sâu hiện tại chỉ còn khoảng -9,0 m; một số chỗ thậm chí chỉ đạt khoảng -8.0m. Dù công bố cảng có thể đón tàu khoảng 50.000 tấn, nhưng tàu đầy tải vào cũng chỉ chở được khoảng 40.000 - 42.000 tấn.
“Sản lượng hàng bốc dỡ giảm, cảng không phát huy được hết năng lực. Khi năng lực cảng bị hạn chế, tàu không thể chở hàng đầy tải cũng gây thiệt hại cho chủ tàu. Có không ít trường hợp khách hàng chở hàng trên tàu 60.000 tấn, vì vào cảng không được nên quay lên Dung Quất”, ông Thắng thông tin.
Lãnh đạo cảng Cam Ranh cho biết đã nhiều lần có văn bản đề nghị cơ quan chức năng thực hiện duy tu, nạo vét luồng để đạt độ sâu chuẩn tắc thiết kế. Nhưng đến nay, việc này chưa được thực hiện.
Theo Cục Hàng hải VN, luồng Cam Ranh thực tế đã được đưa vào chiến lược duy tu nhưng không thực hiện được. Nguyên nhân do vướng mắc trong khâu tìm kiếm vị trí đổ chất nạo vét. Hiện, Cục này đang làm việc với tỉnh Khánh Hòa để sớm có giải pháp tối ưu.
Trên thực tế, không riêng luồng hàng hải Cam Ranh, việc nạo vét duy tu luồng hàng hải tại nhiều địa phương hiện gặp vướng mắc tương tự.
Theo Cục Hàng hải VN, dù cơ quan này đã chủ động phối hợp với các địa phương nhưng nhiều tuyến luồng tại các địa phương như Quảng Ninh, Quảng Bình… không thể triển khai do không tìm được vị trí đổ chất nạo vét.
Mất cả năm để làm thủ tục môi trường
Theo các chuyên gia, nhiều dự án nạo vét hiện nay chậm vì các địa phương chưa quy hoạch vùng đổ thải, hoặc do thủ tục về môi trường.
Việc có nhiều tỉnh, thành phố không quy hoạch vị trí đổ chất nạo vét dẫn đến hàng năm phải thêm thời gian để hoàn thiện các thủ tục chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét. Trước tình trạng đó, Cục Hàng hải VN cho biết, đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với các địa phương, đề nghị quy hoạch vùng đổ thải. Bởi, chỉ khi các địa phương quy hoạch khu đổ thải, các hoạt động cấp phép về môi trường cho hoạt động đổ thải mới được tiến hành nhanh chóng, rút ngắn thời gian làm thủ tục.
Kết quả, cho đến khi các địa phương quy hoạch không gian riêng để tiếp nhận các vật chất nạo vét, các doanh nghiệp chỉ còn cách tự xoay xở. Như lời lãnh đạo cảng Cam Ranh, cảng đang nghiên cứu lập phương án nâng size tàu tiếp nhận, rồi giảm tải. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án ngắn hạn. Để tối ưu, vẫn chỉ có cách nạo vét luồng.
Ông Bùi Thế Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam thông tin, theo kế hoạch nạo vét luồng hàng hải năm 2023 được Bộ GTVT phê duyệt, dự án nạo vét luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu có khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 450.000m3 (thi công trong 2 năm 2023 - 2024).
Với khối lượng này, doanh nghiệp đang đàm phán với đơn vị chấp nhận cho đổ thải, song hồ sơ thủ tục tới nay vẫn chưa xong.
Liên quan tới những dự án nạo vét trong năm 2023, ông Hùng cho biết, dự án duy tu luồng Rạch Giá hiện đã được tỉnh Kiên Giang giao khu vực đổ thải.
Tuy nhiên, vị trí có sự thay đổi, xa hơn so với năm trước nên việc thi công cũng khó khăn hơn. Đối với dự án nạo vét luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu (khối lượng nạo vét dự kiến 2 triệu m3) mà đơn vị thực hiện cũng đang làm thủ tục nhận chìm.
“Các địa phương không còn quỹ đất công mà chủ yếu giao hết cho các doanh nghiệp. Đến khi làm thủ tục xin chỗ đổ thải, họ yêu cầu phải tìm kiếm vị trí và thỏa thuận rồi báo cáo lại để hỗ trợ”, ông Hùng cho biết.
Tại khu vực phía Bắc, ông Dương Ngọc Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc thông tin, các luồng hàng hải phía Bắc phải tìm vị trí đổ thải mới gần như rất ít.
Tuy nhiên, với những dự án duy tu nạo vét được thực hiện trong năm 2023 thường phải tìm vị trí đổ thải từ năm 2022 và nay chỉ triển khai các bước thủ tục.
Hiện nay, doanh nghiệp này đang làm các thủ tục về môi trường và tìm vị trí đổ vật chất nạo vét cho các dự án sẽ thi công trong năm 2024.
“Thời gian làm thủ tục môi trường cho các dự án thường mất nhiều thời gian. Trường hợp vị trí đổ thải trên bờ sẽ mất khoảng 2 - 3 tháng, nhưng nếu vị trí nhận chìm dưới biển sẽ khoảng gần 1 năm”, ông Đức nói.
Với các doanh nghiệp cảng biển tự chịu trách nhiệm duy tu nạo vét khu nước trước bến tại cảng còn khó khăn hơn do phải tự xin vị trí đổ chất nạo vét.
Một doanh nghiệp khẳng định, thời gian nạo vét chỉ khoảng 2 tháng nhưng làm các thủ tục môi trường, xin phê duyệt, chờ thẩm định... mất khoảng 10 tháng - 1 năm. Khi cảng bị bồi lắng, thời gian càng kéo dài càng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Kiến nghị quy định rõ khu vực biển để nhận chìm chất nạo vét
Theo Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường, UBND cấp tỉnh quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển.
Điều 47 Nghị định 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh: Trước 30/1 hàng năm công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý.
“Các dự án nạo vét cảng biển hiện nay còn gặp vướng mắc khi tìm vị trí đổ thải vì nhiều địa phương còn khó khăn trong công tác quy hoạch vị trí đổ chất nạo vét. Để giải quyết vấn đề này, cần kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia, trong đó quy định rõ khu vực biển để nhận chìm vật chất nạo vét”, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết.