Lời Bác năm xưa…
Vừa bước xuống xe, người lính già rưng rưng ngước nhìn ngọn núi thiêng Nghĩa Lĩnh. Mỗi lần quay trở lại nơi đây là biết bao kỷ niệm năm xưa lại ùa về. Hơn sáu mươi năm trước, trên đường từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản thủ đô sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ông cùng các đồng đội đã có cơ hội được gặp Bác Hồ tại Đền Hùng. Lời Bác vẫn còn vang vọng đâu đó nơi đây, ân cần trầm ấm: “Các chú có mệt không?”. Trên bậc thềm xanh rêu, các chiến sĩ ngồi vây quanh bên Bác chuyện trò. Từng lời căn dặn của Bác năm xưa còn vọng mãi trong ông: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đền Hùng hôm nay đẹp quá, ông không còn nhận ra Đền Hùng của mấy chục năm trước. Qua nhiều lần đầu tư tôn tạo, nơi đây đã có một diện mạo mới xứng tầm là trung tâm thực hành tín ngưỡng của dân tộc. Ông như thấy mình trẻ lại, đôi chân dẻo dai đã sẵn sàng để leo lên các đền thắp hương, viếng cảnh. Đứa cháu nội luôn theo sau ông. Màu áo bộ đội khoác lên hai thế hệ như chẳng có bất cứ khoảng cách nào. Vẫn là màu xanh kiên định ấy hòa vào màu xanh của cây cối núi rừng nơi đây khiến lòng ông bồi hồi xúc động. Bước vào cổng đền, ông mải mê nhìn ngắm những hàng hoa rực rỡ được trồng bên đường. Bầu không khí vừa linh thiêng vừa trong lành thật dễ chịu. Ông như nghe thấy tiếng của đồng đội mình đâu đó bên tai. Lưng áo bạc màu, súng khoác trên vai, lời ca bay lên tận đỉnh trời: “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u/Thu ru bến nắng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu/Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang/Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa/Trên dòng sông trở về đoàn người reo mừng vui trên sóng nước biếc trôi đầy sông bao đám xác thù…”(*)
- Ông có mệt lắm không?
- Ông còn muốn leo lên đền Thượng nữa cơ. Bác Hồ từng nói: “Leo núi phải leo đến đỉnh. Cũng như làm cách mạng không được bỏ dở chừng, phải đi tới đích”. Nhưng xem ra bây giờ lòng ông hào hứng thật cũng không còn đủ sức để leo lên đỉnh nữa, cũng như việc bảo vệ và gây dựng đất nước giờ phải trông chờ vào thế hệ các cháu thôi.
- Chúng cháu bây giờ không còn đủ lòng nhiệt huyết và tinh thần chiến đấu như thế hệ của ông.
- Thế hệ nào cũng có những khó khăn riêng. Người lính cụ Hồ thời bình cũng phải trải qua rất nhiều gian nan thử thách. Cuộc chiến với kẻ thù hay với tội phạm cũng đều cam go cả. Ông biết là dạo này lòng cháu lấn cấn nhiều vì chuyện có nên ở lại hay rời quân ngũ. Ông tin là cháu sẽ vượt qua những cám dỗ đời thường để giữ vững truyền thống gia đình.
Ông níu tay người quân nhân trẻ ngồi xuống gốc cây. Hai ông cháu đã lâu lắm rồi không có dịp ngồi trò chuyện cùng nhau. Ông mải mê làm cách mạng nên lập gia đình muộn. Đến lúc có cháu nội thì tóc trên đầu đã trắng phau. Huân là đứa cháu ông gửi gắm biết bao hy vọng. Lúc còn bé, Huân thích mê màu áo bộ đội ông mặc. Có nhiều đêm Huân ôm áo ông để ngủ. Những tấm huân chương của ông giống như báu vật, lấp lánh trong thế giới tâm hồn của một đứa trẻ. Thỉnh thoảng Huân lại bắc ghế lau chùi thật sạch từng tấm bằng khen và những bức ảnh của ông chụp cùng đồng đội. Đối với Huân, ông oai nghiêm lắm. Đôi mắt của ông luôn chứa ánh nhìn kiên định. Ngày ấy, ông công tác xa nhà, lâu lắm ông mới được về phép một lần. Mỗi lần ông về, Huân thường đứng từ đằng xa nhìn, chỉ chờ một cái vẫy tay là ùa vào lòng ông. Huân thích những buổi tối yên bình, sau khi ăn cơm xong, hai ông cháu ra ngoài sân ngắm nhìn bầu trời. Ông kể cho Huân nghe về những trận chiến oanh liệt, về chiến trường đạn bom khói lửa, về đồng chí đồng đội của mình. Có khi ông kể về những vùng đất từng hành quân qua, những người mình từng gặp gỡ. Trong những câu chuyện ấy có hình ảnh của Đền Hùng xanh thẳm và những lời dạy của Bác Hồ. Lúc ấy ông đã hứa đến một ngày nào đó sẽ cùng Huân về nơi cội nguồn dân tộc.
- Mới đó mà đã mấy chục năm rồi ông nhỉ?
- Phải! Đồng đội của ông cũng chẳng có mấy người còn sống. Họ đã mang những ký ức một thời đạn bom khói lửa đi về một thế giới khác. Họ đã gặp những người đồng đội của mình ngã xuống vì hòn tên mũi đạn. Rồi cũng sẽ đến lượt ông…
- Ông phải thật mạnh khỏe để vui sống thật lâu bên con cháu.
- Chỉ khi nào các cháu trưởng thành, ông mới thật sự thanh thản để đi gặp đồng chí đồng đội của mình.
Huân ngước nhìn một cánh chim trời, lòng bâng khuâng khó tả. Tình yêu với màu áo lính từ thuở nhỏ đã ngấm vào hồn Huân. Từng có lúc những giấc mơ cũng mang màu xanh ấy, lấp lánh ánh sao trên chiếc quân hàm. Huân vịn vào màu áo ấy để phấn đấu mỗi ngày, những mong sao đến một lúc nào đó được trở thành đồng chí của ông. Huân mong muốn được làm chú bộ đội biên phòng cũng nhờ những câu chuyện ông từng kể. Nơi rừng núi trập trùng, nơi khó khăn gian khổ. Nơi đồng bào ta sống một cuộc đời nhiều thiếu thốn nhưng vẫn ngân vang tiếng sáo tiếng khèn. Huân lỡ yêu những miền đất ông từng đóng quân, yêu những bản làng qua lời kể, yêu cả những gian khổ mà người lính canh gác nơi biên giới phải trải qua. Nhờ vậy mà bao nhiêu khó khăn Huân đều có thể vượt qua để thi vào Học viện Biên phòng. Qua nhiều năm học tập, rèn luyện trong nhà trường, Huân được phân công về công tác tại một đồn biên phòng ở Điện Biên. Nơi Huân đóng quân là điểm nóng về buôn bán, vận chuyển ma túy. Hàng ngày phải đối phó với các thủ đoạn tinh vi, phức tạp của tội phạm không làm Huân nản trí. Với sự dũng cảm, mưu trí trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm, Huân và các đồng chí đã phá nhiều vụ án ma túy, góp phần mang lại bình yên cho núi rừng Tây Bắc. Huân là niềm tự hào của ông và cả gia đình. Nhìn vào Huân, ông thấy cả một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình, cống hiến và không ngại gian khổ, hy sinh là tinh thần của người lính dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, thế hệ nào.
Chiến đấu kiên cường, không khoan nhượng với tội phạm thế nhưng Huân lại chẳng thể vượt qua được nỗi cô đơn của mình. Hàng ngày mở mắt ra nhìn bốn phía chỉ thấy rừng núi bạt ngàn. Những tiếng chim cất lên rồi mất hút đâu đó lẫn trong mây trời vời vợi. Nhìn mỏi mắt không tìm thấy một mái nhà hay khói bếp bay lên. Một tiếng ca phát ra qua chiếc đài FM cũng làm lòng Huân nhớ nhà da diết. Nhớ thành phố mình từng sống, nhớ ồn ào từng đi qua. Nhớ một lời hẹn ước cùng với người con gái mình yêu. Huân có lúc hoang mang lo sợ, khoảng cách xa xôi biết đâu sẽ khiến lòng người thay đổi. Đâu phải ai cũng được như bà, cả một đời đằng đẵng chờ chồng nuôi con. Bà từng kể, lấy nhau thời chiến, cưới xong chưa kịp ấm hơi nhau thì ông đã phải đi. Rồi bặt tin không một dòng thư, ông đi một mạch đến lúc về thì con trai đã chuẩn bị biết đi. Bà cũng như biết bao người vợ khác đêm nằm ôm con giấu nước mắt vào trong, lòng cầu khấn chồng mình sẽ tránh được bom đạn kẻ thù. Tình yêu của ông bà bền chặt theo tháng năm dẫu những ngày xa nhau bằn bặt. Đến tận lúc về già hai ông bà mới thật sự được ở gần bên để chăm sóc cho nhau. Nhìn ông bà hạnh phúc bên nhau, Huân ao ước rồi đời mình cũng thế. Nhưng đâu phải người phụ nữ nào cũng chịu đựng được cảnh chồng một nơi vợ một nơi. Vì tình yêu mà Huân đã từng có ý nghĩ sẽ rời quân ngũ về thành phố, cùng người mình yêu thương xây dựng một mái ấm gia đình.
- Dù cháu có quyết định thế nào ông cũng hết mình ủng hộ. Nhưng ông chỉ mong cháu suy nghĩ kỹ, vì ông biết tình yêu với màu áo lính đã hình thành trong cháu từ khi còn là một đứa nhỏ.
- Hôm nay được cùng ông về với Đền Hùng, nghe ông kể những câu chuyện năm xưa, lòng cháu như được sống lại tình yêu với màu áo lính.
- Ông tin rằng khi ngọn lửa tình yêu cháy ở trong tim thì khó khăn nào cũng vượt qua được, cháu à.
Huân dìu ông lên từng bậc đá. Người lính già thấy trời gần hơn, những âm vang năm xưa cũng vọng về rõ rệt. “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, lời của Bác vang vọng thiên thu vẫn còn xanh trên từng gân lá. Ông khẽ mỉm cười thầm thì gọi tên từng người đồng đội…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG
(*): Trích “Trường ca sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao.
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202405/loi-bac-nam-xua-91b0703/