Lời cảnh tỉnh tới toàn thế giới

Ngay cả trước khi chính quyền Donald Trump bất ngờ đóng cửa USAID, cộng đồng quốc tế đã nhận được nhiều chỉ dấu để xem xét lại cách vận hành và phân bổ các khoản viện trợ.

Sự đóng cửa đột ngột của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump được báo hiệu là sẽ dẫn đến nhiều hệ quả sâu rộng đối với hàng triệu người nghèo trên khắp thế giới.

Nước đi này được so sánh với động thái sáp nhập Cơ quan Phát triển Quốc tế Anh với Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, vốn đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.

Thậm chí, việc đóng cửa USAID được dự báo sẽ để lại nhiều hệ quả còn trầm kha hơn khi danh tiếng của Washington bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Mỹ đánh mất quyền lực mềm một cách đáng kể và khả năng giải quyết các vấn đề toàn cầu bị thu hẹp, tờ Financial Times nhận định.

Sự thay đổi trong bức tranh viện trợ toàn cầu

Trong tương lai gần, vấn đề cấp thiết nhất sau sự đóng cửa của USAID sẽ xoay quanh việc bảo vệ những mảnh đời nguy ngập. Bởi lẽ, việc USAID bị "đóng băng" đồng nghĩa với sự biến mất của hơn 40% ngân sách viện trợ nhân đạo toàn cầu.

Ngay cả trước khi chính quyền Trump công bố quyết định sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao và cắt giảm lượng lớn nhân sự, cộng đồng quốc tế đã nhận được nhiều chỉ dấu về việc xem xét lại hai trụ cột khác của vấn đề viện trợ: hỗ trợ giảm nghèo và tài trợ cho hàng hóa công cộng toàn cầu.

 Sự đóng cửa đột ngột của USAID khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng. Ảnh: Reuters.

Sự đóng cửa đột ngột của USAID khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng. Ảnh: Reuters.

Các nước đang phát triển từ lâu đã phàn nàn rằng hệ thống viện trợ hiện tại không đáp ứng nhu cầu của họ và không cho các quốc gia này tiếng nói đầy đủ.

Trong số những nước cung cấp viện trợ truyền thống, các hạn chế tài khóa và sự đoàn kết quốc tế liên tục có dấu hiệu bị lung lay cũng khiến các gói viện trợ trở nên dè xẻn hơn, theo Financial Times.

Tuy nhiên, dòng vốn toàn cầu chảy về những nước đang phát triển lại đang ở ngưỡng cao nhất mọi thời đại. Một số quốc gia cung cấp viện trợ mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kì và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đang dần trở thành những nhân tố quan trọng với các mục tiêu rõ ràng về thương mại hoặc địa chính trị.

 Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia trong những năm gần đây cũng cung cấp các gói viện trợ với các hạng mục chi tiêu trải dài từ y tế, nhân quyền đến hỗ trợ giảm nghèo và hỗ trợ người dân ở các vùng xung đột. Ảnh: Reuters.

Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia trong những năm gần đây cũng cung cấp các gói viện trợ với các hạng mục chi tiêu trải dài từ y tế, nhân quyền đến hỗ trợ giảm nghèo và hỗ trợ người dân ở các vùng xung đột. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh nguồn viện trợ mới, các hạng mục được chi tiền cũng đang dần thay đổi. Những khoản chi cho các cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu, biến đổi khí hậu và dòng người tị nạn đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2017-2021, từ 37% tổng chi tiêu viện trợ lên 60%.

Sự thay đổi nói trên khiến ngân sách hỗ trợ giảm nghèo ở cấp độ quốc gia ngày càng giảm.

Phương hướng cải tổ hệ thống phát triển toàn cầu

Trước những thay đổi to lớn và đột ngột từ các nước cung cấp viện trợ truyền thống, điển hình là Mỹ với USAID, nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống phát triển quốc tế hiện tại cần được cải tổ.

Hệ thống viện trợ nhân đạo cần được cải cách triệt để nhằm nâng cao khả năng đáp ứng và gia tăng tính hiệu quả. Những nguồn cung viện trợ cũng cần được đa dạng hóa để cung cấp những gói hỗ trợ ổn định và dễ kế hoạch hóa hơn.

Việc đầu tư để ngăn chặn các cuộc xung đột cũng được cho là hiệu quả về mặt chi phí hơn so với việc cố gắng đáp ứng sau khi cuộc sống của người dân ở những vùng chiến sự bị đảo lộn.

 Sự rút lui của USAID đã kéo theo nhiều hệ quả sâu rộng đối với hàng triệu người ở các nước thu nhập thấp phải phụ thuộc vào nguồn viện trợ quốc tế, đặc biệt là những khu vực đang trải qua các cuộc xung đột. Ảnh: Reuters.

Sự rút lui của USAID đã kéo theo nhiều hệ quả sâu rộng đối với hàng triệu người ở các nước thu nhập thấp phải phụ thuộc vào nguồn viện trợ quốc tế, đặc biệt là những khu vực đang trải qua các cuộc xung đột. Ảnh: Reuters.

Công tác giảm nghèo ở cấp độ quốc gia được cho là sẽ đạt được hiệu quả cao hơn thông qua các tổ chức đa phương có thể cung cấp những khoản vay theo các điều khoản phù hợp với từng tình hình.

Việc thừa nhận sự hỗ trợ đối với vấn đề biến đổi khí hậu ở các quốc gia đang phát triển cũng được cho là rất cần thiết để cải thiện hệ thống phát triển toàn cầu. Sự thay đổi có thể đến từ những yếu tố đơn giản như hỗ trợ chống ngập lụt hoặc thay đổi thời tiết cực đoan ở những quốc gia thu nhập thấp.

Nhìn chung, cuộc khủng hoảng về viện trợ quốc tế ở Mỹ sau quyết định sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao của chính quyền Tổng thống Trump là lời cảnh tỉnh đối với cộng đồng quốc tế về việc phát triển hệ thống viện trợ và tạo tiền đề khắc phục các vấn đề trầm kha như khủng hoảng nhân đạo, biến đổi khí hậu và người tị nạn.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/loi-canh-tinh-toi-toan-the-gioi-post1530629.html