Lối đi khác biệt của Hà Myo
Không đi theo đám đông hay xu hướng, Hà Myo lựa chọn cho mình một con đường bền bỉ, mang xẩm và nghệ thuật truyền thống đến với giới trẻ. Cô tạo cho mình một lối đi rất khác biệt, lạ lẫm trong thị trường âm nhạc đương đại, vừa truyền thống, vừa mới mẻ.
1.
Hành trình 10 năm ca hát của Hà Myo đánh dấu bằng một dự án mà cô dành nhiều tâm huyết, mang xẩm đến các trường học. Khởi động từ năm 2023, đến nay, hành trình của Hà đã đi đến 60-70 trường, mỗi trường học cả nghìn học sinh, sinh viên. Cô nhớ khi đến khoảng 5-7 trường đầu tiên và hỏi có ai biết đến loại hình nghệ thuật truyền thống này, không có cánh tay nào giơ lên. Sau một thời gian, Hà Myo mới nhận được khoảng 50-70% sự hưởng ứng của người trẻ. Rất nhiều bạn trẻ trước đó không biết đến xẩm, giờ đã quen và yêu những giai điệu xẩm.

Quan niệm rằng, thế hệ trẻ là nòng cốt và tiếp nối các giá trị truyền thống. Trong loại hình hát xẩm, thế hệ nghệ sĩ gạo cội ngày càng hiếm và ít dần đi. Nhưng không thể trách khán giả, cũng không thể ngồi chờ họ đến nghe xẩm ở những sân khấu truyền thống. Muốn họ yêu, phải chủ động mang xẩm tiếp cận công chúng. Hà chọn những người trẻ, bởi chính họ là đại sứ, có nhiều kiến thức về công nghệ nên việc lan tỏa nét đẹp của nghệ thuật hát xẩm sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. Đưa xẩm đến trường học, đến với hàng nghìn học sinh - sinh viên thì sự lan tỏa sẽ theo cấp số nhân.
Điều đáng nói là sau chuỗi hoạt động đem xẩm đến trường học, những video của Hà trên mạng xã hội được lan tỏa, rất nhiều bạn trẻ đã nghe, thuộc những bài xẩm. Đó là tín hiệu đáng mừng, không chỉ các bạn học sinh - sinh viên yêu thích mà các bậc phụ huynh, các thầy, cô giáo cũng rất thích xẩm. Ngoài biểu diễn xẩm, Hà cũng chia sẻ với các bạn học sinh về việc giữ gìn văn hóa truyền thống và cách để chúng ta trở nên đặc biệt trong mắt bạn bè quốc tế khi đem văn hóa âm nhạc của Việt Nam đến với họ.
Xẩm, từ một loại hình nghệ thuật “hẩm hiu” vì bị lãng quên, đã trở nên sống động hơn, được nhiều người biết đến hơn từ cách lan tỏa tình yêu của Hà Myo. Điều gì khiến cô gái từ xứ Mường, không có mối liên hệ nào với nghệ thuật xẩm vốn sinh ra ở Bắc bộ lại mang trong mình sứ mệnh khó khăn đó. Chỉ vì trót yêu và trót đam mê. “Càng nghe xẩm, tôi càng say mê những giai điệu của cha ông, xẩm hay nhưng thân phận của xẩm quá buồn so với các loại hình nghệ thuật khác như chèo, ca trù... Vì thế, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm lan tỏa cái hay, cái đẹp của xẩm đến với mọi người, đặc biệt là giới trẻ”.
2.
Hà Myo sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình - nơi có nền văn hóa phong phú và đa dạng của dân tộc Mường. Từ nhỏ, cô đã được tiếp xúc với âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Cô luôn ước mơ trở thành ca sĩ dù gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Con đường đến với âm nhạc của Hà Myo không dễ dàng nhưng cô chưa từng chùn bước.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Hà Myo về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và bắt đầu con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Gần 10 năm gắn bó với nhạc trẻ, bỗng một ngày Hà bén duyên với xẩm. Đó là năm 2019, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tổ chức lớp tập huấn cho các nghệ sĩ trẻ tiếp cận với âm nhạc truyền thống, Hà Myo bị cuốn hút bởi ca trù, quan họ, chèo, xẩm. Sau đó, Hà tham gia cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội” năm 2020, cô đăng ký bài “Tứ phủ” - một tác phẩm nhạc trẻ mang âm hưởng dân gian đương đại. Không ngờ khi được vào vòng chung kết, BTC lại xếp cô sang dòng nhạc dân gian. Và mối lương duyên đến với xẩm từ đó.
Khi bắt đầu những câu xẩm đầu tiên, cô cảm thấy như mình thuộc về dòng nhạc ấy, chất dân gian ấy, có lẽ, nó nằm sâu trong tâm thức của cô, chỉ khi chạm đến mới được dịp bung nở. Nhưng cô không thể hát xẩm như một nghệ nhân mà Hà mang tâm thế của một nghệ sĩ trẻ, khám phá âm nhạc truyền thống theo góc nhìn của người trẻ. Và những giai điệu xẩm trên nền nhạc điện tử sôi động là một thử nghiệm táo bạo của Hà khi kết hợp giữa xẩm dân gian, rap và EDM.
Tác phẩm “Xẩm Hà Nội” do nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long biên soạn lại lời từ bài “Xẩm chợ Đồng Xuân” đã giúp cô giành giải Nhì cuộc thi và giải “Bài hát hay nhất về Hà Nội”. Nhưng cũng thời điểm đó, Hà nhận được không ít lời chê rằng, cô đã phá nát xẩm truyền thống. Khoác áo mới cho một nghệ thuật có tuổi đời như xẩm không dễ dàng được chấp nhận. Định kiến về xẩm buồn và chỉ hát ngoài đường phố khiến khán giả, các nhà tổ chức không mấy mặn mà…

Sự kết hợp của xẩm, nhạc điện tử EDM và ráp trong “Xẩm Hà Nội” được ca sĩ Hà Myo thể hiện nhận được sự thích thú của khán giả trẻ.
Nhưng những khó khăn ấy không khiến Hà Myo từ bỏ con đường của mình. Cô vẫn tiếp tục đầu tư ra sản phẩm và dần dần, Hà đã có khán giả…, lượt xem trên YouTube nhiều hơn. Sau cuộc thi, cô dành tiền làm MV “Xẩm Hà Nội” với ý định lưu giữ kỷ niệm. Tuy nhiên, khi ra mắt, MV lại được mọi người đón nhận một cách tích cực ngoài mong đợi. “Xẩm Hà Nội” tạo cơn sốt gần 2 triệu lượt người xem trên YouTube và đưa Hà đến với những sân khấu lớn. Cũng dần dần, cô nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các nhạc sĩ nổi tiếng… Mỗi sản phẩm của cô được đầu tư kỹ lưỡng, công phu và luôn mới mẻ, phả vào đó hơi thở của thời đại. Với “Xẩm xuân chúc phúc” là lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng. “Xẩm bốn mùa hoa” là bức tranh Hà Nội hiện đại, duyên dáng.
Ngoài xẩm, Hà Myo còn hát xoan, chầu văn, dân ca Nam Bộ. Cô miệt mài khám phá các chất liệu dân gian để đưa vào các MV như hát xoan trong “Trò chơi í a trời cho”, dân ca Mường trong “Đập nàng Khọt”, dân ca Nam Trung Bộ trong “Ký sự Trường Sa”. Hà tìm đến các nghệ nhân để tìm hiểu về các làn điệu một cách cẩn trọng. Bởi Hà quan niệm, muốn sáng tạo trước hết phải thấu hiểu truyền thống. “Tôi đã tìm về Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch, “bà trùm” của phường xoan An Thái - một trong 4 phường xoan cổ ở Phú Thọ để tìm hiểu về hát xoan. Đó là cách tôi tiếp cận truyền thống để từ đó mang đến những sáng tạo mới, đưa truyền thống đến với giới trẻ hôm nay”, Hà tâm sự.
Năm nay, Hà Myo cho biết tiếp tục học các lớp hát chèo, hát văn, một số nhạc cụ như đàn nhị, nguyệt để nâng cao kỹ năng. Cô chỉ mong mình nổi tiếng để có thể quảng bá nhiều hơn nét đẹp văn hóa truyền thống tới giới trẻ. Và không chỉ dừng lại ở việc lan tỏa âm nhạc truyền thống đến giới trẻ trong nước, hành trình 10 năm tiếp theo của Hà còn ấp ủ giấc mơ lớn hơn, lan tỏa những vẻ đẹp ấy ra cộng đồng quốc tế. Năm 2024, cô đã mang những tâm huyết, sáng tạo của mình biểu diễn ở những sân khấu nước ngoài như Viêng Chăn, Lào, hay Hồng Kong (Trung Quốc) và nhiều sự kiện đón khách quốc tế đến Việt Nam…
Đó sẽ là một hành trình gian nan, nhưng với tình yêu và sự sáng tạo, đam mê, Hà Myo sẽ tiếp tục khai phá những vùng đất mới, khơi thông dòng chảy của âm nhạc truyền thống Việt Nam trong đời sống đương đại.
Hà Myo giành được giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng” năm 2021, và “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 vì nhờ kết hợp xẩm với âm nhạc hiện đại đã làm xẩm hồi sinh, lan tỏa nhiều hơn. Ngoài ra, cô còn nhận được những giải thưởng: Thanh niên sống đẹp 2022, Quán quân Sàn chiến giọng hát 2022, 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch năm 2021, Giải Bài hát hay nhất về Hà Nội trong cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2020, Giải Nhì Tiếng hát Việt - Trung 2019, Giải Nhì cuộc thi KPop Contest 2019 (tiếng Hàn Quốc)...
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/loi-di-khac-biet-cua-ha-myo-i763296/