Lời hẹn mùa Xuân

Máy bay hạ dần độ cao. Một cảm giác khoan khoái, nhẹ nhõm quen thuộc sau một chuyến bay dài gần chục tiếng đồng hồ khi nghe tiếng cơ trưởng thông báo thời tiết ở sân bay Nội Bài. Vậy là trời chiều lòng người.

Mưa Xuân, trời ấm lên sẽ là lúc những cành đào muộn mạn Nhật Tân khoe sắc. Ông có điều kiện để thực hiện lời hẹn từ cách nay đến nửa thế kỷ…

Đó là vào cái tết Quý Sửu năm 1973. Những người cùng lứa tuổi với ông Hoàng hẳn không thể quên cái Tết yên bình đầu tiên ấy. Năm ấy chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết, một tin vui đến với người Hà Nội và cả nước. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Vừa trải qua sự khốc liệt của đạn bom, mất mát, người Hà Nội càng hiểu rõ sự quý báu của hòa bình, niềm vui sum họp và hạnh phúc được đón cái Tết cổ truyền của dân tộc trong hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.

Khung cảnh yên bình tại một gia đình Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền năm 1973.

Khung cảnh yên bình tại một gia đình Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền năm 1973.

Với Hoàng, Tết năm ấy lại càng đáng nhớ. Mùa hè đỏ lửa 1972, Hoàng và nhiều đồng đội cùng trang lứa ở Hà Nội có mặt trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Trong một trận chiến đấu giữ chốt ở Thành cổ, anh bị thương và được chuyển về tuyến sau điều trị rồi có mặt ở Hà Nội đúng những ngày cuối tháng Chạp, khi thành phố còn ngổn ngang vì sự tàn phá của B.52.

Được đơn vị cho về phép đón Tết trước hẳn một tuần Hoàng gần như chỉ quanh quẩn ở nhà. Anh muốn dành thời gian cho mẹ. Từ lúc anh ở Quảng Trị ra, mẹ tranh thủ mọi lúc có thể để chăm sóc đứa con trai mà bà luôn vẫn coi là bé bỏng vừa trở về từ nơi mưa bom bão đạn, nấu cho anh những món ăn mà anh thích. Bạn bè anh cũng mỗi người một nơi. Người đang ở chiến trường, có người đã lên đường đi du học. Anh cũng dành nhiều thời gian đọc sách, một thú vui mà lâu lắm anh mới có điều kiện trở lại.

Sáng ấy, trời trở lạnh. Đợt gió mùa được dự báo sẽ gây một đợt lạnh qua Tết Quý Sửu tràn về. Hoàng đang mải mê với số phận cô nàng Scalet trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” thì có tiếng bấm chuông. Mở cửa, anh không tin vào mắt mình, Hiên, cô bạn gái trong chiếc áo bông xanh giản dị, với hai bím tóc tết đuôi sam nặng trĩu, cặp mắt to thông minh nhìn Hoàng trân trối:

- Hoàng về lúc nào…?

Câu hỏi mà như lời trách. Hoàng cũng sững sờ đến không thể trả lời. Anh những tưởng bạn mình đã lên đường du học cách đấy mấy tháng. Điều anh đang thầm mong không phải là một cô Hiên bằng xương, bằng thịt đang đứng trước cửa, mà là những phong thư từ một nước Đông Âu xa lắc.

Vậy là số phận vẫn run rủi cho họ được gặp nhau. Trong không may có cái may. Trước ngày lên đường ít hôm, trên đường từ cơ sở học ngoại ngữ bên Đông Anh về thăm nhà, Hiên bị tai nạn ngã xe, phải nằm viện điều trị và lui lại đi chuyến sau. Cũng chính vì vậy mà cô vẫn có mặt ở Hà Nội và nghe tin Hoàng từ chiến trường ra. Họ chỉ còn ít giờ đồng hồ trước khi phải xa nhau.
Đôi bạn học với nhau chỉ một học kỳ. Năm học 1971 - 1972, từ một lớp bị coi là nghịch nhất trường, Hoàng cùng mấy bạn nam được chuyển sang lớp 10C mà Hiên là lớp trưởng, như một biện pháp chia để trị của các thầy cô. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa… Hoàng, với cái án kỷ luật vì đánh nhau gây thương tích, được vào “sổ đen” của cô lớp trưởng và cô tự nhận với thầy chủ nhiệm sẽ kèm cặp, cảm hóa để cậu được đưa ra khỏi diện học sinh cá biệt.

Trò đời vốn có những sự oái oăm. Chính vì kèm cặp Hoàng mà Hiên dần thấy những nét dễ mến ở cậu bạn mà mình có nhiệm vụ cảm hóa. Chẳng hạn như tính mê đọc sách. Hoàng có thể vớ bất cứ cái gì để đọc, nhưng cái cậu mê nhất vẫn là sách văn học. Chính những lần đến nhà Hoàng trong con ngõ nhỏ, sâu hút gần Đền thờ Hai Bà Trưng mà Hiên được tiếp xúc với những tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới. Những lúc ngồi chờ Hoàng làm bài tập, Hiên khám phá một cách say mê tủ sách gia đình nhà Hoàng với những Không gia đình, Ruồi trâu, Người con gái viên đại úy, Chiến tranh Hòa Bình… Chẳng biết tự lúc nào, việc kèm cặp Hoàng không còn là nhiệm vụ bắt buộc, mà đã trở thành niềm vui nho nhỏ của cô lớp trưởng.

Những tưởng họ sẽ cùng nhau trải qua năm học cuối cùng đời học sinh phổ thông, cùng nhau thi tốt nghiệp và cùng nhau vào đại học thì đầu năm 1972, khi học kỳ 1 vừa kết thúc, Hoàng cùng một số bạn trai trong lớp có lệnh lên đường nhập ngũ vào thời điểm quân ta đang chuẩn bị đánh lớn trong chiến dịch Mùa khô năm 1972. Hầu hết trong số những cậu trai ấy chưa tròn 18, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo luật định. Vì yêu cầu của chiến trường, thành phố đã phải “vay” quân, huy động cả lứa thanh niên đáng ra sẽ có cơ hội hoàn tất chương trình phổ thông hay ít nhất họ cũng được cùng gia đình, người thân ăn xong cái Tết con Chuột năm ấy. Vậy mà họ đã lên đường, tạm biệt thành phố quê hương, xa trường, xa lớp khi mùa Xuân đã lấp ló nơi vườn đào Nhật Tân, luống quất Quảng Bá.

Điều kỳ diệu là trong số hàng ngàn gia đình, hàng ngàn ông bố, bà mẹ nuốt nước mắt vào trong tiễn những đứa con măng tơ của mình lên đường ngày ấy, không ai đem luật ra để khiếu nại, để làm lý do giữ những đứa con rứt ruột đẻ ra ở lại với mình, để nó được ăn thêm một cái Tết đạm bạc thời chiến tranh, để được thấy nó miệt mài đèn sách cho kỳ thi cuối cùng của đời học sinh phổ thông…

Chuyện cũng bình thường, nếu như thầy chủ nhiệm không gợi ý nên làm lễ kết nạp Hoàng vào Đoàn trước buổi lên đường. Nhưng cái khó lại không đến từ phía tổ chức Đoàn. Khi Hiên thông báo và đề nghị Hoàng viết đơn xin vào Đoàn, cậu khăng khăng từ chối. Lý do là chỉ mới cách đấy một tháng, chi đoàn còn nhận xét cậu cần phấn đấu và thử thách nhiều hơn nữa để trở thành đoàn viên. Vậy thì hãy để tớ trải qua thử thách và được kết nạp ở mặt trận! Hoàng cương quyết, kể cả khi Hiên dùng đến vũ khí cuối cùng là những giọt nước mắt con gái.

Và đúng như đã hứa, Hoàng được kết nạp Đoàn đúng dịp sinh nhật lần thứ 18, ngay trên mảnh đất Quảng Trị bời bời bom đạn. Anh đã báo tin vui ấy cho Hiên qua một cánh thư.

Vậy là họ chỉ còn ít giờ đồng hồ trước lúc Hiên lên đường. Khác lần tạm biệt trước khi tiễn Hoàng nhập ngũ, những ngày xa cách trong hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc chiến khiến đôi bạn cảm nhận tình cảm họ dành cho nhau là vô cùng đáng quý. Có quá nhiều điều muốn làm, nhiều chỗ muốn đến cùng nhau trước lúc phải chia tay.

Đã là 25 Tết. Hoàng rủ Hiên lên chợ hoa Cống chéo Hàng Lược. Anh muốn mua tặng cô một cành đào nho nhỏ. Nó sẽ cùng cô đón năm mới trên con tàu liên vận trong hành trình đến Đông Âu xa xôi, nơi cô sẽ đèn sách 5 năm đại học. Những mái ngói phố cổ đã thẫm màu bởi làn mưa Xuân nhè nhẹ. Dường như không khí ngày Xuân và cảm giác sắp phải xa nhau khiến Hiên bạo dạn hẳn lên. Khi đôi bạn hòa trong dòng người ngắm những cành đào Nhật Tân khoe sắc thắm, cô như vô tình nắm lấy tay Hoàng. Chỉ một thoáng thôi, họ cũng cảm nhận được sự rung động tự đáy lòng mỗi người.

Đúng ra, không phải tất cả những gì Hoàng mong muốn đều được thực hiện. Ví như anh rất muốn có một tấm ảnh chụp chung của hai đứa, nhưng Hiên nhất định không chịu. Cô nghe ai đó nói, những người yêu nhau, nếu chụp ảnh đôi sẽ không may mắn. Mà Hoàng lại sắp một lần nữa dấn thân vào nơi mũi tên hòn đạn. Bù lại, cô trao cho bạn tấm ảnh cả lớp chụp chung ở Công viên Thống Nhất hôm Hoàng lên đường nhập ngũ. Trong tấm ảnh ấy, như một sự ngẫu nhiên, hai người ngồi bên nhau. Điều đó làm Hoàng vui vui, nó như sự gián tiếp khẳng định tình yêu Hiên dành cho anh.

Ở chỗ tập trung bên Đông Anh lần đầu tiên họ chính thức cầm tay nhau. Chỉ vậy thôi cũng đủ làm con tim chàng lính trẻ rộn lên những nhịp đập bất thường. Trong mắt nhau, họ như đọc được một lời hẹn ước: Nhất định sẽ có một mùa Xuân, họ sẽ lại đến chợ hoa, cùng chọn một cành đào phai thật đẹp. Đó là khi anh đón cô du học trở về…
***
Theo một mô-típ quen thuộc của cuộc đời, nếu lời hẹn ước không được thực hiện, người có lỗi thường là người đi đến nơi có cuộc sống đầy đủ về vật chất. Và trong câu chuyện này, người đó sẽ là Hiên. Vậy mà người lỡ hẹn lại là Hoàng. Lần ấy chàng lính trẻ đã qua thử thách chiến trường được giữ lại để theo một khóa huấn luyện cho một nhiệm vụ đặc biệt của thời hậu chiến. Nhiệm vụ ấy, không ngờ kéo dài gần trọn đời người. Sự hy sinh cả tuổi thanh xuân vì đất nước với Hoàng cũng như những người lính khác, giản dị như một lẽ tất nhiên. Dù vậy, không khỏi có những lúc anh vẫn trăn trở về lời hẹn năm nào…

Suốt chừng ấy năm, không ít lần tổ chức muốn anh có một gia đình, vừa đỡ cô đơn nơi đất khách, vừa là điều kiện hợp pháp cho nhiệm vụ, nhưng không hiểu sao Hoàng vẫn một mực từ chối. Đôi lần, Hoàng có về nước nhưng phần vì công việc, phần khác không muốn xáo trộn cuộc sống của Hiên, anh chỉ lặng lẽ dõi theo cô từ xa. Cô đã có chồng, một nhà khoa học có tài, làm công tác quản lý ở một trường đại học. Họ có những người con khôn lớn, thành đạt. Lần về gần đây nhất, Hoàng được biết chồng Hiên đã mất cách đây mấy năm. Con cháu định cư cả ở nước ngoài. Hiên sống một mình với người giúp việc trong một ngôi nhà nhỏ, giữa một khu vườn trên mạn Nhật Tân.

Không khó để ông có được số điện thoại của bà nhưng cứ lần lữa mãi không liên lạc. Ông những muốn giữ mãi hình ảnh cô bạn gái ngày nào, với cặp mắt to hiền hậu mà thông minh, đôi bím tóc dài trĩu nặng. Và cuối cùng, bà lại là người chủ động liên lạc với ông. Điều kỳ diệu là họ nói chuyện với nhau nhẹ nhàng, giản dị như mới vừa chia tay...

Ông rời châu Âu vào một ngày sau Tết, khi những cành đào muộn khoe sắc trên cánh bãi sông Hồng. Máy bay đã buông càng, xiết bánh trên đường băng. Tim ông rộn lên một nỗi hồi hộp, như lần hẹn hò đầu tiên. Ngoài kia, bà đang đợi ông với một cành đào thắm mùa Xuân...

Lê Ngọc Minh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/loi-hen-mua-xuan.html