Lợi ích kép trong việc chế tạo than từ giấy đã qua sử dụngTin khácỨng dụng công nghệ trong quản lý cán bôỰ́ng dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm phục vụ hành chính công: Lợi cho người dân, tiện cho đơn vị
Sử dụng giấy đã qua sử dụng làm viên than là giải pháp vừa góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu suất sử dụng giấy, đồng thời cũng mở ra hướng mới trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thông năm 2021 do Tỉnh đoàn tổ chức, ý tưởng tận dụng giấy đã qua sử dụng làm viên than đã được Ban tổ chức trao giải ba. Theo thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, mỗi năm, nước ta sử dụng hơn 4 triệu tấn giấy. Sau khi sử dụng, một phần sản phẩm từ giấy được tái chế nhưng một phần cũng thải ra môi trường gây áp lực cho công tác thu gom, xử lý. Tận dụng giấy đã qua sử dụng làm viên than sẽ góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng giấy.
Các sản phẩm từ giấy rất đa dạng như: giấy carton, giấy báo, giấy in, giấy viết… Do tính hữu dụng nên các sản phẩm từ giấy được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, sản xuất. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các sản phẩm từ giấy ít được tái chế. Bên cạnh các sản phẩm từ giấy thì nến cũng thường xuyên được sử dụng trong đời sống hằng ngày nhất là tại các lễ hội, nhà hàng, đền chùa… Sau khi sử dụng, sáp nến thừa thường bị bỏ đi, gây lãng phí. Mong muốn tận dụng những nguyên liệu dư thừa kể trên tạo ra một sản phẩm mới, có tác dụng tích cực trong đời sống, trong năm 2021, anh Nguyễn Đình Tư, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng đã có ý tưởng nghiên cứu chế tạo viên than bột giấy.
Anh Tư cho biết: Tất cả các loại giấy đã qua sử dụng đều có thể trở thành nguyên liệu để tạo ra viên than. Khi nghiên cứu, tôi đã lấy các loại giấy đã qua sử dụng đem ngâm vào nước cho mềm rồi đưa vào máy để nghiền nhuyễn. Bột giấy sau đó được mang đi xử lý, làm khô. Sau đó, tôi sử dụng một lượng bột giấy vừa đủ trộn đều với sáp nến đã đun chảy rồi đưa vào khuôn và nén chặt. Sau khoảng 30 phút, sáp nến đông cứng lại và thu được thành phẩm là viên than từ bột giấy.
Anh Tư đã thử đốt cháy viên than làm từ bột giấy có kích thước tương đương với viên than tổ ong (gồm 150 gram bột giấy và 75 gram sáp nến) cho thấy, thời gian cháy của 1 than làm từ bột giấy là hơn 3,5 giờ, tương đương 1 viên than tổ ong song nhiệt lượng tỏa ra mạnh hơn, giữ nhiệt lâu, tàn tro còn lại rất ít. Đặc biệt, viên than làm từ bột giấy dễ cháy, không có khói, không tỏa ra mùi gây khó chịu cho người sử dụng, trọng lượng nhẹ hơn than tổ ong thông thường… Viên than làm từ bột giấy rất dễ định hình, có kết cấu cứng chắc nên dễ dàng vận chuyển. Cùng đó, bột giấy kết hợp với sáp nến có thể tạo ra những viên than có nhiều hình dạng, kích thước khác nhau, thời gian cháy từ 1 giờ đến 3,5 giờ tùy theo kích thước, khối lượng.
Anh Lăng Văn Chí, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thông năm 2021 cho biết: Giá giấy phế liệu trên thị trường dao động từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg tùy loại, với 1 kg giấy có thể tạo ra 6 viên than. Nếu sản xuất ở quy mô hàng hóa thì đây là nguồn chất đốt có giá thành thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ sản xuất, có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: đun nấu trong gia đình, làm nguyên liệu đốt trong sản xuất… Tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thông năm 2021 do Tỉnh đoàn tổ chức, ý tưởng nghiên cứu chế tạo viên than bột giấy đã được Ban tổ chức trao giải ba.
Hiện nay, một số loại giấy đã qua sử dụng được thu mua để tái chế song vẫn có một phần chưa được xử lý nên chủ yếu thải ra môi trường. Việc tận dụng các loại giấy đã qua sử dụng để làm nguyên liệu đốt góp phần tăng hiệu suất sử dụng của giấy, hạn chế sử dụng nguyên liệu hóa thạch, điện và giảm thiểu rác thải ra môi trường. Đây cũng là một gợi ý cho thanh niên nông thôn về khởi nghiệp, phát triển sản xuất.
Với những lợi ích và giá trị thực tiễn mang lại, mong rằng thời gian tới, tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn như đánh giá chất lượng sản phẩm, an toàn với sức khỏe người sử dụng… Cùng đó, các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm biến ý tưởng này thành hiện thực, góp phần giải quyết vấn đề nguyên liệu đốt trong đời sống, sản xuất.