Lợi ích kép từ trồng lúa giảm phát thải
Trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp, nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và có thêm nguồn thu từ bán tín chỉ carbon.
GIẢM CHI PHÍ SẢN XUẤT
Bước sang vụ lúa thứ hai thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao), Kiên Giang thu hút nhiều hợp tác xã tham gia. Quy trình canh tác giảm phát thải trong đề án phát huy hiệu quả, giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Nhận thức của nông dân về sản xuất xanh, sản xuất sạch ngày càng được nâng lên.
Tại huyện Hòn Đất (Kiên Giang), năm 2025 ngoài diện tích thực hiện thí điểm đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao tại hai hợp tác xã, từ nguồn vốn Nghị định 112/2024/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ đất trồng lúa, Phòng Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai rộng rãi quy trình canh tác giảm phát thải cho 24 hợp tác xã, với tổng diện tích 8.000ha.

Ông Huỳnh Văn Huyền, ngụ ấp Nguyễn Văn Hanh, xã Mỹ Thuận (Hòn Đất) kiểm tra mực nước trên đồng bằng ứng dụng trên điện thoại di động.
Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hòn Đất Dương Huy Bình, quy trình sản xuất giảm phát thải rất phù hợp với tình hình sản xuất của huyện trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Nông dân giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 70kg/ha, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch; sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học giúp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nông dân thực hiện tốt việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, theo dõi diễn biến mực nước và xiết nước theo nguyên tắc ngập khô xen kẽ để giảm phát thải…
Đánh giá kết quả sản xuất trong vụ đông xuân 2024-2025, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hòn Đất Dương Huy Bình cho biết: “Quy trình canh tác giảm phát thải giúp nông dân tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, góp phần tăng lợi nhuận. Ước chi phí sản xuất giảm khoảng 3,5 triệu đồng/ha, năng suất lúa bình quân 11,2 tấn/ha”.
Có 18,8ha lúa áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải trong vụ đông xuân 2024-2025, ông Huỳnh Văn Huyền, ngụ ấp Nguyễn Văn Hanh, xã Mỹ Thuận (Hòn Đất) nói: “Vụ lúa này, chi phí sản xuất rất thấp, chưa tới 3 triệu đồng/công. Cây lúa khỏe, cứng cây, đẻ nhánh tốt, ít bị sâu bệnh, ước năng suất trên 1 tấn/công. Với giá lúa Nhật ĐS 1 thương lái đang mua 7.700 đồng/kg, ước lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha”.
HƯỞNG LỢI TỪ BÁN TÍN CHỈ CARBON
Ngoài được Nhà nước, các nhà khoa học hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao quy trình canh tác, nông dân còn được nhiều doanh nghiệp chi trả tiền bán tín chỉ carbon trong quá trình canh tác giảm phát thải.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận, xã Mỹ Thuận cho biết: “Vụ hè thu năm 2024, hợp tác xã có 70ha lúa được chi trả tiền tín chỉ carbon từ Công ty Net Zero Carbon phối hợp Công ty BSB Nanotech thực hiện”.

Nông dân huyện Hòn Đất cùng với cán bộ khuyến nông tỉnh trao đổi kỹ thuật canh tác trên đồng ruộng.
Kết thúc vụ lúa, công ty sẽ phân tích, đánh giá lượng phát thải giảm được trên từng thửa ruộng thông qua hệ thống vệ tinh quan trắc, theo dõi. Sau khi có kết quả tính toán lượng giảm khí thải, công ty chi trả tiền tín chỉ carbon cho nông dân, với mức 15 USD/tín chỉ. Với cách làm này, vụ lúa hè thu năm 2024, ngoài lợi nhuận từ bán lúa, nông dân còn có thêm nguồn thu từ bán tín chỉ carbon khoảng 2,5 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Khoa - thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận nói: “Tín hiệu tích cực từ vụ đầu tiên khi nhận được tiền từ bán tín chỉ carbon thu hút sự quan tâm của các thành viên hợp tác xã. Sang vụ đông xuân 2024-2025, các thành viên hợp tác xã háo hức đăng ký diện tích tham gia sản xuất theo mô hình này. Đến nay, hợp tác xã có hơn 70 hộ đăng ký thực hiện canh tác lúa giảm phát thải, với diện tích trên 700ha. Dự kiến cuối tháng 4-2025, Công ty Net Zero Carbon sẽ chi trả tiền tín chỉ carbon vụ đông xuân cho hợp tác xã”.
Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/kinh-te/loi-ich-kep-tu-trong-lua-giam-phat-thai-25388.html