Lợi ích khi liên kết

Những năm gần đây, mô hình kinh tế tập thể tại xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước đã phát huy vai trò làm cầu nối để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp, đồng thời giúp các thành viên thay đổi hình thức sản xuất, cùng đoàn kết để phát triển, góp phần nâng cao thu nhập.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế tại vùng nuôi thủy sản, các hộ dân đã liên kết với nhau để thành lập Tổ hợp tác (THT) nuôi tôm, cua sạch ở ấp Kinh Tư, với 17 thành viên, diện tích hơn 40 ha. Tại đây, các thành viên trong tổ không chỉ được hỗ trợ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà còn có cơ hội học hỏi kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin thị trường, hỗ trợ vốn sản xuất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giá cả hợp lý...

Ông Nguyễn Hoàng Chiểu, Tổ trưởng THT, cho biết: “Từ khi tham gia THT, tôi cùng các thành viên trong tổ tham dự các lớp tập huấn về quy trình nuôi tôm, cua từ giai đoạn ươm giống, chăm sóc đến thu hoạch. Mỗi năm, bình quân THT nuôi tôm, cua sạch xuất bán từ 200-300 tấn tôm, cua. Ðồng thời, THT sản xuất tập trung số lượng lớn, theo tiêu chuẩn sạch, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, giá bán cao hơn, không bị thương lái ép giá”.

Tham gia THT nuôi tôm, cua sạch, các thành viên trong tổ không chỉ được hỗ trợ đầu ra, kỹ thuật mà còn được tiếp cận nguồn vốn xoay vòng lãi suất thấp. Theo đó, mỗi thành viên đóng góp một phần nhỏ tạo quỹ xoay vòng để cho các thành viên vay sản xuất theo hình thức quay vòng không thế chấp, thủ tục đơn giản.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, ấp Kinh Tư, là thành viên THT, chia sẻ: “Trước đây, tôi sản xuất nhỏ lẻ, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất. Vay ngân hàng thủ tục rườm rà, còn vay bên ngoài lãi suất cao, rủi ro lớn. Từ khi vay 5 triệu đồng từ quỹ xoay vòng, lãi suất thấp, tôi xoay xở được cho mùa vụ. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về khoảng 80 triệu đồng, nhờ vậy kinh tế gia đình ổn định hơn, có dư chút đỉnh để tái đầu tư. Mong rằng THT ngày càng phát triển, giúp thêm nhiều hộ vươn lên làm ăn khá giả”.

Ðối với Hợp tác xã (HTX) Cái Bát, trải qua quá trình hoạt động và phát triển, từ việc giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất theo quy trình tạo chuỗi sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và ASC. Bên cạnh đó, HTX còn đa dạng hóa các ngành nghề dịch vụ như thu mua, sản xuất, xây dựng thương hiệu gắn với các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp địa phương, đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao gồm tôm khô, bánh phồng tôm, chả cá phi, cua sống; riêng tôm sú cấp đông đạt OCOP hạng 4 sao. Các sản phẩm sản xuất theo quy trình sạch và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

HTX Cái Bát giúp lao động nông thôn tăng thu nhập.

HTX Cái Bát giúp lao động nông thôn tăng thu nhập.

Với đặc thù sản xuất gồm nhiều khâu, nhiều công đoạn, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động, với mức lương bình quân khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Bà Phạm Thị Ðiều, ấp Cái Bát, phấn khởi: “Việc làm tại HTX giúp tôi có thu nhập ổn định, đều đặn hằng tháng, từ đó cải thiện đời sống và yên tâm lo cho gia đình”.

Ông Phan Văn Bảo, công chức phụ trách nông - lâm - ngư nghiệp - thủy lợi - kinh tế tập thể xã Hòa Mỹ, cho biết: “Thời gian qua, việc chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang mô hình THT, HTX đã triển khai sâu rộng trên địa bàn xã. Quá trình này nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng cường tính liên kết giữa các hộ dân, đồng thời thay đổi tư duy sản xuất theo hướng tập thể, góp phần quan trọng cùng chính quyền địa phương trong giải quyết bài toán việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, chung tay xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển”./.

Tiểu Ái

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/loi-ich-khi-lien-ket-a38706.html