Lợi ích kinh tế 'khổng lồ' sau cơn sốt Na Tra 2

Na Tra 2 không chỉ phá kỷ lục doanh thu phòng vé mà còn tạo hiệu ứng kinh tế mạnh mẽ, thúc đẩy ngành đồ chơi, du lịch và chứng khoán Trung Quốc bùng nổ với lợi nhuận khổng lồ.

 Doanh thu từ các sản phẩm "ăn theo" cơn sốt Na Tra 2 tăng chóng mặt chỉ trong 2 tuần đầu phim ra mắt. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Doanh thu từ các sản phẩm "ăn theo" cơn sốt Na Tra 2 tăng chóng mặt chỉ trong 2 tuần đầu phim ra mắt. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Sau chưa đầy 1 tháng ra mắt, Na Tra 2 nhanh chóng khuynh đảo phòng vé toàn cầu, chính thức trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại với 1,69 tỷ USD, theo thống kê từ nền tảng bán vé Maoyan.

Cơn sốt Na Tra 2 không chỉ làm bùng nổ phòng vé mà còn "châm ngòi" cho làn sóng tăng trưởng của hàng loạt ngành kinh tế "ăn theo", từ đồ chơi nghệ thuật, du lịch, đến cả thị trường chứng khoán.

Thu hàng chục triệu USD từ các sản phẩm "ăn theo"

Theo Sina Finance, chỉ trong 2 tuần đầu tiên ra mắt, bộ phim đã bắt tay hợp tác với 23 thương hiệu, thu về hơn 400 triệu nhân dân tệ (55 triệu USD) từ các sản phẩm đồng thương hiệu.

Đáng chú ý, thị trường đồ chơi và mô hình nhân vật là một trong những lĩnh vực hưởng lợi lớn nhất từ "Ma đồng náo hải", với Pop Mart đứng đầu danh sách doanh thu, SCMP đưa tin.

Ngay khi thương hiệu đồ chơi sưu tập đình đám này ra mắt dòng sản phẩm mô hình Na Tra vào ngày 30/1, tất cả đều nhanh chóng cháy hàng trong thời gian ngắn. Cơn sốt này còn đẩy lượng tìm kiếm trực tuyến vượt 20.000 lượt mỗi ngày, giúp Pop Mart bỏ túi hơn 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD) chỉ sau 8 ngày mở bán.

 Bộ sưu tập Na Tra 2 của Pop Mart "cháy hàng" chỉ sau thời gian ngắn mở bán. Ảnh: Pop Mart.

Bộ sưu tập Na Tra 2 của Pop Mart "cháy hàng" chỉ sau thời gian ngắn mở bán. Ảnh: Pop Mart.

Thành công của Na Tra 2 cũng giúp Pop Mart củng cố vị thế trên thị trường đồ chơi kinh doanh bản quyền (IP). Theo Morgan Stanley, Pop Mart đang trở thành đối tác quan trọng của các thương hiệu lớn trên toàn cầu muốn thương mại hóa hình ảnh nhân vật thông qua sản phẩm đồ chơi. Dù các dòng sản phẩm dựa trên IP của bên thứ 3 như Na Tra chỉ đóng góp 15-20% tổng doanh thu của Pop Mart, chúng giúp thương hiệu này mở rộng tệp khách hàng mới.

Tương tự, LDCX - hãng đồ chơi đứng sau Ultraman và Kamen Rider - cũng gia nhập cuộc chơi, thu về gần 2 triệu nhân dân tệ (270.000 USD) từ mô hình Na Tra trên Taobao, Douyin và các sàn thương mại điện tử.

Trong khi đó, vào ngày 6/2, CardFun - công ty chuyên nhượng quyền sản xuất thẻ bài sưu tầm - công bố rằng doanh số thẻ bài Na Tra đã vượt mốc 100 triệu nhân dân tệ (14 triệu USD), vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng doanh số thẻ sưu tầm tại Trung Quốc.

Cơn sốt này tương tự như thành công trước đó của Pop Mart với nhân vật Labubu, vốn từng tạo nên cơn sốt trên toàn châu Á và giúp giá cổ phiếu của công ty tăng vọt 350% năm ngoái.

Giới chuyên gia nhận định rằng thành công của Na Tra 2 đang củng cố vị trí của Trung Quốc trên bản đồ ngành công nghiệp đồ chơi và sưu tầm, đưa thị trường này lên một tầm cao mới.

Ngoài ra, bộ phim hoạt hình của đạo diễn Sủi Cảo còn tạo trào lưu trong ngành hàng xa xỉ. Theo đó, mẫu vòng tay vàng lấy cảm hứng từ bộ phim đang trở thành món phụ kiện được săn đón tại Trung Quốc.

Ra mắt từ 5 năm trước cùng với phần phim đầu tiên, chiếc vòng tay Na Tra nặng 60 g, có giá khởi điểm 4.000 USD. Hiện tại, nhờ giá vàng tăng mạnh, món đồ này đã vọt lên khoảng 5.700 USD, theo Jing Daily. Các nhà sản xuất liên tục tung ra phiên bản tương tự để "hốt bạc" nhờ sức nóng thị trường.

Theo giáo sư Phùng Tuyết Nham từ Đại học Tài chính và Kinh tế Quảng Đông, xu hướng kinh doanh sản phẩm ăn theo đang trở thành một nguồn doanh thu quan trọng của ngành công nghiệp nội dung, mở ra khái niệm "phòng vé thứ hai".

Điều này đánh dấu sự chuyển dịch lớn trong ngành giải trí Trung Quốc, từ việc phụ thuộc vào doanh thu phòng vé sang chiến lược kiếm tiền dài hạn, hướng đến một mô hình kinh doanh bền vững hơn.

Cơn sốt du lịch

Cơn sốt Na Tra 2 không chỉ chinh phục khán giả mà còn tạo ra một làn sóng du lịch mạnh mẽ tại các địa điểm gắn liền với truyền thuyết về nhân vật này.

"Thông thường, lượng du khách đến các khu danh lam thắng cảnh sẽ giảm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng kể từ ngày 1/2, lượng khách không hề giảm, ngược lại còn tiếp tục tăng", phát ngôn viên thuộc bộ phận truyền thông khu danh lam thắng cảnh nói với Global Times hôm 16/2.

Sau thành công của bộ phim, lượng khách đến núi Cuiping, Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) - nơi tọa lạc Cung điện Na Tra - tăng vọt. Theo ban quản lý, từ Tết Nguyên đán, điểm đến này đón trung bình 4.000 khách/ngày, cao điểm lên tới 8.000 lượt. Riêng nửa đầu tháng 2, tổng lượt khách đạt 65.000 lượt, gấp gần 3 lần cùng kỳ 2024.

Trong tuần đầu tháng 2, theo dữ liệu từ nền tảng du lịch Fliggy, số lượt tìm kiếm về các địa điểm liên quan đến Na Tra như Nghi Tân và Giang Du (cũng thuộc tỉnh Tứ Xuyên) tăng vọt lần lượt 225% và 453%.

"Lượng khách đến huyện tăng 18%, doanh thu du lịch tăng 13,2%, kéo theo sự phát triển mạnh của dịch vụ ăn uống và lưu trú. Nhờ đó, lượt đặt phòng khách sạn cũng gần như tăng gấp đôi kể từ khi phim ra mắt", ông Trương Khải, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch Văn hóa Tây Hiệp tiết lộ.

 Du khách chụp ảnh tượng Na Tra ở khu mua sắm Jiaozi tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) ngày 15/2. Ảnh: VCG.

Du khách chụp ảnh tượng Na Tra ở khu mua sắm Jiaozi tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) ngày 15/2. Ảnh: VCG.

Đây không phải lần đầu tiên một bộ phim Trung Quốc tạo ra hiệu ứng lan tỏa lớn đến ngành du lịch nước này. Trước đó, bom tấn Tây Du Ký (1986) hay The Untamed (Trần Tình Lệnh) đã khiến những địa danh như núi Ngũ Hành Sơn (Hồ Nam), núi Võ Đang và những khu vực quay phim trở thành điểm nóng du lịch, góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế.

Chứng khoán cũng hưởng lợi

Na Tra 2 cũng mang lại cú hích lớn trên thị trường chứng khoán cho Beijing Enlight Media - công ty sản xuất và phát hành bộ phim này.

Theo Tân Hoa Xã, cổ phiếu của công ty này đã tăng kịch trần 20% vào ngày 7/2, nâng mức tăng tổng cộng lên hơn 140% kể từ khi thị trường mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán. Đến nay, giá cổ phiếu công ty này đã tăng hơn 300%, vốn hóa doanh nghiệp đạt gần 28 tỷ nhân dân tệ (3,84 tỷ USD).

Không chỉ nhà sản xuất gặt hái thành công, mà cả ngành giải trí Trung Quốc cũng chứng kiến một làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ. Cổ phiếu của nền tảng bán vé trực tuyến Maoyan Entertainment tăng tới 22% tại Hong Kong, Alibaba Pictures Group tăng 13%, trong khi Hengdian Entertainment tăng kịch trần 10% tại sàn Thượng Hải.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/loi-ich-kinh-te-khong-lo-sau-con-sot-na-tra-2-post1532761.html