Lợi ích lớn khiến Mỹ không muốn hãm đà tăng của USD

Nhiều khả năng Mỹ sẽ không can thiệp để làm chậm đà tăng của USD, bất chấp nguy cơ thị trường tài chính rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát - yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư mua các tài sản bằng USD - đồng Mỹ kim đã không ngừng tăng giá.

Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ số USD Index của Wall Street Journal - dùng để đo lường sức mạnh của đồng USD so với rổ tiền tệ, đã tăng khoảng 16%.

Đà tăng của USD đang gây áp lực lớn lên nhiều quốc gia trên khắp thế giới, bởi nó làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa cũng như làm phức tạp quá trình thanh toán nợ bằng đồng USD.

Nước giàu và nước nghèo đều chịu tác động xấu

Tác động của việc USD tăng mạnh thể hiện khá rõ tại các nền kinh tế đang phát triển, khi mà chính phủ phải vật lộn với nợ nước ngoài và nhập khẩu phần lớn nhiên liệu, thực phẩm cùng các hàng hóa chủ chốt khác.

Các nền kinh tế giàu có cũng phải đối mặt với rắc rối khi chi phí nhập khẩu nhảy vọt. Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, gần đây đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng yen. Đây là lần đầu tiên Tokyo can thiệp vào thị trường tiền tệ kể từ năm 1998.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố Mỹ ủng hộ tỷ giá hối đoái do thị trường định đoạt. Bà nói thêm rằng phần lớn đà tăng của USD là kết quả của các chính sách mà Fed áp dụng cũng như của dòng vốn chảy vào Mỹ.

Fed là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chính sách tiền tệ, trong khi Bộ Tài chính sẽ giám sát các quy định liên quan đến tỷ giá hối đoái, tờ Wall Street Jounal đưa tin.

Chiến lược "án binh bất động" của Mỹ

Giới chuyên gia kinh tế và cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ nhận thấy có hai lý do chủ chốt khiến bộ này khó có thể sớm can thiệp để làm giảm giá trị của đồng USD hoặc làm chậm đà tăng của đồng tiền.

Thứ nhất, trong bối cảnh Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, bất kỳ sự can thiệp nào vào thị trường ngoại hối có thể sẽ không tạo ra tác động đáng kể đến giá trị của đồng USD.

Đồng USD mạnh lên giúp giảm lạm phát tại Mỹ và Bộ Tài chính hẳn không muốn cản bước Fed trong cuộc chiến chống lạm phát. Đó là lý do thứ hai.

Ông Mark Sobel - cựu quan chức cấp cao tại Bộ Tài chính, nhận xét: “Bộ Tài chính có thể lo sợ rằng trong dài hạn, sức mạnh của đồng USD sẽ khiến các nước khác lên án và gia tăng áp lực bảo hộ tại Mỹ…nhưng trước mắt, chiến lược tốt nhất là giữ im lặng”.

Mỹ hiếm khi can thiệp vào thị trường tiền tệ. Lần gần nhất mà Washington can thiệp đã xảy ra cách đây 37 năm. Theo hiệp ước Plaza năm đó, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Tây Đức và Pháp đã cùng hành động để kiềm chế đồng USD. Trong 10 năm tiếp theo, đồng USD đã giảm giá, trong khi yen Nhật tăng.

Tuy nhiên, lần can thiệp năm 1985 diễn ra khi Fed đã bắt đầu giảm bớt tốc độ tăng lãi suất, tạo điều kiện để các bộ trường tài chính điều chỉnh thị trường tiền tệ một cách hiệu quả hơn, Wall Street Journal cho hay.

“Nếu họ cố gắng dàn xếp hiệp ước Plaza khi Chủ tịch Fed Paul Volcker đang tăng mạnh lãi suất, thì tôi không nghĩ mọi việc sẽ thành công”, ông Nathan Sheets - Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính thời ông Obama, nhận định.

Xét đến các động lực thị trường mà Fed tạo ra ở thời điểm hiện tại, ông Sheets dự đoán chính quyền Tổng thống Joe Biden không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận sức mạnh của đồng USD.

Đồng USD tăng cao giúp ghìm cương lạm phát bởi vì nó làm giảm giá hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu vào Mỹ. Nó cũng hạn chế xuất khẩu của Mỹ ra nước ngoài vì giá cả sẽ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường toàn cầu - qua đó làm giảm tăng trưởng kinh tế và giúp khống chế áp lực lạm phát tại Mỹ.

Các tác động như vậy sẽ làm tổn hại đến lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Mỹ, nhưng chính quyền ông Biden sẽ không gắng sức đảo ngược đà tăng của USD vì họ muốn thấy lạm phát dịu bớt, các cựu quan chức nhận định.

Mặt khác, thị trường việc làm của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn rất mạnh mẽ, có thể giúp chính phủ Mỹ giảm thiểu tác động chính trị tiềm tàng khi đồng bạc xanh mạnh lên nhanh chóng.

Song, rủi ro mà đồng USD gây ra cho nền kinh tế toàn cầu có thể lớn dần. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới có thể cảm thấy rằng họ phải tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến để đẩy lùi lạm phát tại chính quê nhà và ngăn chặn sự mất giá của đồng nội tệ.

Động thái kết hợp của các ngân hàng trung ương này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy yếu của nền kinh tế chung. Các nhà đầu tư ngày càng trú ẩn vào USD - từ đó làm tăng giá trị của đồng tiền hơn nữa và có nguy cơ gây bất ổn tài chính.

Ngay cả khi rủi ro hình thành, Mỹ sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào để làm chậm tốc độ tăng lãi suất hay đà tăng của đồng USD nếu vấn đề không tác động trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ, nhà kinh tế Eswar Prasad tại Đại học Corell dự đoán.

Cho đến nay, rủi ro đối với hệ thống tài chính Mỹ rất khiêm tốn, trong khi lợi ích lại nhiều hơn. “Tôi không nghĩ Bộ Tài chính hay Fed sẽ can thiệp để giảm bớt thiệt tài chính trên toàn cầu”, ông Prasad bày tỏ.

Tùng Lâm/Bangkok Post

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/loi-ich-lon-khien-my-khong-muon-ham-da-tang-cua-usd-d33160.html