Lợi ích thiết thực từ việc giảm thuế VAT

Người dân chính là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp sau khi chính sách này đi vào thực tiễn. Đối với các DN, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó tăng khả năng phục hồi và mở rộng SXKD, tạo thêm việc làm cho người lao động (NLĐ), từng bước ổn định và phục hồi kinh tế.

Cán bộ Đội quản lý thuế liên phường Ngô Quyền - Đống Đa, Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện các quy định liên quan đến thuế GTGT. Ảnh: Thế Hùng

Cán bộ Đội quản lý thuế liên phường Ngô Quyền - Đống Đa, Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện các quy định liên quan đến thuế GTGT. Ảnh: Thế Hùng

Ngày 13/5/2023, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT. Tiếp đó, ngày 17/5/2023, tại Văn bản số 2298 thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phạm vi áp dụng chính sách giảm thuế GTGT như đã được quy định tại Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội (Nghị quyết 43) về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH. Thời gian áp dụng Nghị quyết từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/12/2023.

Như vậy, theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chính sách giảm thuế GTGT được triển khai trong thời gian tới sẽ đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của người dân và DN. Người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp vì khi áp dụng giảm thuế VAT sẽ làm giảm giá bán các loại hàng hóa tiêu dùng. Các DN cũng sẽ giảm được phần nào các khoản chi phí trong quá trình sản xuất, từ đó hạ giá thành sản phẩm, giúp DN phục hồi ổn định và đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Đức Huy, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thuế GTGT là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Do đó, khi được giảm thuế GTGT thì giá hàng hóa, dịch vụ cũng sẽ giảm, từ đó, giúp người dân mua được nhiều hàng hóa hơn với cùng một số tiền.

Ngoài ra, giảm thuế GTGT cũng giúp DN giảm được chi phí mua nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào, tiết kiệm được nguồn tài chính tương đương khoảng 2% (bằng tỷ lệ giảm thuế), giúp DN có thêm nguồn vốn đầu tư SXKD, từ đó đóng góp trở lại cho NSNN và thúc đẩy phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nghiêm túc việc thực hiện nội dung Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị định số 15 của Chính phủ, triển khai tích cực, hiệu quả chính sách giảm thuế GTGT để hỗ trợ DN và người dân, năm 2022, toàn ngành Thuế tỉnh đã thực hiện giảm trên 2.436 tỷ đồng thuế GTGT đầu ra cho người nộp thuế.

Trong đó, DN được giảm hơn 2.433 tỷ đồng; hộ, cá nhân kinh doanh được giảm gần 2,9 tỷ đồng. Mặc dù tác động trực tiếp, làm giảm số thu NSNN của tỉnh trong năm 2022, song với mục tiêu hỗ trợ tối đa người nộp thuế, việc triển khai kịp thời chính sách giảm thuế GTGT vẫn mang lại những hiệu ứng tốt.

Tổng thu ngân sách trong lĩnh vực thu thuế GTGT năm 2022 của ngành Thuế Vĩnh Phúc vẫn đảm bảo kế hoạch được giao, đạt trên 6.235 tỷ đồng, vượt 28,5% dự toán và vượt 61% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Nguyễn Thủy Long, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sách Hoàng Long (Vĩnh Yên) chia sẻ: Là một đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ và sản phẩm văn phòng phẩm, quà tặng lưu niệm... việc được hưởng chính sách giảm thuế GTGT là điều hết sức thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của đơn vị.

Với chính sách này, người tiêu dùng sẽ mua được nhiều loại hàng hóa với giá rẻ hơn so với trước đây, giảm áp lực chi tiêu trong mua sắm tiêu dùng cho mỗi gia đình. Cũng nhờ đó, số lượng các mặt hàng văn phòng phẩm của đơn vị được bán ra sẽ tăng lên đáng kể.

Hiện, công ty đang chờ văn bản hướng dẫn chính thức của ngành Thuế ngay sau khi Nghị định của Chính phủ về giảm thuế GTGT có hiệu lực, để kịp thời điều chỉnh giá bán các mặt hàng theo mức giá mới.

Chị Nguyễn Thị Thu Uyên, 33 tuổi, Tổ dân phố Hán Lữ, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) cho biết: Do đặc thù công việc bận rộn, chị thường xuyên phải mua sắm hàng hóa, thực phẩm cho gia đình tại siêu thị vì có tương đối đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, có nguồn gốc xuất xứ và giá cả được niêm yết rõ ràng.

Với mức chi tiêu dành cho mua sắm hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm bình quân trên dưới 10 triệu đồng/tháng, nếu chính sách giảm thuế GTGT được áp dụng thì chị Uyên sẽ giảm được một khoản thuế VAT tuy không quá lớn, song cũng sẽ giúp chị tiết kiệm được chi phí và có thêm những lựa chọn mua sắm nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.

Giảm thuế GTGT được đánh giá là chính sách đúng đắn, kịp thời và là giải pháp kích cầu, phục hồi tích cực nền kinh tế trong bối cảnh thu nhập của hầu hết người dân có xu hướng thu hẹp và các DN đang gặp nhiều khó khăn.

Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95107//loi-ich-thiet-thuc-tu-viec-giam-thue-vat