Lợi ích và rào cản từ điện mặt trời
Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng do còn những điểm nghẽn về chính sách nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với điện mặt trời.
Điện mặt trời áp mái đã dần trở thành loại năng lượng xanh được nhiều người biết tới. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã sử dụng nguồn năng lượng này phục vụ sản xuất, kinh doanh, vừa góp phần tiết kiệm năng lượng, vừa bảo vệ môi trường.
Năng lượng sạch hữu ích
Năm 2020, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời gồm 144 tấm pin có công suất 50 KWp tại Chi nhánh Kinh doanh nước sạch số 1 ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương). Hệ thống giúp sản xuất từ 3-5 MW điện phục vụ bơm và lọc nước. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến hết tháng 7, hệ thống điện mặt trời đã giúp chi nhánh tiết kiệm được 26 MW. Từ hiệu quả này, công ty sẽ tiếp tục đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời trong giai đoạn tiếp theo.
Ngày 27.7 vừa qua, Công ty TNHH Miza Corporation ký hợp đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái 4 MWp tại nhà máy mới Mipak ở cụm công nghiệp Hoàng Tân (Chí Linh). Với khoảng 7.500 tấm quang điện, hệ thống này sẽ sản xuất khoảng 4.200 MW năng lượng tái tạo hằng năm, tiết kiệm chi phí điện đáng kể và giảm phát thải carbon khoảng 1.250 tấn, tương đương với trồng hơn 19.000 cây mỗi năm. Hệ thống sẽ cung cấp khoảng 20% năng lượng tái tạo cho nhu cầu điện của nhà máy. Khác với hình thức phải bỏ tiền đầu tư, đơn vị cung cấp sẽ tự bỏ kinh phí lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời ngay tại nhà máy. Công ty chỉ phải chi trả tiền điện do hệ thống sản xuất trong vòng 20 năm mà không phải lo chi phí đầu tư ban đầu rất lớn.
Việc sử dụng năng lượng mặt trời giúp tận dụng tối đa tài nguyên bức xạ mặt trời, góp phần giảm tải cho hệ thống lưới điện trong giờ cao điểm buổi trưa và đặc biệt bảo vệ môi trường. Khi sử dụng điện mặt trời, doanh nghiệp giảm được chi phí tiền điện hằng tháng, từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất. Mặt khác, vị trí lắp đặt tấm pin thường được tận dụng trên mái nhà nên sẽ không mất diện tích hoặc ảnh hưởng tới quy hoạch đất. Hệ thống pin này còn giúp chống nóng hiệu quả cho các công trình...
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu sử dụng điện mặt trời, Công ty TNHH một thành viên ThaiHD (TP Hải Dương) đã đầu tư lắp đặt 130 tấm pin có tổng công suất 28 KWp. Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, dịp hè phải bơm, lọc hệ thống nước trong các bể bơi nên tiêu tốn khá nhiều điện năng. "Sau một thời gian sử dụng, tôi thấy điện mặt trời thật sự rất tốt. Với mức đầu tư ban đầu, chúng tôi mất khoảng 7 năm có thể thu hồi vốn. Nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục lắp thêm ở cơ sở 2 tại huyện Thanh Miện", anh Cao Văn Thái, Giám đốc công ty cho biết. Trước đó, công ty này đã đầu tư hơn 480 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại cơ sở ở TP Hải Dương. Mỗi tháng công ty đã tiết kiệm được 3-4 triệu đồng tiền điện.
Khoảng trống chính sách
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng do còn những điểm nghẽn về chính sách nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với điện mặt trời. Theo một số đơn vị cung cấp dịch vụ lắp đặt điện mặt trời trong tỉnh, hiện khách hàng chủ yếu vẫn là cá nhân, để phục vụ điện sinh hoạt trong gia đình. Lượng khách hàng là doanh nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ bởi họ vẫn còn e ngại khi sử dụng nguồn năng lượng mới này. Từ tháng 12.2020, chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời của Chính phủ hết hiệu lực và đang chờ hướng dẫn mới thì các doanh nghiệp càng chần chừ.
Các doanh nghiệp lắp điện mặt trời trước tháng 12.2020 sẽ vẫn được hòa lưới, công ty điện lực thu mua lượng điện từ hệ thống điện mặt trời và đối trừ vào tiền điện sử dụng hằng tháng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phải đăng ký thêm hình thức kinh doanh để phù hợp với hoạt động bán điện cho điện lực, phải có hóa đơn, chứng từ và nộp thuế... Các điện lực cũng chỉ thu mua khoảng 70% sản lượng điện của các khách hàng bán điện mặt trời.
Công ty CP Công nghệ Wagreen ở đường Đinh Văn Tả, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) là một trong những đơn vị chuyên lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Hải Dương. Anh Cáp Văn Thạch, Giám đốc công ty cho biết: "Với các quy định mới này, khách hàng muốn đầu tư sử dụng điện mặt trời đang bị làm khó. Hầu hết khách hàng lắp điện mặt trời đều phải có thêm một thiết bị để ngăn lượng điện hòa vào lưới điện. Toàn bộ số điện thu được từ các tấm pin mặt trời sẽ chỉ dùng trong nội bộ, nếu dùng không hết có thể chuyển về bộ lưu hoặc tự tiêu, gây lãng phí".
Sử dụng điện mặt trời hoặc điện gió đều là năng lượng xanh đang mang lại những lợi ích thiết thực cho cả con người và môi trường. Tuy nhiên, những quy định lại vô tình làm khó, khiến nhiều doanh nghiệp còn e ngại.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cong-nghiep/loi-ich-va-rao-can-tu-dien-mat-troi-210354