Lối rễ vươn mình

Tôi nhận ra ở thầy, một con người của sự học chớ không đơn thuần con người của kỹ thuật hay nông nghiệp. Với thầy, sự sống là sự học.

Chúng tôi về Bảy núi là vì thầy. Đó là những ngày hạn nặng. Những cọng rạ của đám lúa ruộng trên đã rệu rã dưới nắng chói chang. Nắng biên giới mang một hơi nóng rang giò cây cỏ. Cây trên những núi đá trút sạch lá xanh chỉ giữ lại những bộ nhánh gầy trơ trọi. Phía núi Tô cả vạt rừng tre mạnh tông rất lớn bị cháy nổ ầm ầm như có chiến tranh.

Tôi nói với Minh:

- Tri Tôn quê thầy lúc này cây gì cũng bị ảnh hưởng, chỉ thốt nốt là vô can.

Thốt nốt xanh tươi sừng sững. Những trái những hoa đang tuôn dòng mật ngọt ngào, nồng đượm nhất.

- Hết mùa mưa em hãy về vùng Tri Tôn lần nữa. Ở đó em thấy những cái chồi thốt nốt. Lúc đó em hãy quay thật gần những mầm thốt nốt.

Tôi sẽ đào cho Minh cận cảnh cái rễ duy nhất của chồi thốt nốt. Rễ lớn gần bằng ngón tay và đâm sâu vào đất. Sâu đến tầng đất giàu ẩm giàu khoáng nhất. Tầng đất ngầm cách biệt. Cái nóng nhiệt đới không chui được tầng đất ngầm sâu thẳm đó.

Khi đó lá mới bắt đầu lớn. Khi đó rễ vẫn tiếp tục sinh sôi.

Con đường học của thầy, con đường sống của thầy nó can trường như bộ rễ của loài cây đứng sững đó.

- Không phải chỉ có riêng thầy là giáo sư, không phải chỉ riêng thầy có nhiều cống hiến, sao chị lại chọn viết về thầy.

- Vì thầy luôn muốn nuôi dưỡng trí tuệ cho dân tộc từ rễ chớ không đơn thuần là đem lại cơm ăn áo mặc hay những thành tích lẫy lừng cho một ai hay một nhóm đối tượng nào.

- Chị muốn nói tới trường mầm non song ngữ Tinh Hoa. Chị, nếu thầy không còn nữa, ngôi trường tinh hoa sẽ về đâu?

- Chính vì câu hỏi này mà chị và em ngồi đây.

GS-TS. Võ Tòng Xuân và cô trò trường mầm non song ngữ Tinh Hoa (Long Xuyên, An Giang), ngôi trường do ông sáng lập. Ảnh: Nhật Nguyên

GS-TS. Võ Tòng Xuân và cô trò trường mầm non song ngữ Tinh Hoa (Long Xuyên, An Giang), ngôi trường do ông sáng lập. Ảnh: Nhật Nguyên

Tôi biết khi già quá thầy buông tay, trường Tinh Hoa có thể còn hoặc có thể trở thành một ngôi trường bình thường khác. Nhưng những gì trường Tinh Hoa làm được là một bộ chữ cái đầy đủ nguyên âm phụ âm. Bất cứ cá thể nào cũng có thể ráp vần để tạo nên một câu chuyện hay ít ra cũng là một câu nói tròn vành rõ nghĩa.

Chúng tôi đang nói về thầy Võ Tòng Xuân. Minh miệt mài làm phim tài liệu về thầy. Tôi với nhóm bạn miệt mài lưu giữ những ý nghĩ của thầy về giáo dục. Mấy người chúng tôi gặp nhau.

Lần đầu tiên của cuộc nói chuyện của cả nhóm là ở trường Tinh Hoa. Lúc đó thầy đi họp ở Sài Gòn chưa về. Chúng tôi đi thăm từng lớp học, bắt tay với các bé mầm non. Cô giáo dạy các bé luyện tiếng anh bằng hình ảnh, trò chơi và cả bằng những câu đố rất nhẹ nhàng. Những đứa trẻ ba bốn tuổi nói tiếng Anh hồn nhiên mạnh dạn như nói tiếng Việt.

Cô hiệu trưởng kể về hành trình song ngữ.

- Em làm vì em thương thầy. Nơi này nghèo lắm, thu nhập của phụ huynh quá ít nên chi phí trả tiền giáo viên không đủ. Giáo viên mầm non được luyện cho giỏi tiếng Anh đều đi làm việc khác nhiều tiền hơn.

Tôi nhớ lúc gặp thầy trong đợt tỉnh An Giang vinh danh khi thầy là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng VinFuture 2023, thầy có nói lấy lương của ba đơn vị kinh tế về nuôi trường Tinh Hoa. Nó không gọi là bù lỗ vì vốn dĩ trường hoạt động không phải để kiếm lời. Là thầy dùng tiền tuổi 85 kiếm được mỗi tháng để nuôi dưỡng ý tưởng trồng người. Lúc đó tôi hỏi thầy sao mình không làm mô hình ở một nơi mức sống cao hơn, chi phí cho thầy cô sẽ ổn hơn. Thầy không phải lấy lương già bù lỗ.

- Nó là nơi nằm trong dự án thu hút nhân tài của thầy. Hồi đó Tỉnh An Giang đang mở chương trình thu hút nhân tài nên Nhà nước cấp cho thầy miếng đất khá đẹp, có giá trị cao. Thầy nghĩ nếu mà sau này An Giang không có kinh phí thu hút nhân tài nữa, trường Đại học An Giang sẽ không có được người giỏi. Mà muốn thu hút họ mình phải lo đầu tiên là chỗ ở, chỗ học hành của con em họ.

Vậy là thầy bán miếng đất, đi mua một miếng đất rộng bốn mẫu, hướng Thoại Sơn, cách Long Xuyên 10 cây số, chuyển mục đích sử dụng rồi phân nền ra. Giảng viên ở Đại học An Giang mỗi người được một nền. Ý nguyện thầy là thành lập làng giáo viên với cuộc sống yên ổn và văn minh nhất. Nơi đó trẻ con của làng sẽ được học song ngữ. Vậy là trường mẫu giáo được xây dựng.

Nhưng khi trường xây dựng không có giáo viên tiếng Anh nên thầy tuyển những em dạy mầm non rồi đào tạo tiếng Anh cho tụi nó. Giỏi tiếng Anh, giáo viên bắt đầu nghĩ tới môi trường dễ sống hơn nên bỏ trường. Thầy phải áp dụng mô hình hiện nay. Ai giỏi thầy cho dạy theo giờ, thời gian rảnh ra ngoài làm việc thêm. Mấy bạn khác phân bì. Sao cùng là giáo viên mà có người phải ở trong trường cả ngày có người thì được ra ngoài làm thêm. Thầy nói cứ giỏi ngoại ngữ đi, thầy sẽ cho đi làm kiểu như vậy. Học trò cũng vậy, sau này giỏi ngoại ngữ nó cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Để duy trì trường tinh hoa, thầy phải kỳ công từng nhân sự. Chất lượng học thì chuẩn quốc tế nhưng học phí thì chuẩn nông thôn. Trường xây dựng để phục vụ làng giáo viên nên không tính lợi nhuận được. Vậy rồi trường hoạt động được một thời gian thì thầy phải nghỉ làm hiệu trưởng ở trường Đại học An Giang do tỉnh nói thầy lớn tuổi. Hiệu trưởng mới lên cho phép giảng viên đang có đất ở làng giáo viên bán cho người bên ngoài. Vậy là làng giáo viên phá sản. Trường Tinh Hoa đã xây rồi nên vẫn hoạt động phục vụ cho học sinh trong địa bàn.

Lúc tôi đang nói chuyện với cô hiệu trưởng thì thầy về. Lúc chuẩn bị phỏng vấn thầy thì anh bảo vệ chạy tới hỏi nhỏ có một cặp vợ chồng phụ huynh muốn xin được chụp ảnh kỷ niệm với thầy. Đôi vợ chồng rất trẻ, ngoài đứa nhỏ bốn tuổi đang học ở trường thì trên tay họ còn bồng một đứa bé chừng sáu tháng tuổi.

- Mấy em ở đâu mà đưa con vào đây học?

- Em ở bên phía An Hòa của Chợ Mới, em chở con qua một chuyến phà rồi đi thêm 10 cây số tới đây chỉ để học mầm non.

- Đi học về bé có kể chuyện cho ba mẹ nghe không?

- Chỉ một thời gian ngắn mà con em đã trở nên dạn dĩ rất nhiều. Nó nói chuyện rõ ràng hơn, thích kể chuyện cho cả nhà nghe.

- Sao em lại chọn trường này mà không đưa vào những ngôi trường lớn ở Long Xuyên cho gần.

- Em dọ hỏi phụ huynh của nhiều trường nhưng rồi em thấy không an tâm. Em đưa bé vô đây vì em tin thầy. Nghe nói mỗi tuần thầy đều dành hai ngày đến với trường.

Cô hiệu trưởng cười:

- Có nhiều phụ huynh ở Long Xuyên muốn đưa con về đây học lắm chị. Tụi em cũng có xe đưa rước nhưng do đường xa nên phải rước sớm, phụ huynh không chuẩn bị kịp nên đành cho học ở gần.

Thầy Xuân như cây thốt nốt giữa đồi núi cằn khô. Mặc kệ những xoài ổi lúa thóc quanh đó nẩy chồi xanh lá thắm hoa rỡ ràng trong từng mùa vụ. Thầy cứ nuôi bộ rễ học dày dặn của mình. Học từ những gì gần gũi nhất, học từ người dân, từ cây cỏ thiên nhiên.

Trường Tinh Hoa như một mô hình song ngữ dễ thực hiện và chi phí thấp nhất. Mô hình có thể áp dụng bất cứ trường phổ thông nào. Cực đoạn đầu vì phải đào tạo ngoại ngữ cho hầu hết giáo viên, đoạn sau mọi giáo viên đều có thể tham gia dạy song ngữ ở mức đơn giản. Với trường Tinh Hoa, tiếng Anh không phải là môn của giáo viên bộ môn. Nó là môn học chủ lực của trường, song hành với luyện những kỹ năng cơ bản khác. Nó là cánh cửa cho đứa trẻ mở rộng ra thế giới. Nó là trách nhiệm của hiệu trưởng và của toàn dân. Chỉ có đam mê song ngữ trẻ con mới hiểu sâu về dân tộc mình và hòa nhập với thế giới.

Thầy đã bước ra thế giới từ những ngày thơ ấu đam mê song ngữ như vậy.

Ngày thầy còn trẻ, thầy không nghĩ mình thành ông này bà nọ mà chỉ cần được học, mở khung trời học càng rộng càng tốt. Cách để học được cả thế giới là phải giỏi về ngôn ngữ mẹ đẻ lẫn ngôn ngữ quốc tế. Phải nghe được quốc tế nói và đọc được những gì họ viết trên những phương tiện phổ thông nhất. Lúc đó, những năm tháng chiến tranh, nhà khó khăn, thầy phải ở trọ nhà người bà con để học. Mỗi tối nhiệm vụ thầy là ôm mùng mền ra ngõ giữ xe. Thầy không chọn con đường đó để tự do đi chơi hay coi đó là nơi mình bị ngược đãi mà coi đó là nơi mỗi sáng sáng được nghe đài phát thanh nói tiếng Hoa Kỳ. Thầy luyện phát âm tiếng Anh từ đó. Giỏi tiếng Anh nên thầy có mơ ước đi học ở nước ngoài.

Khi biết về thầy, nghe những thành quả về một thời biến Việt Nam từ một đất nước đói khổ thành một nước xuất khẩu gạo rồi còn giúp những nước châu Phi trong lãnh vực trồng trọt ai cũng nghĩ thầy là người của nông nghiệp. Nhưng tôi nhận ra ở thầy, một con người của sự học chớ không đơn thuần con người của kỹ thuật hay nông nghiệp. Với thầy sự sống là sự học. Thuận món gì học món đó. Cách học nào tiến bộ nhất thì vận dụng ngay. Học kỹ từng món, học chuyên sâu và học mở rộng.

Điển hình nhất là câu chuyện từ một người đang học kỹ thuật nhưng chương trình du học là dành cho nông nghiêp thầy vẫn đăng ký đi. Chọn học cây mía đầu tiên nhưng một bước ngoặt đến với cuộc đời thầy khi Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) được lập ra tại ngôi trường thầy đang học ở Phillipines. Sau khi thuyết phục lãnh đạo Viện IRRI bằng quá trình thử giảng dạy về đất đai, thầy được chấp nhận tham gia nghiên cứu ứng dụng các giống lúa và từ đó có cơ hội tiếp nhận cách dạy hiện đại từ những chuyên gia Mỹ.

Nhờ tiếp nhận kỹ thuật dạy hiện đại thầy vốn chỉ là một học viên dự thính mà lại được làm một trợ giảng trong Viện IRRI. Những cách học hiện đại được thầy vận dụng khi về Việt Nam mở trường đại học. Bước những bước ngắn trên con đường dài để trở thành giáo sư tiến sĩ bậc thầy của Việt Nam cũng như vang danh quốc tế.

Cách học của thầy gợi cho mọi người thấy khi người ta muốn học, người ta sẽ có rất nhiều cách để học và người ta sẽ chọn ra được những cách học phù hợp với mình để học nhanh mà không phải rơi vào trạng thái học cái này quên cái kia. Học để có đầy đủ học hàm học vị nhưng hoàn toàn không cảm thấy nhọc nhằn mà rất là hạnh phúc.

Người ta nói địa linh sinh nhân kiệt. Mảnh đất nào sinh ra nhà bác học ham học hỏi như vậy. Nó không phải là những vùng thuận lợi. Ba Chúc, nơi đó sáu tháng hạn mỗi nhà phải cử một người ngồi canh nước. Nước ngầm từ lòng đất rỉ ra đáy giếng. Mót máy cả ngày được chút nước xài tiện tặng. Nơi đó sống được đã may. Người ta chỉ ao ước mạnh khỏe để tồn tại với khắc nghiệt. Nơi đó không phải vùng đất học.

Đó là vùng đất của một loài cây bác học. Sáu tháng hạn, hạt của nó rụng xuống đất nằm im đó. Mưa xuống rỉ rả nhiều ngày mầm được đánh thức. Cái rễ bò ra khỏi lớp vỏ cứng như gỗ lim. Cái rễ bò sâu vào lòng đất trong những ngày mưa. Mưa càng dữ dội, rễ càng bò sâu. Những loại cây khác khi có mớ rễ ,thấy không khí mát lành độ ẩm tràn trề liền vội vàng tủa lá đâm chồi. Thốt nốt không vội phần chồi, cái lá bé tí cỡ ngón tay lớn chậm như là không hề lớn. Rễ thì cứ hì hụi len qua thước đất này tới thước đất nọ. Nó len tới nơi mà cái nắng rang giòn sự sống không tài nào chạm tới được. Lúc đó, nó mới mở cho lá mới lớn dần lên. Lá lớn tới đâu rễ lại đào sâu thêm nữa. Cây cao tới đâu rễ sâu tới đó.

Hàng thốt nốt xanh tươi sừng sững vùng Bảy núi (Tri Tôn, An Giang), quê nhà của GS. Võ Tòng Xuân. Ảnh: Đinh Chí Trung

Trong lúc rễ hút nước ở tầng sâu nhất thì lá quang hợp ở tầng cao nhất. Nơi ánh sáng đầy nhất trong nhất. Lá đủ cứng đủ dầy như một lớp gỗ già cõi chắc lọi. Khi lá rụng xuống, không nhiều nhưng đủ che nóng cho lớp cát sõi cõi cằn. Ẩm được giữ lại. Cây cỏ len lỏi rễ trong lớp lá dầy hú ẩm hút khoáng, chồi len lỏi lên mặt đất để quang hợp. Loài cây như một vị tướng trấn giữ miền nhiệt đới đá sỏi khô cằn. Sức dài vai rộng là để mót mái nơi khó khăn nhất của thiên nhiên nhưng không bành trướng nơi đất sống của những loài phổ thông khác. Quanh chân thốt nốt lúa vẫn trổ bông, mì vẫn sai củ.

Thầy Xuân như cây thốt nốt giữa đồi núi cằn khô. Mặc kệ những xoài ổi lúa thóc quanh đó nẩy chồi xanh lá thắm hoa rỡ ràng trong từng mùa vụ. Thầy cứ nuôi bộ rễ học dầy dặn của mình. Học từ những gì gần gũi nhất. Học từ thầy giỏi học từ thầy không giỏi. Ngay cả những nơi không có thầy, thầy Xuân học từ những người dân, từ cây cỏ thiên nhiên.

Ở tuổi 85, qua lần bệnh thập tử nhất sinh, thầy vẫn học và lan truyền sự học. Thầy nói về Chat GPT, về AI.

- Khi mình phát kiến được gì thì cứ phát kiến. Khi mình không làm được gì thì tận dụng những gì người khác đã làm nên, nhanh mà hiệu quả. Đứng trên lưng những người khổng lồ để mình lên cao mà nhìn xa chớ không phải để mình ngạo nghễ.

Mùa học của thầy như mùa thốt nốt trăm tuổi, những bộ rễ đã cắm chặt ở tầng đất sâu nhất. Cây chỉ việc cần mẫn tích cóp, thấm ngược lên. Dòng nhựa sống bò từ sâu trong lòng đất bò lên khỏi mặt đất rồi tung thẳng lên bầu trời tung giữa bao la nắng gió những chùm lá chùm hoa ngọt ngào nhựa sống đầy khoáng. Dòng khoáng dưỡng sinh, dòng khoáng chữa bệnh. Quanh chân thốt nốt những mùa vụ khác cứ xanh tươi. Nơi nào có sự sáng tạo, nơi đó thầy tới ủng hộ.

Một khu rừng sinh thái Thanh Kiều của người kiểm lâm ở Hòn Đất. Một viện nghiên cứu của nhà khoa học chân đất Hoa Sỹ Hiền. Những con người lặng thầm đó cống hiến bằng đam mê chân chính và họ vui lắm khi nói thầy Võ Tòng Xuân đã ghé qua, đã động viên.

Ngôi trường mẫu giáo được xây dựng và được dạy bằng tất cả tiền thầy kiếm được. Thầy muốn bộ rễ của dân tộc, của tỉnh nhà cũng phải được lớn lao như vậy, ăn sâu vào vào đất mặc kệ sỏi đá khô cằn hay màu mỡ. Ngôi trường này tồn tại hay không cũng không có gì đáng để bận tâm.

Nơi này đã tạo ra công thức. Cách làm này tất cả các trường học đều có thể thực hiện được. Những trường tiểu học, trung học cơ sở đều có thể được. Nơi đó có sẵn giáo viên trong hệ thống, có sẵn học trò. Chỉ cần trường hỗ trợ cho giáo viên học trực tuyến rồi mỗi ngày thầy trò tự luyện tập song ngữ, tự khắc thầy trò đều trở thành người song ngữ.

Mỗi người sẽ là một cây thốt nốt nuôi những cái rễ đầu tiên thật kỹ thật sâu và cứ thế nuôi tiếp tục những cái rễ khác. Hành trình sinh tồn nhẹ như một cuộc rong chơi.

Võ Diệu Thanh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/loi-re-vuon-minh-43923.html