Lời ru của ba
Tôi vẫn thường nghĩ rằng chỉ có mẹ mới ru con ngủ. Nhưng trong ký ức xa xăm của tuổi thơ, có những đêm khuya, lời ru của ba cũng khẽ khàng vang lên giữa khoảng trời tĩnh lặng. Lời ru ấy không ngọt ngào như mẹ, cũng không quá tròn trịa, có khi lẫn vào đó là tiếng ho khan, là những nhịp thở nặng nhọc sau một ngày dài. Thế nhưng, đó vẫn là thanh âm ấm áp nhất mà tôi từng biết.
Ba tôi, một người lính già bước ra từ những năm tháng khói lửa, chưa bao giờ kể về chiến tranh bằng những câu chuyện dài lê thê. Ba không nhắc đến những gian khổ, không nói về những lần cận kề cái chết, không kể về đồng đội đã nằm lại nơi rừng sâu... Nhưng mỗi khi đêm xuống, ba thường ru tôi ngủ bằng những vần thơ cách mạng, hào sảng và mạnh mẽ, vang lên trong căn nhà nhỏ:
“Hoan hô anh giải phóng quân/ Kính chào anh, con người đẹp nhất!/ Lịch sử hôn anh bằng chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang bất khuất trên đời/ Như Thạch Sanh của thế kỷ 20…” (trích “Bài ca Xuân 68” - Tố Hữu).
Giọng ba trầm, chậm, có lúc như vang vọng từ quá khứ, lúc lại như thủ thỉ chỉ riêng tôi nghe. Khi còn bé, tôi chẳng hiểu vì sao ba lại đọc những câu thơ như vậy. Chỉ biết rằng, trong giọng ba có điều gì đó rất lạ - vừa dịu dàng vừa sâu lắng, nhưng cũng đầy kiên cường. Nó không êm như những lời ru của mẹ, nhưng có sức mạnh như một dòng sông ngầm chảy mãi trong tôi.
Đêm ấy, như bao lần khác, ba đọc thơ cho tôi nghe. Nhưng lần này, giọng ba chậm hơn, trầm hơn, như chất chứa một nỗi niềm nào đó. “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng anh gượng đứng lên, tì súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng” (trích “Dáng đứng Việt Nam” - Lê Anh Xuân).
Ba bỗng nghẹn lại. Tôi thấy bàn tay ba siết chặt lấy mép chăn, ánh mắt xa xăm, như đang nhìn thấy một điều gì đó không thuộc về hiện tại. Có một điều gì đó trong ba vừa trỗi dậy, một ký ức, một nỗi nhớ không thể gọi tên. Một hơi thở dài rất khẽ, rồi ba lặng đi. Trong giây phút ấy tôi chỉ lặng lẽ nhìn ba, nhìn đôi vai đã không còn trai trẻ, nhưng vẫn vững chãi như những ngày tháng cũ. Đôi mắt thoáng buồn, giọng ba khẽ run rẩy: “Đồng đội ba… có người cũng ngã xuống như thế”…
Lớn lên, tôi mới hiểu được rằng những vần thơ ba đọc không chỉ là những câu chữ, mà là cả một ký ức. Đó là những đêm hành quân giữa rừng sâu, nơi những người lính truyền cho nhau hơi ấm bằng những câu thơ thuộc lòng. Đó là những ngày đói rét, chỉ cần nghe một câu thơ lại thấy lòng kiên định hơn. Và đó là cả những giấc mơ của ba - giấc mơ về hòa bình, về một ngày trở về, nơi ba có thể ru con bằng chính những lời thơ từng giữ ba vững vàng vượt qua những tháng năm chiến tranh khói lửa.
Những vần thơ của ba đã dạy tôi biết về sự hy sinh, về lòng kiên cường của những người lính Cụ Hồ. Từ những câu thơ, tôi hiểu rằng đất nước này được dựng xây không chỉ bằng mồ hôi, mà còn bằng máu xương của biết bao thế hệ.
Tôi yêu thơ từ lúc nào không hay. Có lẽ vì tôi đã ngủ vùi trong những câu thơ của ba từ thuở bé, thơ tự nhiên chảy vào tâm trí tôi như một mạch nguồn không dứt. Tôi viết những vần thơ đầu tiên, dù còn vụng về, nhưng ba vẫn đọc, vẫn cười, vẫn gật gù như thể đang nghe lại chính lời ru của mình từ một ngày rất xa.
Bây giờ, khi ba đã có tuổi, tôi lại là người đọc thơ cho ba nghe. Tôi đọc những bài thơ cũ, những bài thơ ba từng ru, đưa tôi vào giấc ngủ. Những bài thơ theo ba suốt cả cuộc đời.
Tôi chợt nhận ra, lời ru không bao giờ mất đi. Nó chỉ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một ngọn lửa âm ỉ cháy mãi, để giữ ấm cho những tâm hồn biết yêu thương và nhớ về nguồn cội.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/170927/loi-ru-cua-ba