Lợi thế đặc biệt của Quảng Bình trước khi sáp nhập với Quảng Trị
Quảng Bình có những lợi thế đặc biệt về hạ tầng giao thông, tiềm năng du lịch... Dự kiến sau sáp nhập Quảng Bình với Quảng Trị, trung tâm hành chính của tỉnh mới đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.
Hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi
Tỉnh Quảng Bình thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 8.065,27 km2, dân số hơn 924.000 người.
Tỉnh có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi cho giao thương cả về đường bộ, đường sắt, đường không và đường thủy.

Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) về đêm. Ảnh: Đức Thành
Nằm ở vị trí trung độ của cả nước, Quảng Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, nằm trên các tuyến giao thông trục Bắc - Nam như quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh với 2 nhánh Đông và Tây, đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc và đường ven biển đang triển khai.

Chợ biển ở Nhân Trạch, huyện Bố Trạch. Ảnh: Đức Thành
Cùng với 222km đường biên giới với nước Lào, Quảng Bình có quốc lộ 12A nối cửa khẩu quốc tế Cha Lo với cảng biển Hòn La, Vũng Áng (Hà Tĩnh), là cửa ngõ phía Đông ra biển của Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar.
Quảng Bình còn có bờ biển dài trên 116km với nhiều bãi tắm đẹp như Đá Nhảy, Nhật Lệ, Hải Ninh, Vũng Chùa - Đảo Yến...
Tỉnh cũng có vùng biển rộng với 5 cửa sông và 2 khu vực hàng hải quan trọng là cảng Gianh và Hòn La. Tỉnh đang xây dựng cảng biển Hòn La để có thể đón tàu đến 100.000 tấn.
Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò then chốt trong thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển các vùng khác, đặc biệt là kết nối chặt chẽ với Khu kinh tế Vũng Áng theo quy hoạch Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình.

Cảng hàng không Đồng Hới. Ảnh: Đức Thành
Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo có tổng diện tích tự nhiên gần 54.000ha, là 1 trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Tiểu vùng sông Mê Kông. Đây cũng là cửa khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Lào.
Khoảng cách từ khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo đến cảng Hòn La và cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) là 145km, đến cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) 320km và đến cảng Đà Nẵng 430km.
Khoảng cách từ Khu kinh tế Hòn La đến cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) là 36km, đến cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) 230km và đến cảng Đà Nẵng 340km.
Bên cạnh đó, Quảng Bình có cảng hàng không Đồng Hới, tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách với các trung tâm đô thị lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Tiềm năng du lịch độc đáo
Quảng Bình có những tiềm năng và thế mạnh riêng để phát triển du lịch. Trong đó, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, được mệnh danh là “vương quốc hang động” với hàng ngàn hang động lớn nhỏ lộng lẫy, đặc sắc, kỳ ảo như động Phong Nha, động Thiên Đường, hang Én, hang Tú Làn...

Động Thiên Đường tại Quảng Bình. Ảnh: Đức Thành

Hoàng hôn ở Phong Nha. Ảnh: Đức Thành
Đặc biệt, Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới do Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận, tạo ra tiềm năng rất lớn để phát triển các mô hình du lịch. Đây là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối, thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là phân khúc du lịch khám phá, mạo hiểm cao cấp. Sơn Đoòng khẳng định thương hiệu là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam.

Vẻ đẹp bất tận của hang Sơn Đoòng. Ảnh: Oxalis
Cùng với đó, ở suối khoáng nóng Bang (Lệ Thủy) với nhiệt độ sôi 105 độ C, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chữa bệnh theo mô hình Onsen (Nhật Bản) đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng.
Du lịch nghỉ dưỡng còn được kết hợp với hoạt động thể thao thông qua việc sử dụng hệ thống sân golf ven biển.
Ngoài các hình thức du lịch trên, Quảng Bình còn mang đậm dấu ấn của du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh với lễ hội Cầu Ngư, Rằm tháng ba Minh Hóa, đua thuyền truyền thống, đập trống Ma Coong…
Các điểm đến tâm linh gồm: Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chùa Hoằng Phúc (lịch sử 700 năm), hang Tám TNXP... Các giá trị văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nổi bật như hò khoan Lệ Thủy...

Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) bầu chọn là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023. Ảnh: Oxalis
Năm 2024, lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng 20% so với năm trước, đạt hơn 5 triệu lượt khách, trong đó có hơn 500.000 khách quốc tế. Các sản phẩm du lịch mạo hiểm như khám phá hang động, trekking rừng nguyên sinh và du lịch cộng đồng thu hút du khách, góp phần tăng doanh thu dịch vụ du lịch và phát triển kinh tế địa phương.

Suối nước Moọc (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) nằm ẩn mình trong khu rừng nguyên sinh. Ảnh: TTDL
Quảng Bình cũng là tỉnh giàu tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời.
Trong những năm qua, tỉnh đã cấp phép đầu tư cho hàng loạt dự án lớn, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái và công nghiệp chế biến như nhà máy điện gió B&T, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Phong Nha - Kẻ Bàng, tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Tại Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố.
Trong đó, dự kiến hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.