Lối thoát cho 'thế hệ thất nghiệp' ở Trung Quốc

Khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục, nhiều người trẻ sắp và mới ra trường ở Trung Quốc chấp nhận làm các vị trí tự do, thay vì ôm mộng tìm việc văn phòng.

Áp lực từ các cố vấn nghề nghiệp tại trường đại học khiến Kayla Liu (tỉnh Hà Bắc) tin rằng cô phải tìm được việc bằng mọi giá trước khi tốt nghiệp, theo SCMP.

Nữ sinh 21 tuổi học chuyên ngành tiếng Anh, quyết định mở một quầy hàng trên sàn thương mại điện tử Taobao, chuyên bán đồ trang sức thủ công, sau nhiều tháng xin việc bất thành.

Cửa hàng trực tuyến của Liu mang lại khoảng 300 nhân dân tệ (42 USD) mỗi tuần, đủ để cô trang trải chi phí hàng ngày trong lúc tìm kiếm công việc toàn thời gian.

Xác định mình làm nghề tự do, Liu gia nhập vào nhóm hàng triệu người có nghề nghiệp tương tự trên khắp Trung Quốc. Theo số liệu gần đây nhất của Cục Thống kê Quốc gia, Trung Quốc có 200 triệu “công nhân, nhân viên linh hoạt” vào cuối năm 2021, gấp gần 3 lần so với năm 2020.

 Khi các công việc trí óc ngày một cạnh tranh gắt gao, lớp sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp chấp nhận rẽ sang hướng khác, như các việc làm chân tay, để không phải chịu cảnh thất nghiệp. Ảnh: Reuters.

Khi các công việc trí óc ngày một cạnh tranh gắt gao, lớp sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp chấp nhận rẽ sang hướng khác, như các việc làm chân tay, để không phải chịu cảnh thất nghiệp. Ảnh: Reuters.

Với hơn một phần năm người Trung Quốc ở độ tuổi 16 đến 24 thất nghiệp, việc làm linh hoạt đang được coi là một trong những giải pháp để giảm tỷ lệ thất nghiệp đang cao kỷ lục ở thanh niên Trung Quốc – một vấn đề phức tạp do dân số ngày càng già đi và thu hẹp lại.

Tạm gác giấc mơ cổ cồn trắng

Liu cho biết bên cạnh sức ép thị trường việc làm khốc liệt, áp lực từ chính ngôi trường cô theo học cũng không hề nhỏ. Theo đó, nhà trường có xu hướng yêu cầu sinh viên cần có bằng chứng đã có việc làm trước khi ra trường, dù là công việc văn phòng hay đi làm chân tay.

"Động thái này làm tăng thêm lo lắng cho những người trẻ vốn đã thấy khó khăn để tìm việc vào lúc này. Giống như chúng tôi không được phép thất nghiệp sau khi tốt nghiệp”, cô nói.

Vào tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 20,4%, sau khi tăng từ 19,6% trong tháng 3. Thuật ngữ này dùng để chỉ tỷ lệ phần trăm những người trong độ tuổi 16-24 “có khả năng” và “sẵn sàng” làm việc nhưng không có việc làm.

Còn mùa hè này, hơn 11 triệu sinh viên mới tốt nghiệp dự kiến tham gia thị trường lao động.

Trong khi đó, hơn 16% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc vào năm 2020 và 2021 đã chọn việc làm linh hoạt, theo dữ liệu từ Trung tâm Hướng nghiệp và Thông tin Sinh viên Giáo dục Đại học Trung Quốc.

 Bán đồ ăn vỉa hè, làm shipper hay phục vụ bàn là các nghề mà giới chức đang gợi ý thanh, thiếu niên Trung Quốc có bằng cấp nhưng thất nghiệp nên làm để kiếm tiền vào lúc này. Ảnh: Reuters.

Bán đồ ăn vỉa hè, làm shipper hay phục vụ bàn là các nghề mà giới chức đang gợi ý thanh, thiếu niên Trung Quốc có bằng cấp nhưng thất nghiệp nên làm để kiếm tiền vào lúc này. Ảnh: Reuters.

Nhóm người này không bị ràng buộc bởi các hợp đồng lao động chính thức, làm những công việc bán thời gian, tạm thời hoặc thời vụ.

Với sự phát triển của các nền kinh tế kỹ thuật số, nhóm lao động này đang tìm được việc làm trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như giao đồ ăn, bán hàng rong trên phố, phát livestream hoặc sáng tạo nội dung trên mạng.

Ở tuổi 22, Chelsea Li, theo học ngành Nhân sự ở Thành Đô, tạm từ bỏ hy vọng tìm được công việc văn phòng và chuyển sang mở hàng rong bán bánh nướng, đồ tráng miệng. Bán khoảng 60 phần vào mỗi buổi sáng, Li có thể kiếm được khoảng 500 nhân dân tệ/ngày.

“Thành thật, đây là điều hạnh phúc nhất mà tôi có được kể từ khi tốt nghiệp, nó mang lại cho tôi cảm giác hài lòng. Tìm kiếm việc làm và gửi hồ sơ xin việc là một quá trình mệt mỏi”, cô nói.

Rẽ hướng khác

Đối với một nhóm thanh niên Trung Quốc, việc làm linh hoạt là một lựa chọn khôn ngoan hơn, cho những người muốn cân bằng cuộc sống và sự nghiệp.

Leon Liu, sinh viên tốt nghiệp ngành Kiến trúc, dành nửa năm để đi du lịch trong khi làm việc từ xa.

 Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 16/5 cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 16-24 tuổi đạt mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng 4, tăng từ 19,6% trong tháng 3. Ảnh: Global Times.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 16/5 cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 16-24 tuổi đạt mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng 4, tăng từ 19,6% trong tháng 3. Ảnh: Global Times.

Liu thông thạo tiếng Anh, Pháp và Đức, nhận dạy ngoại ngữ trực tuyến và điều phối các dự án trao đổi văn hóa giữa sinh viên Trung Quốc và Trung Đông. Nghề tay trái là nhà tư vấn tự do cho các dự án kỹ thuật và kiến trúc.

“Trở thành ông chủ của chính mình, đồng nghĩa tôi được chọn người muốn làm việc cùng, dự án nào sẽ thực hiện", Liu bày tỏ.

Năm 2022, Lu Sina (28 tuổi) từ bỏ công việc toàn thời gian sau 3 năm làm tại một công ty sản xuất sản phẩm dành cho bà bầu. Cô hiện là nhà tư vấn nghề nghiệp tự do tại Hàng Châu và kiếm được khoảng 20.000 nhân dân tệ/tháng.

“Mặc dù bây giờ tôi kiếm được ít hơn so với công việc trước đây, tôi có nhiều tự do hơn. Tôi nghĩ sự đánh đổi là xứng đáng và không có ý định quay lại kiểu làm việc truyền thống", Lu nói.

Việc làm việc linh hoạt cũng khiến cô suy nghĩ về chuyện đi học tiếp.

“Tôi có những người bạn khác ở độ tuổi 30, cũng làm việc linh hoạt hoặc tự do, nói rằng đang đăng ký vào các trường hoặc chương trình mà họ không thể sắp xếp học được khi còn trẻ", Lu kể.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-thoat-cho-the-he-that-nghiep-o-trung-quoc-post1437282.html