Lời tự tình bên triền sông

Chạm tay vào đất, để nghe đất trở mình, để nghe lời thì thầm từ xa xưa vọng về, để nghe trong đất kể những câu chuyện văn hóa xứ sở. Người nghệ nhân cố gắng đánh thức niềm mong ước cho loại gốm tiến Vua sau dằng dặc trầm luân như con nước lên xuống nơi triền sông này.

Lời tự tình của đất

Mấy trăm năm thiên di về phương Nam, những cư dân từ Thanh Hóa đã vào định cư ở đất Quảng Ngãi này, dựng xóm lập làng ngay con sông Trà Bồng ở bên bờ Châu Ổ (xã Bình Sơn, Quảng Ngãi). Những bậc tiền hiền di cư đã dựng những lò nung đầu tiên, khai mở nghề gốm sứ ở làng Mỹ Thiện, để rồi loại gốm ấy trở thành sản phẩm dâng vua tặng chúa rạng danh xứ Quảng. Những người khai sinh ra dòng gốm này là các ông Phạm Công Đắc và Nguyễn Công Ất từ Thanh Hóa để lập nên làng gốm.

Các nghệ nhân gốm Mỹ Thiện từng được gọi vào phủ chúa Nguyễn để sản xuất các đồ gốm tinh xảo cho nhà chúa sử dụng và làm tặng vật. sau này, gốm Mỹ Thiện cũng được ghi chép trong điều trần của quan Tuần phủ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác dâng lên Vua Bảo Đại, được đăng tải lên Tạp chí Nam Phong nổi tiếng vào năm 1933.

Trải qua thăng trầm, làng gốm Mỹ Thiện giờ đây chỉ còn vợ chồng nghệ nhân Đặng Văn Trịnh giữ nghề.

Trải qua thăng trầm, làng gốm Mỹ Thiện giờ đây chỉ còn vợ chồng nghệ nhân Đặng Văn Trịnh giữ nghề.

Các sản phẩm của gốm Mỹ Thiện chủ yếu là đồ gia dụng như: chum, ghè, các loại vò, ché, bình vôi, hũ, thạp, ấm trà, bình hoa, tượng động vật... trong đó nhiều sản phẩm được tráng men. Nhưng, điều đặc biệt làm nên tên tuổi của gốm Mỹ Thiện tồn tại mấy trăm năm qua với nét độc đáo bởi các chi tiết trang trí đắp nổi, cùng nước men khác lạ, bền chắc, với màu sắc rất đa dạng. Men gốm Mỹ Thiện có đủ loại màu sắc độc đáo từ tím đậm đến tím nhạt, vàng, vàng ngả sang xanh ngọc... một điều rất khó đối với các sản phẩm gốm thủ công. Điểm nhấn của gốm Mỹ Thiện cho đến nay vẫn chưa ai giải thích được nằm ở việc tùy theo vị trí sắp xếp gốm trong lò nung sẽ cho ra màu sắc gốm thành phẩm khác nhau, có thể vàng nâu, xanh lá hoặc tím.

Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh, người làm gốm Mỹ Thiện hiếm hoi còn lại của làng gốm chia sẻ, gốm Mỹ Thiện được sản xuất thủ công với kỹ thuật bàn xoay, nguyên liệu làm gốm là đất sét chú không phải cao lanh như nhiều vùng. Đất được lọc kỹ tạp chất, men gốm được sản xuất bằng cách nghiền các loại đá núi trong vùng, pha thêm chì, đồng, vò ốc và một số phụ gia khác theo bí quyết trao truyền nhiều đời và khả năng sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân.

Mỗi sản phẩm gốm Mỹ Thiện luôn chứa đựng yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật. Đất sét thô được thợ gốm lấy từ tầng đất ruộng ở nơi cao ráo, ít ngập úng. Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh cho biết, một trong những nét độc đáo của gốm tráng men Mỹ Thiện là kỹ thuật nung 2 lửa. Lần nung thứ nhất để tạo cho xương gốm chắc. Lần thứ hai sản phẩm gốm được nhúng men rồi cho vào lò nung. Với lần nung men, màu sắc sản phẩm sẽ thay đổi theo nhiệt độ, tạo nên sự thay đổi về màu sắc cho mỗi sản phẩm. Bí quyết và tài hoa của nghệ nhân nung gốm là ở khả năng làm chủ nhiệt độ, kết hợp với sự gia giảm trong pha chế men để tạo màu men như ý. Tuy vậy, cá biệt vẫn có những khi sản phẩm hỏa biến, màu sắc kỳ ảo trở thành độc bản, tạo nên sản phẩm cực kỳ lạ lẫm hấp dẫn giới sưu tầm gốm lạ.

Gốm Mỹ Thiện được sản xuất thủ công với kỹ thuật bàn xoay, nguyên liệu làm gốm là đất sét.

Gốm Mỹ Thiện được sản xuất thủ công với kỹ thuật bàn xoay, nguyên liệu làm gốm là đất sét.

Mấy trăm năm lửa đỏ lò nung ở phía triền sông, ngoài đắp nổi và sự độc đáo của màu sắc, men gốm, thì việc xây dựng lò nung đóng vai trò hết sức quan trọng để từng sản phẩm luôn đạt chuẩn sau mẻ lửa. Mỗi lần xếp gốm vào lò, người thợ phải đo canh chừng đúng kích thước, độ dốc sàn lò để quyết định chất lượng gốm sau này. Chỉ cần sơ hở để một chỗ nào đó bị nhô đất cát lên dù chỉ một chút thôi là cả mẻ gốm sẽ bị nứt vỡ. Kinh nghiệm nhiều đời nếu người nghệ nhân giữ đúng kích thước lò nung thì chỉ cần đun 3 bó củi, gốm đã đủ xanh óng ánh. Nhưng, cũng có khi đốt hết than củi thì nhiệt độ cũng không đủ làm chín mẻ gốm do làm sai, nghệ nhân Trịnh chia sẻ.

Mấy trăm năm đã qua, những người thợ làm gốm vẫn lặng lẽ miệt mài bên đất, bên lửa, từng ngày thổi hồn vào đất mẹ qua những sản phẩm mộc mạc và chân thành. Trước đây, trong phân công sản xuất thì thợ gốm nữ chuyên lo khâu tạo hình, chuốt sản phẩm, còn cánh thợ đàn ông lo khâu vận chuyển, làm đất, nung, đắp nổi, làm men. Mỗi người một công việc nhưng đều quan trọng như nhau. Gốm ở đây kỳ ảo những sắc màu, cầu kỳ về hình thức nhưng vẫn mang vẻ đẹp dung dị, sâu lắng, được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo cùng những giá trị bền vững được gìn giữ qua bao thế hệ.

Thời làng nghề hưng thịnh, cứ sớm sớm nhiều người thợ gánh gồng đất sét từ Ô sông, Bình Long ra, người làng gốm thì nhào đất tạo hình, rồi đắp lò nung sản phẩm. Từ làng gốm có con đường chạy thẳng ra bến Củi nằm bên sông Trà Bồng luôn rộn tiếng nói cười của chị em phụ nữ. Họ gánh sản phẩm ra để các thương thuyền chất đầy rồi xuôi dòng ra cửa biển Sa Cần, đưa sản phẩm gốm Mỹ Thiện đến muôn nơi.

Gốm cũ trở mình

Sự tiếc nuối nhất bên dòng Trà Bồng này với gốm Mỹ Thiện, ấy là một thời gian dài dòng gốm độc đáo này phát triển hưng thịnh, rồi sau đó rơi vào quên lãng, có nguy cơ thất truyền bởi người làng gốm không trụ được với nghề. Trước kia làng làm gốm Mỹ Thiện có hơn 50 hộ, thế nhưng do nguyên vật liệu, do sự vất vả trong công đoạn chế tác, cả vì chới với ở đầu ra mà làng gốm trở nên hiu hắt.

Những biến thiên của thời cuộc cũng làm Mỹ Thiện rơi rụng dần thợ giỏi. Sau thời kỳ phát triển hưng thịnh, đến năm 1964, qua trận lụt lớn, lạch Bến Củi nơi làng gốm đặt nhiều lò nung bị bồi lấp một phần. Sau năm 1975, những người làm gốm nuôi chí phát triển nghề ở Mỹ Thiện đã hợp lại thành Hợp tác xã gốm Châu Ổ, họ cố gắng làm theo cách tráng men của Bát Tràng nhưng không thành. Chừng một chục năm sau đó, không cạnh tranh nổi với gốm sứ ngoài Bắc, trong Nam và hàng nhựa nên các lò đành tắt lửa. Chỉ sót lại vợ chồng ông Đặng Văn Trịnh (60 tuổi) cùng vợ là bà Phạm Thị Thu Cúc (58 tuổi).

Nuôi một đời gốm, ông Trịnh luôn day dứt với đất, với men gốm, như móc neo cuối cùng còn cố níu giữ lấy nghề truyền thống của cha ông để lại. Khó khăn cứ chất chồng, dồn ứ lại với cái nghiệp gốm của cha ông, nhưng dẫu giữa lay lắt lụi tàn, giữa chông chênh còn mất thì ông Trịnh và vợ vẫn bám níu lấy gốm, nuôi từng chút le lói để chờ ngày gốm cũ trở mình.

Rồi ngày ấy cũng đến. Đời sống người dân ngày một khá hơn, khách hàng tìm tới những sản phẩm thủ công chất lượng, du lịch trở thành con sóng từ thẳm sâu thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề truyền thống. Gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh cũng đã nhận được kinh phí hỗ trợ từ Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi để đầu tư phát triển nghề gốm, xây dựng nhà trưng bày ngay tại lò gốm để tạo điều kiện cho du khách đến tham quan, tìm hiểu về nghề gốm. Gốm Mỹ Thiện hồi sinh từ đó.

“Từ việc kết nối với các đơn vị liên quan, nhiều đơn vị du lịch rồi từ đó khách hàng đã biết và đến tham quan nghề gốm Mỹ Thiện. Các sản phẩm họ đặt tôi, chủ yếu là phục vụ của các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng có xu hướng gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường hay trong các khu trưng bày, điểm văn hóa!”, ông Trịnh bày tỏ.

Phải giữ được bí quyết làm gốm của cha ông mới có thể nghĩ về một ngày hồi sinh cho gốm. Để có nguồn đất sét nguyên liệu, ông Trịnh được các cấp chính quyền chấp thuận cho lấy đất nguyên liệu ở vùng lân cận như Bình Nguyên, Bình Long. Để giảm lượng khói thải ra và bảo vệ môi trường, lò nung gốm chuyển từ đốt củi sang đốt trấu. Nhưng, vẫn còn đó những khó khăn, bởi làm nghề đòi hỏi trình độ của người nghệ nhân phải trải qua hàng chục năm rèn luyện. Trong khi những bậc cao niên có tay nghề tạo hình cho gốm không thể bám trụ bên bàn xoay do vấn đề tuổi tác, sức khỏe. Cùng với đó, việc giữ lại được bí quyết tạo men gốm cổ là sự cố gắng của ông Trịnh.

Ông Trịnh vẫn hy vọng đến một ngày làng gốm Mỹ Thiện được hưng vượng như thuở trước.

Ông Trịnh vẫn hy vọng đến một ngày làng gốm Mỹ Thiện được hưng vượng như thuở trước.

Trong xưởng, bà Phạm Thị Thu Cúc, vợ ông Trịnh, cũng xuất thân trong gia đình truyền thống làm gốm, bộc bạch, gốm giờ vẫn giữ đúng lối xưa cha ông để lại, có lúc giản lược, tượng trưng tùy vào óc sáng tạo nhưng luôn giữ cái hồn chung. Gốm Mỹ Thiện vẫn giữ cái mộc mạc, xưa cũ để gốm có hồn. Những sản phẩm gốm do gia đình nghệ nhân Trịnh làm ra đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi nhiều năm, được thị trường ưa chuộng.

Ngoài những sản phẩm truyền thống như ché, bình, ly, chậu..., còn có những sản phẩm gốm đòi hỏi kỹ thuật cao, phải lên 3-4 tầng thân, ráp kín phần trên dưới. Có khách còn đặt loại hàng phải tạo tới 6-10 tầng, nếu làm thiếu cẩn trọng thì khi nung dễ vỡ cả mẻ. Đây là công đoạn đòi hỏi phải chịu khó, kỹ thuật cao mới thuần thục được. Bây giờ, gốm Mỹ Thiện không chỉ có mặt ở hầu khắp tỉnh Quảng Ngãi mà còn vươn ra các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên và ngược lên Tây Nguyên, nhiều sản phẩm còn được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Campuchia và Lào. Gốm Mỹ Thiện được bán từ vài chục ngàn đến hơn một triệu đồng, tùy vào kích thước và độ tinh xảo.

Nhờ bàn tay tài hoa, công sức và lưu giữ các kỹ thuật làm gốm thủ công từ cha mình là cụ Đặng Thạnh, cả hai vợ chồng đã cùng nhau nuôi chí phục hồi gốm Mỹ Thiện. Năm 2016, vợ chồng ông Trịnh và bà Cúc đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Ngôi nhà nhỏ của ông Trịnh nằm sâu trong một con ngõ bên triền sông ở thị trấn Châu Ổ cũ, nay là xã Bình Sơn (Quảng Ngãi). Dẫu chỉ còn một mình gia đình ông làm nghề gốm, nhưng người nơi đây vẫn thường gọi là làng gốm Mỹ Thiện. Người dân đã đem niềm ước mong, sự cố gắng để đặt cho tên đất, tên làng.

Gốm sống lại, nuôi được người và nuôi được cả di sản của cha ông để lại. Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi từng chia sẻ, gốm Mỹ Thiện xứng đáng được xếp vào hàng những dòng gốm giá trị trong nôi nhà gốm Việt, cần được bảo tồn và có giải pháp nâng cao chất lượng, cả về kiểu dáng, mỹ thuật lẫn về kinh tế, thị trường và xúc tiến thương mại, có vậy gốm Mỹ Thiện mới có thể tồn tại lâu dài.

Đã ngoại lục tuần, cả một đời gió sương lửa đỏ cùng gốm, ông Trịnh đang đặt hết hy vọng vào người con trai là truyền nhân đời thứ 6 cũng đang ngày ngày theo nghiệp gốm, cùng với đó là anh Ngô Đào Giang (38 tuổi) rất tâm huyết với làng gốm truyền thống của quê hương. Trong những niềm mong ước cuối cùng hướng về tiên tổ, ông Trịnh vẫn hy vọng một ngày làng gốm Mỹ Thiện được hồi sinh hưng thịnh như thuở trước, để những lò gốm đỏ lửa, những tuyệt kỹ của đắp nổi, men tráng, sắc màu huy hoàng trở lại, để trả đáp ơn nghĩa với tiền nhân.

Tiêu Dao

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/loi-tu-tinh-ben-trien-song-i774674/