Lòng dân với cách mạng

Vào một ngày cuối năm 2001, tôi được Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002) hẹn gặp. Và cũng không ngờ, đó là lần gặp cuối cùng. Lúc ấy, ông đã ngoại tám mươi, nhưng vẫn nhớ nhiều những chuyện xưa.

Hồi đó, gia đình Đại tướng đã rời về 34 phố Trần Phú, trong một vuông đất nhỏ hơn, giữa tập thể các sĩ quan quân đội. Tôi bày tỏ muốn được nghe kể về Hà Nội, về những kỷ niệm chiến trường, những tư tưởng quân sự và nghệ thuật chỉ huy trong các chiến dịch của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ông nói sẵn sàng nhưng như thế cần nhiều thời gian lắm.

Rồi bằng sự xúc động, bằng hồi ức tươi nguyên như mới hôm qua, ông kể cho tôi nghe những câu chuyện nằm lòng của ông thời tuổi trẻ, thời cách mạng còn trong vòng bí mật.

Là một thanh niên làng Cổ Nhuế, Hà Nội, Văn Tiến Dũng là một thợ dệt giỏi trong xưởng của Cự Chung, Cự Hiền, sớm tham gia cách mạng, lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân, tham gia Hội Ái hữu và Liên đoàn Lao động Hà Nội.

Đại tướng Văn Tiến Dũng

Đại tướng Văn Tiến Dũng

Năm 1939, ông bị bắt và đầy lên nhà tù Sơn La cùng với các đồng chí Trần Huy Liệu, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Phúc, Trần Minh Tước… Trên đường đi bộ gian nan, đầy khổ ải, lên sơn cước, đồng chí Trần Huy Liệu đã có thơ vịnh:

Một xích hai thằng khắp đó đây

Ngủ ăn đái ỉa chẳng rời tay

Anh em ta thắt dây đoàn kết

Trên bước đường xa cát bụi dày.

Hai năm sau, vừa đúng lúc mãn hạn tù (mãn hạn nhưng không phải thả), chi bộ nhà tù quyết định ông phải trốn ra, bắt liên lạc với Đảng và nối đường dây với nhà tù Sơn La.

Và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Tết 1941-1942, ông bắt được liên lạc với Đảng và gửi được Nghị quyết Hội nghị TƯ lần thứ 8 (1941) lên nhà tù trong một hòm gỗ hai lớp. Nhưng đó cũng là thời kỳ bị khủng bố gắt gao, các đồng chí lãnh đạo liên tiếp bị bắt. Đảng bộ Hà Nội và đầu mối trực tiếp là đồng chí Trần Văn Lượng bị bắt. Văn Tiến Dũng và Nguyễn Tiến Lãng cầm hòm đồ thợ mộc lang thang khắp các làng vừa tạm lánh, vừa dò tìm đồng chí, xây dựng cơ sở cách mạng, cuối cùng đứng chân tại làng Kinh Đào, Hà Đông, bên bờ sông Đáy. Xưởng mộc có treo một bản đồ thế giới tô đỏ Liên bang Xô - Viết để theo dõi chiến tranh thế giới lần thứ hai, cũng là ám hiệu tìm đồng chí. Một lý trưởng trẻ là Nguyễn Viết Bảng ở làng Kinh Lạc thường hay lui tới để bàn chuyện thời sự. Vốn có học và mang lòng yêu nước, Lý Bảng được giác ngộ cách mạng.

Chùa Bộ Xuyên lúc ấy không còn sư. Lý Bảng sang chức dịch Bộ Xuyên xin chùa này để đồng chí Văn Tiến Dũng “đi tu”. Sau ba tuần mua kinh, tập làm sư, ông đã mặc áo nâu, xuống tóc trụ trì chùa.

Tưởng như thế là đã khá ổn, ai ngờ các cô gái tinh nghịch chiều nào, khi đi làm đồng về cũng trêu:

-Sư ông tân thời, sư ông răng trắng!

-Trẻ đẹp thế mà đi tu, phí đời, có giận dỗi gì thì nói với chúng em đây…

“Nhà sư” bèn nói với Lý Bảng: “Ông phải kiếm cái gì cho mình nhuộm răng, không khéo chỉ vì nó mà hỏng việc”.

Từ vỏ bọc này, được sự giúp đỡ tích cực của nhân dân, nhóm các đồng chí từ Hà Nội về (gồm cả đồng chí Vũ Văn Biểu, Nguyễn Tiến Lãng) đã tuyên truyền cứu quốc, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng ở các huyện thuộc tỉnh Hà Đông và Hòa Bình. Riêng làng Vĩnh Lạc, quê Lý Bảng, đã lập được Ủy ban Việt Minh, do chính Lý Bảng và Trùm Tấn làm nòng cốt. (Gia đình Lý Bảng sau này một lòng theo cách mạng, có người con trai là Đại tá Nguyễn Viết Liên ở Bệnh viện 108).

Đầu năm 1943, đồng chí Tự (tức Hoàng Quốc Việt) lúc đó là Thường vụ TƯ kiêm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đến chùa Bộ Xuyên trong vai một quan viên khoác áo the thâm, khăn đóng, cầm ô vào chùa… Đồng chí Hoàng Quốc Việt nói đại ý: Thường vụ Trung ương đã được nghe báo cáo đầy đủ về đồng chí, về nhiệm vụ mà chi bộ nhà tù Sơn La đã giao cho. Hôm nay, Trung ương phái tôi về đây chính thức bắt liên lạc và phân công đồng chí làm Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Hà Đông. Nhiệm vụ bây giờ là tiếp tục xây dựng khu căn cứ, chuẩn bị đón thời cơ Tổng khởi nghĩa.

Hồi đó, tình hình và nhiệm vụ chỉ giao ngắn gọn vậy, còn cách làm thế nào là do lòng kiên trung, sự chủ động của cán bộ cơ sở.

Tháng 6/1943, đồng chí Văn Tiến Dũng (bí danh Hoài) được bổ sung vào Xứ ủy Bắc kỳ và sau đó trả chùa, nhận nhiệm vụ ở Bắc Ninh. Mùa xuân 1944, được đề cử làm Bí thư Xứ ủy, thay đồng chí Hoàng Quốc Việt, chuyên lo công tác của Trung ương.

Vào một ngày tháng 8/1944, trong khi chờ liên lạc của Trung ương tới, ông bất ngờ bị lý trưởng và đám tuần đinh làng Sa Hồ bắt, chuyển về Hà Nội. Do có người khai báo, biết rõ là Bí thư Xứ ủy, bọn mật thám đã đánh đập, tra khảo không từ thủ đoạn nào nhưng vô hiệu đành chuyển lại Bắc Ninh để chờ xét xử.

Hai người chuyên gác Văn Tiến Dũng mỗi khi ra sân là một người làm bếp và một anh lính, đều có cảm tình với người cách mạng. Anh lính là Trần Văn Thăng, 20 tuổi, người làng Tiên Du, nơi từng có cơ sở Việt Minh. Do liên lạc được với bên ngoài, các đồng chí ta đã đến vận động thêm gia đình anh Thăng. Mỗi chủ nhật về nhà, thái độ anh tử tế hơn rõ rệt.

Sắp đến ngày kết án, một hôm Văn Tiến Dũng nói thẳng với anh Thăng:

Tôi cần phải trốn tù. Anh hãy giúp chuẩn bị cho tôi một bộ quần áo lính khố xanh, một mũ nồi con nhện và khi viên quản về nhà hãy để ngỏ cổng cho tôi thoát ra.

Anh Thăng rất bàng hoàng, sợ bị liên lụy cả gia đình nên chưa dám quyết.

Tuy vậy, đồng chí Văn Tiến Dũng vẫn quyết định phải vượt ngục không thể đợi án tử hình và suy nghĩ nếu hai người cùng vượt ngục để giúp nhau mới ra nổi. Đồng chí Văn Tiến Dũng tìm cách báo ra bên ngoài đề nghị một người sắp mãn hạn tù. Xứ ủy thông báo vào người vượt ngục cùng sẽ là đồng chí Nguyễn Đức Hùng (Lê Quang Tuấn). Lê Quang Tuấn nhận vượt ngục như một nhiệm vụ.

Trong tù đã có thìa khóa sẵn của các đồng chí làm từ trước (khóa cùm, khóa buồng giam) nhưng cửa sắt lớn từ sân nhà tù ra buồng giấy trại giam có dây xích quấn chặt thì không thể không có Thăng.

Đó là đêm 26/12/1944. Dịp Nô-en, rất rét. Ánh trăng sáng lạnh, rờn rợn. Hai người ra sân thì cánh cửa sắt có dây xích đã mở. Một người lính bỗng xuất hiện. Cả hai rụng rời. Hóa ra đó là Thăng. Anh ta tiến nhanh về phía hai người tù, trao cho một chiếc kìm cắt dây thép gai. Mọi người im lặng nhìn nhau. Có một ngọn lửa cháy trong mắt Thăng, đó là ngọn lửa của tình đồng bào, của lòng xả thân vì nghĩa không sao diễn tả được… Ở đâu cũng có lòng yêu nước, có sự thiêng liêng của Tổ Quốc.

Sau này Quản Quế và những người lính kíp trực hôm ấy, trong đó có Thăng đều bị liên lụy. Hẳn Thăng đã biết điều đó từ trước nhưng vẫn giúp người cộng sản vượt ngục.

Nguyễn Sĩ Đại

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/long-dan-voi-cach-mang-154744.html