Lồng ghép các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Tính riêng giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đầu tư khoảng 6.676 tỷ đồng để hiện thực hóa diện mạo nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại.

 Mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Nam Đông

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Nam Đông

Về Quảng Điền những ngày nông dân vừa hoàn thành gieo cấy lúa hè thu. Đến đâu cũng nghe người dân bàn tán chuyện xây dựng NTM mà chủ thể không ai khác ngoài chính bà con. Khi nhận thức, xác định rõ vai trò chủ thể, người dân đã tích cực tham gia, vào cuộc xây dựng các công trình hạ tầng, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Bà Đinh Thị Di ở thôn Thành Trung, xã Quảng Thành (Quảng Điền) rất tự hào khi thôn mình vừa đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong thành quả chung đó có sự đóng góp tích cực từ gia đình bà Di và mỗi hộ dân ở Thành Trung. Những việc làm thiết thực của mỗi hộ dân trong tiến trình xây dựng thôn NTM kiểu mẫu thể hiện rất rõ khi sẵn sàng hiến đất, hiến cây để xây dựng công trình công cộng. Nhà nhà đều chỉnh trang tường rào xanh, vườn tược, bê tông hóa tươm tất đường vào nhà…

Thành Trung thuộc vùng thấp trũng, đời sống, kinh tế của người dân phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong tiến trình xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu, chính quyền địa phương, người dân làng Thành Trung luôn ý thức việc chuyển đổi mô hình trồng rau màu, trồng lúa thông thường sang VietGAP, hữu cơ. Mô hình trồng rau an toàn đáp ứng yêu cầu thị trường, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân, mỗi ha ước 300 triệu đồng/năm.

Điều dễ nhận thấy, nơi nào mạnh dạn chuyển đổi tư duy, phương thức, tập quán sản xuất, canh tác lạc hậu sang mô hình mới, có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường thì đời sống người dân ở đó sẽ có nhiều thay đổi. Không riêng Thành Trung mà thôn La Vân Hạ, xã Quảng Thọ (Quảng Điền) cũng đã được huyện công nhận thôn NTM kiểu mẫu mà cách làm của địa phương cũng tương tự Thành Trung. Trong các mô hình sản xuất, kinh doanh mới, hiệu quả, “bước ngoặt” của Quảng Thọ trong phát triển kinh tế gia đình là chuyển đổi phương thức trồng rau màu truyền thống sang VietGAP, hữu cơ mang lại thu nhập bình quân mỗi năm 300 triệu đồng/ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định, trong tiến trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, huyện và các địa phương bám sát thực tiễn, tùy thuộc vào tiềm năng, lợi thế của từng vùng để đầu tư khai thác, lựa chọn các đối tượng cây, con phù hợp đưa vào sản xuất. Trừ cây lúa, phần nhiều các địa phương đều có các loại cây trồng đặc trưng, đặc thù riêng nên sản phẩm thường dễ bán, được giá. Từ đó, tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định.

Trong xây dựng NTM, huyện Quảng Điền có sự đầu tư hợp lý, đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định những công trình, mô hình cần ưu tiên sẽ đầu tư bằng mọi cách. Đến nay, ngoài hai thôn La Vân Hạ và Thành Trung được UBND huyện công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu năm 2023 thì các thôn còn lại đạt từ 4 đến 9/12 tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu. Đối với xã NTM nâng cao, qua rà soát đã có 2 xã Quảng Phú và Quảng Thọ đã đạt 19/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 10 đến 13 tiêu chí.

Riêng đối với cấp huyện, đến nay Quảng Điền đã đạt 5/9 tiêu chí NTM nâng cao, phấn đấu năm 2024 có từ 2 đến 3 tiêu chí đạt chuẩn, có thêm 2 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, quyết tâm đưa huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025.

Từ nguồn vốn huy động này, tỉnh phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 có thêm ít nhất 23 xã đạt chuẩn NTM, thêm ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đưa tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM của tỉnh thành 5 đơn vị (đạt tỷ lệ 55%).

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Quảng Điền tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, vườn mẫu đi vào chất lượng, chiều sâu, kết cấu hạ tầng thiết yếu được ưu tiên xây dựng. Huyện chú trọng mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, mô hình thí điểm thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng xây dựng NTM.

Tại huyện miền núi Nam Đông, đến thời điểm này có 7/9 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Huyện đang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phấn đấu 9/9 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc tập trung các nguồn lực đầu tư, thì việc vận động người dân thực hiện các tiêu chí NTM được huyện quan tâm. Trong đó, huyện chú trọng nâng giá trị kinh tế vườn đạt bình quân mỗi ha hơn 55 triệu đồng/năm. Mỗi xã có từ 3-5 vườn mẫu để nông dân học tập, nhân rộng; diện tích trồng mới cây ăn quả như cam Nam Đông, chuối đặc sản, dứa gần 130ha và một số cây trồng khác.

Theo Văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, đến nay Thừa Thiên Huế có 73 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, đạt tỷ lệ 78%. Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 17,83 tiêu chí/xã. Có hai đơn vị cấp huyện có quyết định công nhận là thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và huyện Quảng Điền đạt chuẩn NTM.

Có được kết quả này, tỉnh đã huy động, lồng ghép và sử dụng nhiều nguồn lực, nguồn vốn một cách hiệu quả. Tính riêng giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM toàn tỉnh khoảng 6.676 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn khang trang, hỗ trợ người dân xây dựng vườn kiểu mẫu, cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập và đời sống.

Bài, ảnh: Hoàng Nam

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/long-ghep-cac-nguon-luc-xay-dung-nong-thon-moi-141676.html