Lớp học đặc biệt ở TP.HCM dành cho các bệnh nhi ung thư
Đều đặn mỗi tuần, chiều thứ sáu và sáng thứ bảy, lớp học chữ của bệnh nhi ung thư Bệnh viện Ung bướu TP.HCM lại rộn vang tiếng nói, cười. Những âm thanh khác lạ vang lên giữa chốn bệnh tật và thuốc men đang tranh giành sinh mạng con người.
Lớp học chữ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thành lập ngày 4/9/2009, xuất phát từ ước nguyện của công dân tiêu biểu Lê Thanh Thúy (năm 2008). Thúy mang trong mình căn bệnh quái ác là ung thư xương nhưng vẫn truyền khát vọng sống mãnh liệt, giúp nhiều bệnh nhân ung sống vui vẻ, vượt qua sự khắc nghiệt của số phận.
Liều "morphin" giảm đau cho tâm hồn
Lớp học đặc biệt của bệnh nhi ung thư nằm ở lầu 2, khu B, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, hoạt động ở 2 khung giờ: 13h30 - 15h30 chiều thứ 6, 7h30 - 9h30 sáng thứ 7 do cô Đinh Thị Kim Phấn phụ trách.
Lớp học có hơn 300 học sinh là bệnh nhi từ lớp 1 đến lớp 9, cùng 8 giáo viên và nhiều tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học ở TP.HCM.
Trong các buổi học, các em học sinh được học theo chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngoài ra cuối mỗi buổi học, các em còn được sinh hoạt, vui chơi cùng các cô giáo và các tình nguyện viên.
Năm học của các em bắt đầu vào bất kỳ thời điểm nào miễn là thành viên của lớp thấy vui, thấy khỏe. Vậy nên không có lễ khai giảng chung cho đầy đủ mọi người, càng không có ngày kết thúc năm học, không bàn ghế, không bảng đen phấn trắng. Ở đây, có duy nhất tình yêu con chữ của những "chiến binh nhí" đang đấu tranh từng ngày với bệnh tật giành sự sống và sự tận tình của các cô giáo tình nguyện.
7 giờ 30 phút, bệnh nhi Trần Minh Khang (5 tuổi) bước đi khập khiễng, hai tay bám víu vào người cha đến lớp học. Đôi mắt Khang ngày càng mờ đi vì khối u đang xâm lấn dần khiến thị lực mất hoàn toàn. Giờ đây, người cha là đôi mắt của em.
Lúc còn nhìn thấy, Khang mơ ước được ngắm nhìn biển khơi, được cầm cọ vẽ lại những gì thu vào tầm mắt. Suy nghĩ hồn nhiên ấy vẫn vẹn nguyên đến bây giờ dù cơ hội lấy lại ánh sáng của em ngày càng hẹp.
Ngoài Khang, gần 20 bệnh nhi khác lần lượt được ba mẹ đưa đến căn phòng sinh hoạt đặc biệt. Mỗi đứa trẻ mang trong mình một căn bệnh quái ác. Tương tự Minh Khang, Thảo Vy (7 tuổi) đến lớp cùng ống tiêm kim và bịch truyền dịch. Cô bé thều thào: "Nay con 7 tuổi, con bệnh đã 6 năm rồi".
Bên trong lớp học, nhiều chiến binh nhí đầu không tóc đến lớp cùng dây truyền dịch đang mải mê ê a con chữ, vẽ tranh, tô màu, học hát… Bên ngoài, cha mẹ các bé mắt ai cũng nhòe, ai cũng rưng rưng xúc động. Với họ, khi cho con đến đây học, được trò chuyện cùng bạn và cô giáo, họ thấy con vơi đi nỗi đau mỗi lần vô thuốc. Nó là liều "morphin" giảm đau cho tâm hồn các con.
Nơi giấc mơ được tượng hình
Ban đầu khi cơ sở vật chất chưa ổn định, cô Đinh Thị Kim Phấn đến từng giường bệnh, dạy các em cách đánh vần, học chữ. Những năm sau này, bệnh viện cải tạo một phòng bệnh, để các em có không gian học tập và vui chơi. Căn phòng ấy được đặt tên Lớp sinh hoạt. Lớp học cho bệnh nhi ung thư ra đời từ đó.
Giáo viên ở đây đều là các cô giáo hưu trí và nhiều bạn tình nguyện viên. Họ xem nơi này như một phần đặc biệt trong cuộc sống, dành những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi dịp cuối tuần để đến bên các em.
Bên trong lớp học có cả một thư viện thu nhỏ chứa đầy sách, truyện tranh. Đó là tấm lòng của nhiều nhà hảo tâm mọi miền gửi về.
Hôm nay, Kim Anh (8 tuổi) đến lớp nhưng không học viết như mọi hôm. Đôi tay yếu ớt tựa vào kệ sách, em với lấy cuốn Trạng Quỳnh đã hoen màu, rồi từ từ đọc cho Minh Khang nghe. Đôi bạn dường như đã quên đi những đau đớn của những lần xạ, hóa trị vẫn hồn nhiên cười nói.
Ở khoảng giữa của căn phòng là không gian để các cô giáo tình nguyện chỉ dạy các em đánh vần, làm toán... Những đôi tay chằng chịt vết kim tiêm đang nắn nót viết từng con chữ. Trang đầu tiên trong cuốn tập của Kim Trân (12 tuổi) là dòng chữ "Con muốn trở thành bác sĩ".
Minh Khang khều nhẹ tay chị Kim Trân nói: "Còn em chỉ muốn nhìn thấy ba mẹ và em của mình thôi".
Những bài hát đầu tiên của cuộc đời các em được bắt nhịp từ đây. Như thường lệ, học xong kiến thức, cô giáo Phấn cho các em xếp thành 3 hàng ngang chỉnh tề, lớp bắt đầu sinh hoạt múa hát. Những ánh mắt thơ ngây hướng về phía cô giáo, miệng chúm chím nhẩm theo. Cơn đau không từ bỏ bệnh nhi, đôi khi làm mặt các em co rúm lại. Có em rùng mình rồi khóc ré lên đau đớn, không khí lớp học chùng xuống.
Phía trên cao của lớp học, nơi có khoảng 200 cuốn tập của những học trò đã rời xa cuộc đời mãi mãi bắt đầu phủ lên lớp bụi thời gian. Đó là nơi cất giấu những kỉ niệm giữa cô trò, nơi mà mỗi gương mặt, nụ cười, những cái nhăn nhó mỗi khi cơn đau ập đến dày vò từng khuôn mặt đã khắc sâu vào tâm trí cô giáo Đinh Thị Kim Phấn.
"Mọi thứ tôi vẫn giữ đó như chứng minh sự hiện hữu của những cựu học sinh trong phòng này" - cô Phấn xúc động nói.
Theo Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 126.000 ca mắc bệnh ung thư, trong đó có 74% trường hợp tử vong, tương đương 94.000 ca. Đặc biệt năm 2018, nước ta có khoảng 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.0000 người đang phải chung sống với căn bệnh ung thư.
Theo thống kê, số lượng trẻ em mắc ung thư ở nước ta là 250.000 bệnh nhi. Các em từ mọi miền đổ về Hà Nội và TP.HCM để chữa bệnh, tìm cơ hội sống.
Bệnh tật ngăn cản các em đến trường, ước mơ nhỏ nhoi được chơi, được hát, được vẽ… như bao bạn cùng trang lứa bị khép lại. Lớp học cho bệnh nhi ung thư ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là một điểm sáng giúp các em có cơ hội được học chữ như bao học sinh bình thường.
Trong y học, việc kê toa khám bệnh điều trị trúng thuốc sẽ giảm đi đau đớn bệnh tật. Song, để giảm nhẹ những đớn đau cho bệnh nhi ung thư, họ cần phải có toa thuốc "hi vọng" như trên để động viên các em. Đó là liều "morphin" cho những ước mơ trong trẻo của Khang, Kim Anh, Thảo Vy... và hàng ngàn trẻ mỗi năm không may mắn khi phát hiện mắc ung thư. .