Lớp học thời kháng chiến
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tiếng cô phát thanh viên khẩn trương, gấp gáp thông báo: 'Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 50 km. Đồng bào khẩn trương xuống hầm trú ẩn'… và hình ảnh ngôi trường với những lớp học phân tán dưới lùm tre xanh được làm bằng tranh, tre, nứa, lá, tường đắp đất cao bằng đầu trẻ không chỉ ấm về mùa đông, mát về mùa hè, mà còn có tác dụng chống được mảnh bom đạn của địch, bảo vệ tính mạng thầy và trò vẫn còn hiện hữu trong tâm trí tôi như những thước phim quay chậm.
Tôi sinh ra, lớn lên khi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ của quân và dân ta đang bước vào thời kỳ ác liệt. Máy bay Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đặc biệt là trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, 12 ngày đêm giặc Mỹ huy động hàng nghìn lượt máy bay, trong đó có nhiều máy bay B52 - “Pháo đài bay bất khả xâm phạm” rải thảm hàng chục nghìn tấn bom “hòng đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá”. Các thành phố lớn Hải Phòng, Nam Định và những công trình cầu đường trọng điểm, trung tâm chính trị, kinh tế, khu công nghiệp lớn, như cầu Phủ Lý, ga Bình Lục, khu gang thép Thái Nguyên... bị máy bay Mỹ quần thảo, bắn phá suốt ngày đêm.
Quê hương tôi nằm bên dòng sông Hồng, một trong những cửa ngõ máy bay Mỹ lao vào bắn phá Hà Nội. Bố mẹ tôi bảo, khi nó bay vào, ở đây ít bị rải bom, nhưng khi bị lưới lửa phòng không dày đặc của ta bủa vây, chúng hoảng loạn vội vàng tháo chạy, trút bom bừa bãi và khi đó ở cửa ngõ mới là nguy hiểm.

Một lớp học thời kháng chiến. Ảnh tư liệu
Để tránh bom đạn giặc Mỹ, trên khắp các trục đường làng, đường ra đồng, sân trường, công sở, nhà dân, đâu đâu cũng được bố trí hầm trú ẩn (hố tăng - xê). Hai bên các trục đường, hầm trú ẩn được đào sâu gần ngập đầu người, không có mái. Còn tại các vị trí khác thường là hầm chữ A có mái ghép bằng thân cây tre chéo sòng, trên đắp đất. Sân trường được bố trí dầy đặc hầm trú ẩn như thế, nối thông nhau bằng giao thông hào từ cửa lớp. Mỗi khi có còi báo động, các thầy, cô giáo vội vàng đưa học sinh khẩn trương ra hầm trú ẩn. Tôi còn nhớ, ngày đầu tiên đưa tôi đến trường, bố mang theo mấy cây tre già để góp cùng mọi người làm những chiếc hầm chữ A trú ẩn chắc chắn.
Ngày ấy, mỗi khi đi học, chúng tôi đều được người lớn đội cho chiếc mũ bện bằng rơm để tránh mảnh bom, đạn; đồng thời khoác lên vai một túi bông băng to hơn bàn tay người lớn để đề phòng phải sơ, cấp cứu khẩn cấp. Mẹ tôi luôn dặn đi dặn lại, mỗi khi tan học, con không được la cà kẻo máy bay Mỹ chợt đến; nếu nghe tiếng còi báo động thì phải khẩn trương chạy xuống hầm trú ẩn. Nhiều hôm, mải bắt chuồn chuồn, bắt bướm bên ven đường, bỗng nghe tiếng còi báo động giục liên hồi, lũ trẻ chúng tôi tranh nhau nhảy xuống hầm, có lần đứa nọ đè lên đứa kia kêu chí chóe. Còi báo yên, chúng tôi vội trèo lên, về nhà cũng là lúc người lớn đi làm về, chuẩn bị bữa cơm chiều (quê tôi ngày ấy thường ăn cơm vào đầu giờ chiều và buổi tối). Những buổi tối nấu cơm, chị thường giao nhiệm vụ cho tôi đứng ngoài cửa bếp canh gác máy bay địch. Nếu thấy còi báo động thì gọi để chị dập lửa. Chị bảo, làm như thế để máy bay địch không nhìn thấy. Có khi nấu được bữa cơm phải tắt bếp vài ba lần, cơm bị trương lên mà vẫn chưa chín. Bên bờ ao trước nhà, dưới tán cây mít cổ thụ, bố tôi chuẩn bị hai hầm bên trên đánh đống rơm nhằm chống mảnh bom xuyên thấu. Hằng đêm, thường bố mẹ ngủ không ngon giấc, thấp thỏm canh máy bay Mỹ, mỗi khi nghe còi báo động là kịp thời giục chị em chúng tôi khẩn trương xuống hầm trú ẩn.
Giờ đây, mặc dù đã hơn 50 năm không còn nghe tiếng còi báo động ấy, song trong tâm trí tôi vẫn nhớ như in không khí cả nước sục sôi đánh Mỹ, tiếng còi báo động liên hồi và tiếng cô phát thanh viên khẩn trương, gấp gáp thông báo: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 50 km. Đồng bào khẩn trương xuống hầm trú ẩn”… Và hình ảnh người lớn khoác áo ngụy trang bằng cành lá, vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu; cuộc sống khẩn trương xen lẫn lo âu, thấp thỏm.
Chiến tranh đã lùi xa, nơi những lớp học ẩn mình dưới lùm tre xanh tránh bom Mỹ ngày ấy giờ đã mọc lên những công trình công cộng, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, hay những cây cổ thụ đâm trồi, nảy lộc, ra hoa kết trái bao mùa, góp phần làm cho khung cảnh làng quê thanh bình, cuộc sống ngày càng tươi đẹp.
Trong lớp học, những chiếc mũ rơm luôn để bên cạnh trang sách. Trên bục, thầy vừa giảng bài, vừa lắng tai nghe tiếng còi báo động. Có buổi học, thầy trò phải nhiều lần vội vàng chạy ra hầm trú ẩn, ít buổi không phải chạy máy bay. Lâu dần thành phản xạ tự nhiên, mỗi khi có còi báo động, chúng tôi lần lượt nhanh chóng chạy ra hầm. Hình ảnh ngôi trường với chi chít hầm trú ẩn, tiếng máy bay gầm rú, tiếng rốc két rít trên đầu; lưới lửa phòng không của bộ đội ta ở tứ phía lao vun vút lên bủa vây máy bay Mỹ những buổi đêm sáng rực bầu trời phía xa xa; thi thoảng có viên đạn lửa đỏ rực xé tan màn đêm lao vút lên và đặc biệt là hình ảnh những “thần sấm”, “con ma”, những “pháo đài bay B52 bất khả xâm phạm” của đế quốc Mỹ bị quân và dân ta bắn cho tan xác trên bầu trời khu vực Hà Nội, có lần rơi xuống quê tôi là những ký ức không thể nào quên.
Chúng tôi lớn lên, học tập trong không khí hào hùng của một thời đất nước sục sôi đánh Mỹ. Chiến tranh đã lùi xa, nơi những lớp học ẩn mình dưới lùm tre xanh tránh bom Mỹ ngày ấy giờ đã mọc lên những công trình công cộng, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, hay những cây cổ thụ đâm trồi, nảy lộc, ra hoa kết trái bao mùa, góp phần làm cho khung cảnh làng quê thanh bình, cuộc sống ngày càng tươi đẹp. Xa quê đã lâu, giờ mỗi lần về thăm quê, ký ức một thời học dưới mái trường tranh tre, nứa lá; dáng thầy, dáng trò khom lưng chạy ra hầm trú ẩn lại ùa về trong tôi, tạo cảm giác lâng lâng và càng thấy yêu quê hương đến nhường nào!
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/ho-so-tu-lieu/lop-hoc-thoi-khang-chien-160406.html