Lựa chọn các ngành xã hội, cơ hội việc làm sau khi ra trường sẽ ra sao?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, tỷ lệ thí sinh chọn môn Khoa học xã hội (KHXH) áp đảo với 63%, chỉ có 37% thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN).

Lựa chọn thi các môn KHXH ngày càng tăng

Việc lựa chọn các môn KHXH dường như trở thành xu thế khi mà số lượng các thí sinh lựa chọn thi ngày càng đông. Cụ thể kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, có 52% các em lựa chọn thi các môn KHXH. Con số này tăng lên là 55,3% trong mùa thi năm 2023 và tiếp tục tăng lên vượt bậc đạt ngưỡng 63% trong mùa thi năm nay 2024.

Lý giải cho điều này, rất nhiều ý kiến được đưa ra. Theo các chuyên gia giáo dục thì thí sinh có xu hướng chọn những môn KHXH dễ để dự thi bởi các môn KHTN khó và đòi hỏi phải có tư duy, năng lực.

Trao đổi với ông Trần Công Hoàn – Hiệu trưởng trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên - Nam Định) được biết:

“Ngày nay nhiều học sinh lựa chọn các môn KHXH để dự thi vì đó là cơ hội nâng điểm trung bình chung các môn thi tốt nghiệp lên cao hơn. Thực tế các môn thi thuộc khối KHTN khó đạt điểm cao như các môn KHXH. Lấy ví dụ thi trắc nghiệm các môn Sử, Địa, Công dân, học sinh đạt rất nhiều điểm 10 nhưng bài thi tự nhiên Lý, Hóa, Sinh điểm 10 sẽ rất ít”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, các thí sinh lựa chọn môn Khoa học xã hội (KHXH) áp đảo với 63%, chỉ có 37% em chọn bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) (Ảnh minh họa)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, các thí sinh lựa chọn môn Khoa học xã hội (KHXH) áp đảo với 63%, chỉ có 37% em chọn bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, về lâu dài, ông Hoàn cho rằng có thể dẫn đến việc thiếu hụt nhân lực cho các nhóm ngành khoa học cơ bản do các em lựa chọn các môn thi thuộc KHXH ngày một nhiều. Vì thế đây cũng là điểm cần hết sức lưu ý.

Trao đổi với báo chí trước đó, bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) lại cho rằng ít học sinh lựa chọn các môn tự nhiên để thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH là điều cần tính toán và có giải pháp từ gốc rễ.

Chương trình giáo dục phổ thông mới dạy học tích hợp từ bậc THCS, trong đó các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học được tích hợp thành một môn. Tuy nhiên, sự bất cập nằm ở chỗ, chưa đào tạo bài bản giáo viên đã đưa vào dạy học tích hợp dẫn đến lúng túng, vướng mắc.

Học sinh không được dạy một cách bài bản, có sự yêu thích, đảm bảo kiến thức nền tảng các môn học tự nhiên ở bậc học dưới khi lên THPT cũng rất khó khăn để lựa chọn các môn này để theo học nên xu hướng chọn môn tự nhiên giảm, trong khi đó, chọn các môn xã hội thuận lợi hơn.

Cơ hội việc làm các ngành KHXH ra sao sau khi ra trường?

Triển vọng nghề nghiệp đối với sinh viên xã hội học sẽ khác nhau tùy thuộc vào chức danh và vị trí công việc cụ thể. Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), mức tăng trưởng việc làm đối với vị trí nhà xã hội học từ năm 2019 - 2029 có thể đạt mức 4%. BLS cũng dự kiến mức tăng trưởng việc làm 6% cho các nhà khoa học chính trị và tăng trưởng việc làm 9% cho vị trí giáo sư trong giai đoạn này.

Mức lương trung bình hàng năm cho công việc liên quan đến ngành xã hội học ở Hoa Kỳ là 59.361 USD/năm. Theo BLS, nhà khoa học chính trị là một trong những vị trí được trả lương cao nhất cho sinh viên tốt nghiệp bằng xã hội học, trung bình hàng năm là 122.220 USD.

Lĩnh vực xã hội học gồm nhiều chủ đề với các phạm trù khác nhau. Tùy từng trường đại học sẽ có khối thi xét tuyển riêng với ngành Xã hội học, phù hợp tiêu chí tuyển sinh riêng.

Xã hội học được nhiều nước trên thế giới đánh giá tích cực bởi tiềm năng trong thị trường việc làm hiện nay. Ngành học này đang được nhiều trường ở nước ta đào tạo, với cơ hội việc làm rộng mở.

Xã hội học là lĩnh vực nghiên cứu về các mối quan hệ trong xã hội và thể chế của con người. Bằng cách áp dụng các phương pháp nghiên cứu, phân tích, thí nghiệm và đánh giá, ngành này giúp mọi người hiểu rõ hơn về tổ chức của xã hội, những biến đổi và vấn đề xã hội hiện tại.

Tân cử nhân ngành Xã hội học sau khi ra trường có thể đảm nhận nhiều vị trí việc làm khác nhau

Tân cử nhân ngành Xã hội học sau khi ra trường có thể đảm nhận nhiều vị trí việc làm khác nhau

Tân cử nhân ngành Xã hội học sau khi ra trường có thể đảm nhận nhiều vị trí việc làm khác nhau như: phóng viên, chuyên viên tổ chức sự kiện, truyền thông, tư vấn, nghiên cứu thị trường, quản trị các dự án xã hội, chuyên viên quản trị nhân sự, giảng viên các ngành/chuyên ngành học liên quan.

Với những công việc trên, bạn có thể ứng tuyển vào các trung tâm nghiên cứu, tổ chức và doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội, tổ chức phi chính phủ, các quỹ từ thiện vì cộng đồng... đều cần đến vị trí việc làm của ngành xã hội học trong cơ cấu tổ chức.

Dưới đây là một số tổ hợp môn phổ biến đang được nhiều trường sử dụng để xét tuyển ngành học này, bạn có thể tham khảo thêm để đưa ra cho mình sự lựa chọn phù hợp nhất.

A00: Toán, Vật lý, Hóa học

A01: Toán, Vật lý, tiếng Anh

C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý

C19: Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân

D01: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh

D14: Ngữ văn, Lịch sử, tiếng Anh

Với các môn thuộc KHXH, thí sinh có thể tham khảo thông tin tuyển sinh của một số trường như: trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Lao động Xã hội, trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), trường Đại học Mở TP.HCM, trường Đại học Cần Thơ, Học viện Báo chí và Tuyền truyền, trường Đại học Công đoàn, trường Đại học Mở Hà Nội.

Hưng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lua-chon-cac-nganh-xa-hoi-co-hoi-viec-lam-sau-khi-ra-truong-se-ra-sao-d218062.html