Lựa chọn 'cuộc sống xanh' giữa lòng thành phố

Chỉ trong vòng 2 năm, tiệm tạp hóa của chị Hồ Hoàng Oanh (37 tuổi, trú tại đường Bà Huyện Thanh Quan, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) đã cắt giảm được gần 11 ngàn sản phẩm nhựa, túi nilon sử dụng một lần. Thông điệp 'cùng chung tay bảo vệ môi trường bắt đầu từ hành động nhỏ nhất' của cô chủ tiệm tạp hóa No waste to go đã được nhiều khách hàng ủng hộ bằng việc tới mua sắm 'không rác thải' và lan tỏa đến những người xung quanh...

Khách hàng quen thuộc của cửa tiệm tạp hóa No waste to go. Ảnh: Trúc Hà

Khách hàng quen thuộc của cửa tiệm tạp hóa No waste to go. Ảnh: Trúc Hà

Những khách hàng đặc biệt

Tấm biển cửa tiệm tạp hóa No waste to go (tạm dịch: Không rác thải) được chủ nhân Hồ Hoàng Oanh viết chân phương trên tấm biển gỗ nhỏ gắn ngay trên chiếc cổng ra vào. Rất khó để nhận ra nơi này bán tạp hóa nếu không chú ý hoặc đã biết từ trước thông qua trang facebook của cửa tiệm. Thế nhưng, cửa hàng thường ngày vẫn có rất nhiều khách hàng ghé thăm, mua sắm. Một điểm đặc biệt là khách đến cửa tiệm đều chủ động mang theo chai, lọ, túi của riêng mình. Đến mua hàng từ sớm, chị Nguyễn Thanh Hiền ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Nhà tôi cách tiệm gần 5km. Tôi biết cửa tiệm thông qua bạn bè và mạng xã hội. Ở đây có nhiều thực phẩm và đồ dùng cần thiết cho gia đình nên tôi đến mua mỗi tuần. Tôi thích nhất là phong cách bảo vệ môi trường của chị chủ tiệm. Thực ra, nhà mình có rất nhiều chai lọ, đồ dùng, nếu mình chịu khó mang đến đựng thực phẩm mua mang về thì sẽ hạn chế được rất nhiều rác thải”.

Đến từ quận Liêu Chiểu, cách cửa tiệm No waste to go tới 20km, chị Diệu Linh chia sẻ: “Tôi từng tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, nhặt rác ở bãi biển nên tôi hiểu, mỗi người chỉ cần thải ra một túi nilon hay một chai nhựa thôi là đã quá ô nhiễm rồi. Tôi đến cửa tiệm này mua sắm phần vì muốn góp phần bảo vệ môi trường sống, phần khác vì giá cả hợp lý và cửa tiệm bài trí rất đẹp, sạch sẽ. Khi mình muốn mua mặt hàng gì đó nhiều một chút đều được chủ tiệm khuyên nên mua đủ dùng để hạn chế gánh nặng môi trường trong trường hợp mình dùng không hết, thải ra thành rác”. “Còn tôi đến đây vì muốn ủng hộ tinh thần bảo vệ môi trường của cô gái Việt Nam này” - anh David, một công dân ngoại quốc sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng chia sẻ lí do mình đến với No waste to go.

Theo chị Hoàng Oanh, cũng không dễ để hình thành nên một thói quen cho người tiêu dùng. Ngay cả bản thân chị, ban đầu cũng phải làm quen dần dần. Những ngày đầu tiên khi mở cửa tiệm, việc thuyết phục khách hàng "tiêu dùng xanh" cũng mất khá nhiều công sức. Chị đã phải suy nghĩ thật kĩ cách nói làm sao cho thuyết phục để thu hút được sự quan tâm của mọi người. Điều quan trọng nữa là phải đọc, tìm tòi tích lũy nhiều kiến thức và kiên nhẫn từng chút tạo ra sự khác biệt để có thể thuyết phục người khác thay đổi.

Lan tỏa "tinh thần sống xanh”

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nghe các bài giảng của thầy cô giáo về hiện trạng môi trường, chị Oanh đã rất trăn trở, thế nhưng, khi đó còn nhỏ tuổi nên mọi thứ vẫn chỉ tồn tại ở “dự dịnh”. Khi du học ở Singapore - một đất nước được đánh giá rất cao về bảo vệ môi trường, chị lại càng kiên định với ý tưởng của mình. Chị tự thấy mình phải hạn chế rác thải, đi xe bus thay vì xe gắn máy và tham gia nhiều hoạt động, dự án vì môi trường. “Mình luôn mong muốn tối giản mọi thứ trong cuộc sống để làm sao thải ra lượng rác nhựa ít nhất có thể. Bởi vì chỉ cần mỗi người thải một túi nilon bé thôi là trái đất đủ gánh nặng ô nhiễm đến thế nào rồi” - chị Oanh bộc bạch.

Chị Hồ Hoàng Oanh mở cửa tiệm tạp hóa với mong muốn lan tỏa “tinh thần sống xanh”. Ảnh: Trúc Hà

Chị Hồ Hoàng Oanh mở cửa tiệm tạp hóa với mong muốn lan tỏa “tinh thần sống xanh”. Ảnh: Trúc Hà

Năm 2019, chị Oanh quyết định sáng lập mô hình cửa tiệm tạp hóa No waste to go với 3 từ khóa: “làm đầy”, “tái sử dụng” và “tái chế” với mong muốn tình yêu và hành động vì môi trường của mình sẽ góp phần nhỏ lan tỏa đến mọi người. “Mô hình tiệm bán hàng không rác thải nhựa có ở nhiều nước trên thế giới, ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng có vài cửa tiệm, nhưng ở thành phố Đà Nẵng vẫn là mô hình hiếm nên mình quyết định thực hiện niềm mong ước này” - chị Oanh cho biết. Cái gì bắt đầu cũng khó và khổ, nhưng chị Oanh vẫn kiên trì thực hiện. Học chuyên ngành về công nghệ thực phẩm nên các mặt hàng bày bán trong cửa tiệm của chị đều được chọn lọc kĩ càng. Chị luôn ưu tiên các mặt hàng nông sản, sản phẩm hữu cơ có tính vùng miền trước để giảm bớt khí thải nếu vận chuyển đường xa.

Cửa tiệm của chị cũng đa dạng các mặt hàng với hơn 400 loại, bao gồm các sản phẩm sạch từ thực phẩm khô, gia vị, nước rửa chén, lau sàn, dầu gội, tinh dầu... Với các mặt hàng nhập về, chị luôn yêu cầu các đơn vị phận phối hạn chế tối đa bao bì đi kèm. Chị Oanh bảo, hiện nay, các hệ thống mua sắm hiện đại thường khuyến khích mọi người mua nhiều hơn nhu cầu của họ bằng việc tung ra nhiều khuyến mãi. Điều này khiến việc thải ra ngày càng nhiều, làm mất cân bằng sinh thái. Chị đã đưa ra phương án bằng cách khuyên mọi người mua sắm ít và quay trở lại khi cần để tránh tiêu dùng thái quá. Chính những điều này đã khiến khách hàng tò mò rồi nhận ra điều thiết thực từ lời khuyên của cô chủ tiệm vô cùng dễ thương.

“Mục tiêu của tôi là lan tỏa và mở rộng thói quen tiêu dùng vì môi trường cho tất cả mọi người. Khi việc bảo vệ môi trường được hình thành trong mỗi người, mỗi nhà và ai cũng hành động như một điều bình thường hàng ngày, nhiều cửa tiệm No waste to go hình thành khắp nơi thì sẽ góp phần giảm bớt nạn ô nhiễm của trái đất” - chị Oanh cho biết.

Từ những bỡ ngỡ ban đầu, dần dần, một thói quen được hình thành, đến nay, khách tới tiệm luôn mang theo chai lọ, bao bì chuyên dùng của mình. “4 tháng đầu tiên, cửa tiệm chỉ đón vài vị khách lẻ tẻ. Hơi buồn nhưng mình vẫn kiên trì, bởi "sống xanh" trước hết là từ nhu cầu bản thân và gia đình rồi mới lan tỏa đến mọi người. Thế rồi, năm đầu tiên, cửa tiệm cũng hạn chế được khoảng hơn 4 ngàn chai nhựa, túi nilon dùng một lần. Đến năm thứ 2, con số đó tăng lên khoảng gần 11 ngàn sản phẩm nhựa. Đó là con số dựa trên lượt khách đến mua hàng để ước tính” - chị Oanh thông tin.

Cửa tiệm của chị còn dành hẳn một góc tái chế để thu nhận các loại chai lọ, sách, quần áo cũ... Chị sắp xếp gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ sau khi nhận, phơi khô và để lên kệ ngăn nắp. Khách hàng đến mua sắm cần cái gì sẽ lấy cái đó. Chị Oanh cũng sẵn sàng đón nhận đồ cũ của khách để “người nào cần sẽ lấy”. Việc luân chuyển, tái chế này giúp hạn chế rác và kéo dài vòng đời có ích cho các vật dụng.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lua-chon-cuoc-song-xanh-giua-long-thanh-pho-post468585.html