Lựa chọn giới tính khi sinh vì sao vẫn tồn tại dai dẳng?

Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong xã hội. Vậy đâu là nguyên nhân?

Sự ưa thích con trai chính là biểu hiện rõ ràng của bất bình đẳng giới

Lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới là một thực hành có hại và tồn tại dai dẳng trong xã hội. Đây được coi là nguyên nhân chính gây mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, so với tỷ số "tự nhiên" là 105-106 bé trai trên 100 bé gái.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời vì giới tính của mình.

Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 của UNFPA ước tính, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời vì giới tính của mình. Tình trạng này xảy ra là do tâm lý ưa thích con trai, tư tưởng "trọng nam khinh nữ", vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người dân Việt Nam.

Sự ưa thích con trai chính là biểu hiện rõ ràng của bất bình đẳng giới. TSGTKS đang tăng lên cho thấy chúng ta cần phải có nhận thức đầy đủ và thực hiện các ngay các biện pháp mang tính bền vững để hạn chế tình trạng đáng báo động này.

Mỗi sinh linh được hiện diện trên cõi đời đều có quyền được đối xử công bằng và có quyền được chào đón hân hoan từ thế giới loài người.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Khoa học Ứng dụng về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)

3 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn giới tính thai nhi

Ở Việt Nam, chế độ phụ hệ và phong tục cư trú bên nội thường dẫn đến sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới trong gia đình, trong đó bao gồm tâm lý ưa thích con trai. Chế độ phụ hệ là hệ thống gia đình trong đó sự duy trì các thế hệ sau phụ thuộc vào người nam giới, mọi người tin rằng chỉ có con trai mới có thể duy trì dòng họ.

Phong tục "cư trú bên nội" là việc các cặp vợ chồng về ở cùng hoặc ở gần gia đình của người chồng, trong khi người vợ phải rời gia đình bố mẹ đẻ sau khi kết hôn. Theo chế độ phụ hệ và phong tục cư trú bên nội, những người con trai lớn trong gia đình thường có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già, thường ở cùng nhà với cha mẹ ruột, và con trai thường thừa kế từ cha mẹ nhiều hơn so với con gái.

Trái lại, trong hệ thống lưỡng hệ, con trai và con gái trong gia đình được đối xử bình đẳng hơn. Tầm quan trọng của các hệ thống quan hệ gia đình có thể được minh họa thông qua những so sánh giữa Việt Nam và các nước láng giềng Đông Nam Á. Ở Thái Lan, Campuchia và Lào, mô hình lưỡng hệ phổ biến hơn: người dân theo mô hình này cho rằng dòng họ gia đình có thể được duy trì qua con gái hoặc con trai; và bố mẹ có thể ở cùng và để lại tài sản cho cả con trai và con gái. Đặc biệt ở Thái Lan, Campuchia và Lào, TSGTKS rất gần con số 105 – đây là TSGTKS ở mức sinh học bình thường.

Trong khi tâm lý ưa thích con trai đã có lịch sử lâu dài ở Việt Nam, việc tiếp cận kỹ thuật mới để lựa chọn giới tính gia tăng mạnh mẽ trong thập kỷ vừa qua. Hầu hết người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ siêu âm, phá thai với mục đích lựa chọn giới tính với giá cả phải chăng.

Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã tăng cường khung pháp lý để giải quyết sự gia tăng mất cân bằng TSGTKS (đã có các quy định cấm xác định giới tính thai nhi và tất cả các hình thức lựa chọn giới tính nhằm đưa TSGTKS trở lại mức sinh học bình thường vào năm 2025), các ông bố, bà mẹ tương lai vẫn có thể dễ dàng có được thông tin về giới tính thai nhi. Do vậy, thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở giới - được thực hiện thông qua siêu âm kết hợp với phá thai - vẫn đang tiếp tục diễn ra ở Việt Nam...

Vì vậy, chúng ta cần hành động giải quyết vấn đề này qua việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ, đặc biệt là các chuẩn mực thiên lệch về giới. Mỗi người trong chúng ta đều đóng một vai trò quan trọng có thể tạo ra sự thay đổi trong xã hội để góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững "không để ai bị bỏ lại phía sau."

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Lê An

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//lua-chon-gioi-tinh-khi-sinh-vi-sao-van-ton-tai-dai-dang-16921112520544436.htm