Lựa chọn tổ hợp và chuyên đề học tập rất quan trọng với học sinh vào lớp 10

Nếu lựa chọn đúng, các em sẽ phát huy được sở trường học tập của mình, nếu lựa chọn không phù hợp, sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập sau này.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực.

Theo đó, chương trình 2018 được chia 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Trong đó, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp rất khác so với chương trình 2006 trước đây.

Khi học sinh bước vào lớp 10- giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, ngoài các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, các em sẽ phải chọn các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập. Việc lựa chọn môn học sẽ đóng vai trò quan trọng cho định hướng nghề nghiệp của mình sau này.

Nếu lựa chọn đúng, các em sẽ phát huy được sở trường học tập của mình, nếu lựa chọn không phù hợp, các em sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập sau này. Việc đổi môn lựa chọn khác cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải bổ sung kiến thức môn học đó ở lớp dưới.

 Kế hoạch lựa chọn môn học của một trường trung học phổ thông (Ảnh: L.V.M.)

Kế hoạch lựa chọn môn học của một trường trung học phổ thông (Ảnh: L.V.M.)

Học sinh cần cân nhắc khi lựa chọn môn học và chuyên đề học tập ở bậc trung học phổ thông

Hiện nay, học sinh cấp trung học phổ thông có 8 môn bắt buộc, bao gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Đối với các môn học lựa chọn, học sinh chọn 4 môn học, trong số các môn học sau: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Ngoài ra, học sinh còn lựa chọn thêm một số chuyên đề học tập.

Trong 9 môn học lựa chọn hiện nay, có 2 môn là Âm nhạc và Mĩ thuật phần lớn vẫn chưa được xếp vào tổ hợp vì nhiều trường chưa có giáo viên. Các môn học còn lại: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học đang được các nhà trường cho học sinh lựa chọn.

Nhưng, phần nhiều các trường trung học phổ thông đã xếp sẵn nhóm tổ hợp và chuyên đề học tập cho học sinh lựa chọn và dựa trên một số tiêu chí cụ thể.

Bởi, các trường phải căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để xây dựng các tổ hợp môn cho phù hợp với thực tế nhà trường và không phát sinh thêm kinh phí chi trả cho giáo viên.

Thông thường, những học sinh mới đậu vào lớp 10 sẽ bỡ ngỡ khi phải lựa chọn môn vì những năm cấp trung học cơ sở thì các em đều học những môn học bắt buộc giống nhau, không sắp xếp theo tổ hợp. Vì thế, không ít em sẽ lựa chọn môn theo bạn bè mà nên sẽ gặp khó khăn khi học tập và lựa chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Học sinh được lựa chọn lại môn nhưng sẽ khó khăn khi bổ sung kiến thức

Việc chọn các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập ở lớp 10 nếu cảm thấy không phù hợp trong học tập và định hướng nghề nghiệp sau này, học sinh có thể đổi sang môn học khác khi kết thúc lớp 10.

Bởi, theo hướng dẫn của Công văn 68/BGDĐT-GDTrH năm 2023, trong trường hợp đặc biệt, học sinh trung học phổ thông có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì vẫn có thể thực hiện và nhà trường sẽ tạo điều kiện cho học sinh.

Tại Mục 2, Mục 3 Công văn 68/BGDĐT-GDTrH năm 2023 có quy định như sau:

“Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo”.

Tuy nhiên, việc đổi môn ở những năm học sau sẽ khiến cho học sinh nhiều áp lực vì phải bổ sung kiến thức, kiểm tra lại kiến thức của môn học mà mình sẽ đổi ở năm học vừa qua là điều không đơn giản.

Hơn nữa, khi đổi được rồi việc học môn học mới ở một lớp khác có thể gặp khó khăn trong việc bố trí lịch học và làm quen với bạn bè mới ở lớp học khác. Việc di chuyển lịch học cũng là một vấn đề khó khăn cho học sinh.

Chính vì vậy, khi học sinh đậu lớp 10 thì việc đầu tiên là phụ huynh và học sinh phải có sự bàn bạc, tính toán cho nghề nghiệp sau này. Đặc biệt phải thật tỉnh táo trong việc lựa chọn nhóm tổ hợp phù hợp ở cấp trung học học phổ thông.

Việc lựa chọn tổ hợp liên quan đến quá trình học tập và chọn ngành nghề, lĩnh vực nghề nghiệp mà học sinh muốn theo đuổi sau này.

Thực ra, việc lựa chọn tổ hợp ở lớp 10 hiện nay chắc chắn học sinh không thể nào lựa chọn được tất cả các môn học mình yêu thích vì đa phần các trường xây dựng sẵn từng tổ hợp cho học sinh lựa chọn nhóm tổ hợp mà thôi.

Thông thường, nhà trường sẽ đan xen các môn học tự nhiên với các môn học xã hội trong nhóm các môn học lựa chọn và kết hợp với các môn học bắt buộc để học sinh thuận lợi cho việc xét tuyển đại học theo các khối xét tuyển sau này.

Song, lựa chọn được nhóm tổ hợp (4 môn) và chuyên đề học tập mà trong đó có khoảng 2-3 môn, cùng với 1 chuyên đề đúng sở trường, sở thích cũng đã là một thành công của học sinh trong quá trình học tập.

Có được nhiều môn lựa chọn mà học sinh yêu thích thì các em sẽ thuận lợi và bớt đi áp lực trong quá trình học tập ở cấp trung học phổ thông. Sau 3 năm học tập, các em cũng thuận lợi trong việc thi tốt nghiệp (2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn) và xét tuyển đại học theo đúng khả năng của mình.

Chính vì những điểm mới khi học sinh bước vào cấp trung học phổ thông trong việc chọn môn học lựa chọn nên phụ huynh và học sinh cần cân nhắc kĩ lưỡng. Việc này, các trường học sẽ có những tư vấn và gửi kế hoạch xếp tổ hợp môn đến học sinh và phụ huynh.

Nhưng, trong những trường hợp, có những tổ hợp môn có nhiều học sinh cùng đăng ký, bắt buộc một số em có ít ưu tiên hơn phải chọn sang tổ hợp khác. Vì vậy, học sinh và phụ huynh không nên chọn ngẫu hứng mà phải có sự tính toán cho cả một chặng đường dài để sau này thuận lợi trong học tập và xét tuyển đại học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lua-chon-to-hop-va-chuyen-de-hoc-tap-rat-quan-trong-voi-hoc-sinh-vao-lop-10-post252667.gd