Lừa đảo trực tuyến gia tăng, ĐBQH đề nghị có giải pháp mạnh

Ngày 21/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của TANDTC, Viện KSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Phát biểu ý kiến, ĐBQH Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nhận thấy tình hình tội phạm trên không gian mạng còn nhiều diễn biến phức tạp với phương thức tinh vi, nguy hiểm. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tập trung tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn.

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cơ bản thống nhất với nhiều nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Theo đó, những khó khăn về kinh tế xã hội sau hơn 2 năm trải qua đại dịch COVID-19 nhất là về đời sống việc làm thu nhập của một bộ phận người dân. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra.

Đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về việc xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn tội phạm mới, nhất là tội phạm trên không gian mạng; số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet được phát hiện gia tăng.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước.

Trong khi đó, ĐBQH Phạm Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhận định, dù có nhiều cố gắng nhưng tội phạm có xu hướng gia tăng cả về số vụ, số người chết, thiệt hại gây ra.

Đáng lưu ý, trong năm 2023, có những vụ án liên quan đến tội giết người, nảy sinh từ những mâu thuẫn trong gia đình, để lại nhiều bất an trong nhân dân. Tội phạm lừa đảo, chiếm đạt tài sản qua mạng internet, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật, đe dọa yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt vẫn còn diễn biến phức tạp. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các bộ ngành hữu quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có các giải pháp phù hợp, mạnh mẽ, quyết liệt để khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Phạm Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Đại biểu Phạm Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Cùng chung nỗi lo lắng này, ĐBQH Hoàng Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đề nghị cần có biện pháp hiệu quả để phòng ngừa tình trạng lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tiền của người dân, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đại biểu, đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội và các phương tiện công nghệ để thực hiện lừa đảo cũng đang ngày một gia tăng. Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, đổi mới phương thức cảnh báo hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân biết và chủ động hơn trong việc đấu tranh với tội phạm.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bày tỏ lo lắng trước việc năm 2023 số vụ vi phạm về trật tự xã hội tăng và tăng số người chết, số người bị thương, tăng thiệt hại về tài sản. Nhóm tội phạm phức tạp trở lại như cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em, nhất là tội phạm giết người do mâu thuẫn, mâu thuẫn vay nợ, tranh chấp đất đai, tài sản, một số vụ do người tâm thần, người nghiện ma túy gây án.

Theo đại biểu, hiện nay với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, mức độ lan tỏa thông tin đã biến đổi mạnh mẽ, việc khai thác các tình tiết ly kỳ, chi tiết của từng vụ án nhằm thu hút người xem đã tạo ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, hành vi của người tiếp cận thông tin.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, phân tích đánh giá sâu hơn các nguyên nhân đối với nhóm tội phạm trên không gian mạng. Trong đó phân tích các nguyên nhân liên quan đến vấn đề về giáo dục, sự ảnh hưởng tiêu cực của bùng nổ thông tin, sai lệch nhận thức cần được phân tích làm rõ và đưa ra giải pháp căn cơ.

Bên cạnh đó là cách tiếp cận, sàng lọc thông tin; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý các hoạt động trên không gian mạng… Từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lua-dao-truc-tuyen-gia-tang-dbqh-de-nghi-co-giai-phap-manh-169231121134741195.htm