Luật Cạnh tranh: Doanh nhân Việt khóc trên sân nhà
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: 'Sau 12 năm thực thi thì tác động của Luật Cạnh tranh ở nước ta rất mờ nhạt'.
Sáng 15-11, Quốc hội (QH) thảo luận về dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) bởi sau 12 năm thi hành, nhiều vấn đề bất cập đã lộ rõ. Các đại biểu (ĐB) đã chỉ ra những bất cập ấy và cảnh báo tình trạng Việt Nam đang thua khi cạnh tranh trên sân nhà.
Những vô lý đến kỳ lạ
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), được Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển “ưu tiên” mời phát biểu về dự luật này.
“Luật Cạnh tranh là nền tảng vận hành của nền kinh tế thị trường. Người ta cũng rất có lý khi nói rằng đó là bản hiến pháp của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sau 12 năm thực thi thì tác động của Luật Cạnh tranh ở nước ta rất mờ nhạt” - ĐB Lộc mở đầu phần phát biểu.
Theo ông Lộc, 12 năm từ khi có Luật Cạnh tranh, mới có tám vụ điều tra chính thức trong khi môi trường kinh doanh ở Việt Nam thì “người lạc quan nhất cũng không thể nói rằng cạnh tranh hoàn hảo”.
“Thị trường thỉnh thoảng lại chứng kiến những sự kiện vô lý đến kỳ lạ: Giá xăng giảm nhưng giá vận tải không giảm, giá sữa cứ tăng trong khi giá nguyên liệu không tăng. Cơ quan nhà nước loay hoay tìm kiếm các giải pháp hành chính can thiệp nhưng không nổi, vấn đề cạnh tranh nhưng không ai nói đến pháp luật về cạnh tranh” - ông Lộc nói.
Cụ thể hơn, ông Lộc liệt kê cơ quan nhà nước có thể vô tư ra lệnh cấm bán cát cho khách ngoại tỉnh, yêu cầu uống bia nội tỉnh, nông dân phải dùng thuốc trừ sâu tỉnh nhà… “Những quyết định hành chính như vậy đã can thiệp trực tiếp vào cung cầu và ít các cơ quan khi ban hành một quyết định hành chính như vậy lại có tính toán gì đến góc độ là quyết định đó ảnh hưởng như thế nào đến cạnh tranh” - ông Lộc nói.
Nguy cơ mất chủ quyền ngay trên sân nhà
Góp ý cho dự luật, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho hay vừa qua có nhiều cử tri, nhất là doanh nghiệp quốc nội, phản ánh nhiều bất hợp lý, muốn được Chính phủ, QH quan tâm, giải quyết thông qua Luật Cạnh tranh. Đó là trong khi hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam vất vả để giành chỗ đứng trên thị trường nước ngoài thì cũng đang phải đấu tranh gian khổ trên thị trường trong nước trước sức ép của các nhà đầu tư, tập đoàn bán buôn, bán lẻ và các nhà cung ứng nước ngoài.
“Chúng ta không kỳ thị các doanh nghiệp nước ngoài mà sẵn sàng đối xử tốt với từng quốc gia tuân thủ rào cản kỹ thuật. Nhưng điều quan trọng là hàng trăm tỉ USD xuất khẩu mỗi năm, hàng trăm tỉ USD đầu tư trực tiếp và hàng trăm tỉ USD đầu tư gián tiếp trong 20 năm qua đã mang lại gì cho nội lực của Việt Nam?” - ông Nghĩa đặt vấn đề.
ĐB này dẫn nhiều tài liệu nghiên cứu cho biết các chuyên gia và cơ quan nhà nước đã chỉ rõ chúng ta mất nhiều tài nguyên, thuế, lao động giá rẻ và đất cát cho các doanh nghiệp nước ngoài nhưng kết quả mang lại không tương xứng. “Nhiều doanh nhân Việt Nam rơi nước mắt khi bị mất chủ quyền ngay trên quê hương mình, ngay cả khi được nước ngoài mua lại với giá ba đời ăn không hết. Thật đau lòng khi con em chúng ta thuộc nhạc ngoại, mê phim ngoại, thần tượng diễn viên, ca sĩ ngoại, ăn uống theo cung cách ngoại nhưng lại không biết các kiến thức cơ bản về đất nước” - ông Nghĩa nói.
“Khởi đầu là kinh tế, sau đó đến văn hóa, y tế, giáo dục…, chủ quyền của chúng ta bị xâm hại từng bước và mức độ ngày càng nghiêm trọng ngay trên chính quê hương mình. Nên chỉ Luật Cạnh tranh không thể giải quyết được mà cần các luật pháp khác và đồng bộ các chính sách. Song Luật Cạnh tranh cần tăng cường nội lực của Việt Nam” - ông Nghĩa nói và nhấn mạnh “cần có những giải pháp đột phá, cấp bách trước khi không thể cứu vãn được nữa”.
Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/luat-canh-tranh-doanh-nhan-viet-khoc-tren-san-nha-739861.html