Luật Cảnh vệ (sửa đổi): Bảo đảm khoa học, thống nhất và phù hợp với thực tiễn

Cơ quan soạn thảo đã rà soát toàn bộ dự thảo Luật để chỉnh lý các điều Luật bảo đảm khoa học, thống nhất và phù hợp với thực tiễn trước khi trình Quốc hội bấm nút thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, khai mạc vào ngày mai (20/5).

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình một kỳ họp. Thời gian qua, cơ quan soạn thảo đã nhận được những ý kiến khác nhau về một số nội dung được sửa đổi trong dự án Luật này.

Cần áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết

Tại các phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ trong thời gian qua, một số vị đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến đóng góp về điểm h khoản 3 Điều 1 “Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định của Luật Cảnh vệ”. Các vị đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ “Các trường hợp cấp thiết” ngay trong Luật này để tránh việc áp dụng tùy nghi, thiếu thống nhất.

Giải trình về ý kiến trên, Cơ quan soạn thảo cho biết, công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Điển hình như vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 08/7/2022 khi đang phát biểu tại một sự kiện chính trị tại thành phố Nara, hay kế hoạch ám sát Tổng thống Venezuela và các quan chức chính quyền vào quý I/2024, thực hiện bởi 15 đối tượng đặt dưới sự điều phối, kết nối của Giám đốc một tổ chức phi Chính phủ tại Venezuela hoạt động theo kiểu gián điệp, các đối tượng đã bị bắt giữ vào ngày 19/02/2024 và nhiều vụ tấn công, ám sát vào lãnh đạo cấp cao của các nước trên thế giới.

Ngoài việc bảo đảm an ninh an toàn đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ còn phục vụ tích cực cho công tác đối ngoại, hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với bạn bè quốc tế; do đó cần thiết bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết. Việc này nhằm kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra, hoặc theo đề nghị của các Bộ, Ban, ngành, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.

Lực lượng Cảnh vệ Việt Nam tham gia đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9/2023

Lực lượng Cảnh vệ Việt Nam tham gia đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9/2023

Thực tế áp dụng Luật Cảnh vệ từ năm 2017 đến thời điểm hiện tại đã triển khai công tác cảnh vệ đối với 57 đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Điều 10 của Luật Cảnh vệ hoặc đối với bảo vệ trụ sở cơ quan, như trụ sở các Ủy Ban của Quốc hội tại 22 Hùng Vương, trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại 46 Tràng Thi.

Gần đây, Bộ Công an đã nâng cấp triển khai công tác cảnh vệ đối với 03 đêm lưu diễn của nhóm Black Pink tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, họ đã bán vé mỗi đêm hơn 30.000 người tham dự. Mặc dù họ không đề nghị nhưng ta phải chủ động các phương tiện soi chiếu đảm bảo an ninh để bảo vệ sự kiện này, đồng thời cũng để bảo đảm an ninh, an toàn và trật tự an toàn xã hội. Việc áp dụng biện pháp cảnh vệ trong các trường hợp trên phù hợp với khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp.

Cơ quan soạn thảo cho biết, thực tiễn thực hiện thời gian qua chưa xảy ra vấn đề gì lạm quyền và người quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với các trường hợp trên và chịu trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ Công an; do vậy cần được cụ thể trong Luật để đảm bảo hành lang pháp lý trong thực hiện nhiệm vụ.

Việc thực hiện nhiệm vụ này không phát sinh biên chế hoặc nguồn lực tài chính vì thực tế đã và đang được thực hiện trên cơ sở biên chế hiện có và tài chính hiện tại.

Còn về việc sửa đổi quy định hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ (điểm e, khoản 3, Điều 1), có một số ý kiến đề nghị, đối với đối tượng cảnh vệ là “đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức” cũng cần thu hẹp theo hướng chỉ khi có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự.

Ngoài bảo đảm an ninh an toàn đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ còn phục vụ tích cực cho công tác đối ngoại

Ngoài bảo đảm an ninh an toàn đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ còn phục vụ tích cực cho công tác đối ngoại

Ý kiến khác đề nghị giữ nguyên các đối tượng cảnh vệ trên như quy định hiện hành, trong trường hợp cần thiết thì có thể bổ sung lực lượng, phương tiện thực hiện công tác cảnh vệ.

Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo cho biết, nội dung trên là một trong các chính sách đã được thông qua trong lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên như quy định tại dự thảo Luật để đảm bảo phù hợp với thực tiễn triển khai thực hiện công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện thực hiện công tác cảnh vệ, tạo điều kiện để tập trung thực hiện tốt hơn công tác cảnh vệ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, thống nhất với quy định của Hiến pháp, phù hợp điều kiện an ninh, trật tự ở nước ta.

Việc sửa đổi, bổ sung không gây chồng chéo, phát sinh thủ tục hành chính

Thời gian qua, cũng có một số ý kiến đề nghị cân nhắc nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ là “huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND và lực lượng khác tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ” và nhiệm vụ “Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ phục vụ nhiệm vụ cảnh vệ” để tránh trùng lặp với nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động đã được quy định trong Luật Cảnh sát cơ động.

Về vấn đề này, Cơ quan soạn thảo cho biết, Cảnh vệ là lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm tuyệt đối an toàn các đối tượng cảnh vệ trong nước, nước ngoài, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ phải thường xuyên huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến; đồng thời tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cảnh vệ cho Công an các đơn vị, địa phương, huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ CAND và lực lượng khác tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ (như lực lượng bảo vệ của các Văn phòng Trung ương, An ninh hàng không, lái xe phục vụ đối tượng cảnh vệ...).

Do vậy, cần thiết bổ sung các nhiệm vụ trên vào dự thảo Luật và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến, ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ. Tiếp thu ý kiến trên, Bộ Công an cũng đã rà soát các quy định của dự thảo Luật đảm bảo đồng bộ, phù hợp với các Luật khác có liên quan, tránh trùng dẫm với Luật Cảnh sát cơ động.

Về Giấy Bảo vệ đặc biệt (khoản 13 Điều 1), một số ý kiến đề nghị làm rõ đối tượng nào được cấp Giấy Bảo vệ đặc biệt và sử dụng trong trường hợp nào; cũng cần có sự phân biệt rõ ràng giữa Giấy Bảo vệ đặc biệt, thẻ, phù hiệu Cảnh vệ để tránh chồng chéo, phát sinh thủ tục hành chính.

Về vấn đề này, Cơ quan soạn thảo nêu rõ, Giấy Bảo vệ đặc biệt đã được quy định tại Điều 25 Luật Cảnh vệ và được quy định tại nhiều Thông tư. Việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt và thẻ, phù hiệu được áp dụng trong những trường hợp khác nhau. Giấy Bảo vệ đặc biệt được dùng trong những trường hợp khẩn cấp, đối tượng cấp hạn chế, thời gian ổn định; còn đối với thẻ, phù hiệu được sử dụng trong các kỳ, cuộc bảo vệ, có thời hạn và phạm vi nhất định trong thời gian ngắn.

Thực tế thực hiện không chồng chéo cũng như không phát sinh thủ tục hành chính vì trên thực tiễn đã và đang triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Cơ quan soạn thảo cũng đang tiếp tục rà soát toàn bộ dự thảo Luật để chỉnh lý các điều Luật bảo đảm khoa học, thống nhất và phù hợp với thực tiễn trước khi trình Quốc hội bấm nút thông qua.

Thanh Hòa

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/luat-canh-ve-sua-doi-bao-dam-khoa-hoc-thong-nhat-va-phu-hop-voi-thuc-tien_162430.html