Luật Chứng khoán sửa đổi: Kiểm soát rủi ro, bảo vệ lợi ích trái chủ

Theo đánh giá của các chuyên gia từ VIS Rating, Luật Chứng khoán sửa đổi mang lại lợi ích lớn cho trái chủ nhờ kiểm soát vi phạm từ tổ chức phát hành, giảm rủi ro đầu tư, áp dụng bắt buộc công bố thông tin kịp thời và xếp hạng tín nhiệm, từ đó nâng cao kỷ luật thị trường.

Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu Tiếp tục hoàn thiện pháp lý hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Trong báo cáo phân tích mới nhất, Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) nhấn mạnh, những sửa đổi trong Luật Chứng khoán sẽ mang lại nhiều thay đổi quan trọng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, các điều chỉnh mới tập trung vào việc thắt chặt nghĩa vụ của nhà phát hành trái phiếu và các đơn vị trung gian, đồng thời trao thêm quyền cho cơ quan quản lý để can thiệp khi cần thiết.

Cụ thể, luật sửa đổi đưa ra các quy định chi tiết về trách nhiệm và vai trò của các bên tham gia như đơn vị tư vấn, kiểm toán và đơn vị xếp hạng tín nhiệm. Những tổ chức này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật và thực hiện công việc một cách trung thực, có trách nhiệm. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được trao quyền thực thi pháp lý đối với các vi phạm, đặc biệt là các trường hợp nhà phát hành không công bố đầy đủ thông tin cần thiết, gây rủi ro cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, luật mới yêu cầu nâng cao tính minh bạch thông qua việc bổ sung các thông tin tài chính trong hồ sơ phát hành trái phiếu. Gần đây, Bộ Tài chính đã sửa đổi mẫu công bố thông tin với các yêu cầu khắt khe hơn, nhằm bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và tăng tính minh bạch cho thị trường.

Một điểm đáng chú ý khác là các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động đầu tư. Trái phiếu do các công ty có rủi ro cao phát hành sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, với các tiêu chí như tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, điều kiện về đại diện trái chủ và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc. Đối với trái phiếu riêng lẻ, các quy định mới chỉ cho phép phân phối đến nhà đầu tư chuyên nghiệp nếu được xếp hạng tín nhiệm và có bảo lãnh thanh toán hoặc tài sản đảm bảo phù hợp.

Theo ước tính của VIS Rating, trong năm 2024, hơn 40% các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm và bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng không chỉ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về mức độ rủi ro, mà còn giảm thiểu tổn thất khi xảy ra vỡ nợ.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc thu hồi đầu tư thông qua thanh lý tài sản thế chấp vẫn gặp nhiều khó khăn. Quá trình pháp lý kéo dài khiến phần lớn trái chủ phải chọn tái cơ cấu nợ thay vì thanh lý tài sản, đặc biệt với các trái phiếu có tài sản đảm bảo liên quan đến bất động sản. Do đó, trái chủ cần đánh giá kỹ tính hợp pháp, giá trị và thanh khoản của tài sản thế chấp để đảm bảo khả năng tăng cường tín dụng như dự kiến.

Luật Chứng khoán sửa đổi, dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2025, đặt mục tiêu tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hơn nữa, Chính phủ cũng đang gấp rút ban hành các quy định chi tiết, bao gồm yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu phát hành ra công chúng và giới hạn tỉ lệ nợ phải trả.

VIS Rating kỳ vọng, việc áp dụng rộng rãi xếp hạng tín nhiệm sẽ nâng cao niềm tin thị trường và giúp nhà đầu tư xác định mức phần bù rủi ro hợp lý, góp phần thúc đẩy hoạt động phát hành sôi động hơn trong năm 2025.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/luat-chung-khoan-sua-doi-kiem-soat-rui-ro-bao-ve-loi-ich-trai-chu-166190.html