Luật Đất đai sửa đổi: Căn cứ nào để định giá đất?

Giá đất là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 7-4 cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Các đại biểu dự phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Quy định rõ phương pháp định giá đất vào luật

Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh, nội dung về phương pháp xác định giá đất là vấn đề mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại chỉ đề cập đúng một câu về nội dung này và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Nữ đại biểu cho rằng, để dự thảo luật này bảo đảm tính khả thi và có hiệu lực cao, đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ các phương pháp định giá đất và các trường hợp áp dụng cụ thể vào dự luật.

 Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu về tài chính đất đai, giá đất.

Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu về tài chính đất đai, giá đất.

Cũng quan tâm đến giá đất, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tại Chương 11 về tài chính đất đai, giá đất vì đây là vấn đề khó, phức tạp để có thể xác định giá đất sát với giá thị trường. Đại biểu cơ bản đồng tình với các nguyên tắc xác định trong luật song vẫn còn có những băn khoăn.

"Nếu chúng ta coi “Giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực” là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất thì khó có thể có thông tin đầu vào chính xác, bảo đảm nguyên tắc là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường", nữ đại biểu nói.

Bởi lẽ, thực tế cho thấy, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường bằng và thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành. Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị nên coi “Kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định giá đất” cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất.

Liên quan đến bảng giá đất, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cho biết, nếu đến năm 2025 mới có bảng giá đất thì sẽ muộn so với yêu cầu của thị trường đất đai hiện nay, khi thị trường gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng cần thể hiện quyết tâm cao trong việc hoàn thành sớm bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản.

Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) thì đề xuất nên quy định bảng giá đất được xây dựng theo chu kỳ là 2 năm một lần.

Giảm khiếu kiện về đất đai thế nào?

Góp ý về dự án luật, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) bày tỏ băn khoăn, hiện nay khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội chiếm đến 70%; vậy sau khi sửa luật lần này, Ban soạn thảo đánh giá có thể giảm được tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai ở mức nào?

Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh cho rằng, một số quy định hiện tại của dự thảo luật có thể gây ra cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc thực thi sẽ rất khác nhau và tăng nguy cơ khiếu kiện. Ví dụ như quy định về phân loại đất và quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều 10 của dự thảo Luật phân ra rất nhiều loại đất nhưng Điều 117 chỉ có một số ít phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Đại biểu Đinh Ngọc Minh đặt câu hỏi, liệu việc sửa luật lần này có giảm được tính đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không?

Đại biểu Đinh Ngọc Minh đặt câu hỏi, liệu việc sửa luật lần này có giảm được tính đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không?

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh nêu rõ, hiện nay ở nước ta đang có khoảng 80 triệu ngôi nhà chưa được bán, chưa kể các ngôi nhà đã bán nhưng không có người ở.

Từ đó, đại biểu đoàn Cà Mau đặt câu hỏi, liệu việc sửa luật lần này có giảm được tính đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không?

Từ vấn đề này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá cụ thể nhằm tránh hệ quả tăng trưởng dựa vào bất động sản. Bên cạnh đó, đại biểu cũng băn khoăn rằng liệu việc sửa đổi luật lần này có tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai để mở các công xưởng, nhà máy nhằm tận dụng được cơ hội, phát triển kinh doanh hay không...

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/luat-dat-dai-sua-doi-can-cu-nao-de-dinh-gia-dat-724234