Luật Điện ảnh sửa đổi phù hợp với nhu cầu thực tiễn

Tiếp tục phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 23/10, Quốc hội đã lắng nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Khắc phục những bất cập của Luật hiện hành

Trình bày dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại phiên làm việc ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.

Trình bày về sự cần thiết ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau 14 năm thực hiện (29/6/2006), bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Luật Điện ảnh sẽ khắc phục những bất cập mà Luật hiện hành đang vướng mắc như, quy định “Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim” dẫn đến một số công ty phát hành phim sở hữu hệ thống nhiều cụm rạp đã chi phối thị trường chiếu phim, hạn chế việc nhập khẩu phim của các công ty phát hành phim không có rạp chiếu phim.

Quy định “Đối với doanh nghiệp sản xuất phim, ngoài việc phải có các điều kiện thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp còn phải có “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp; quy định về ưu đãi tín dụng, thuế đối với hoạt động điện ảnh không phù hợp do không thuộc lĩnh vực được ưu tiên, việc dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim đã bị bãi bỏ...

Ngoài ra, Luật Điện ảnh hiện chưa quy định về mô hình và lĩnh vực hoạt động cùng nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả; quy định cấp phép tổ chức chiếu giới thiệu phim Việt Nam tại nước ngoài; quy định đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài…

Từ thực tế nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật điện ảnh là cần thiết nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và về điện ảnh nói riêng. Đồng thời, khắc phục những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành; bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành của Việt Nam và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh.

Phiên họp Quốc hội ngày 23/10

Phiên họp Quốc hội ngày 23/10

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, đối với một số vấn đề có ý kiến khác nhau, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án để xem xét, quyết định. Cụ thể: Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước (khoản 4 Điều 15), Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án: Phương án 1: Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Tuy nhiên, phương án 1 hiện còn những vấn đề chưa phù hợp với các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vốn ngân sách và các quy định về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công. Phương án 2: Giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim. Cụ thể, giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim).

Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh; đồng thời nhất trí với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.

Về mục đích, quan điểm xây dựng Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau: Cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số; Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh; khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội phát triển ngành điện ảnh.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, các chính sách trong Dự thảo Luật còn phân tán, có nội dung diễn đạt chưa rõ; phim do Nhà nước đầu tư sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị có đề tài khá rộng. Do vậy, đề nghị nghiên cứu, quy định chính sách chung về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh cần được lượng hóa cụ thể hơn, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; có giải pháp ràng buộc về mặt pháp lý để bảo đảm tính khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Do đó, cần nghiên cứu, đưa vào Luật một số chính sách về xã hội hóa đang được thực hiện ổn định; huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; hỗ trợ sản xuất phim như một loại đầu tư rủi ro; chính sách hợp tác công - tư; cơ chế hợp tác liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp điện ảnh tư nhân với đơn vị điện ảnh nhà nước. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi cụ thể về tín dụng, thuế, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh…

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về điện ảnh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, chỉ nên quy định trách nhiệm chung của các cơ quan trong việc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh; còn các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ. Đồng thời, đề nghị bỏ quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh của cơ quan thuộc Chính phủ tại Điều 47 Dự thảo Luật vì các cơ quan này không có chức năng quản lý Nhà nước…

Đối với nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.

Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại phim; quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường, kiểm duyệt tự động; hiển thị cảnh báo cho người xem, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu, cung cấp công cụ để người xem phản ánh nội dung vi phạm; quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý; tăng cường năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra, giám sát; nghiên cứu cơ chế huy động các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định, kiểm soát phổ biến phim.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cơ chế về trách nhiệm, điều kiện bảo đảm xây dựng kho dữ liệu số hóa về phim lưu trữ của cơ sở lưu trữ phim. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu thêm các nội dung quy định liên quan đến tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh; đầu tư nước ngoài trong hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim; quyền và nghĩa vụ của nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và các thành viên khác trong đoàn làm phim…

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/luat-dien-anh-sua-doi-phu-hop-voi-nhu-cau-thuc-tien-131813.html