Luật định vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội LHPN Việt Nam tham gia phòng, chống mua bán người

Sáng 28/11, tại Kỳ họp thứ 8, với 454/455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,78%), Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sau khi tiếp thu chỉnh lý gồm 08 chương, 63 điều. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Điều 19, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người: Giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, vận động Nhân dân, thành viên, hội viên chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người và quy định khác của pháp luật có liên quan; vận động Nhân dân, thành viên, hội viên tích cực phát hiện, tố giác, báo tin, tố cáo, ngăn chặn hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật này. Tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.

Kiến nghị biện pháp cần thiết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người và quy định khác của pháp luật có liên quan; tham gia phòng, chống mua bán người, chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Tư vấn, tham gia tư vấn về phòng ngừa mua bán người. Tham gia dạy nghề, tạo việc làm và hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng...

Luật cũng quy định quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ; trách nhiệm của cơ quan báo chí, thông tấn tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người, của Hội LHPN Việt Nam, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người.

Các đại biểu bấm bút thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Các đại biểu bấm bút thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Về tiếp nhận, xác minh người đến trình báo, Luật quy định người nào có căn cứ cho rằng mình là nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp có căn cứ cho rằng người được họ đại diện là nạn nhân thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất trình báo về việc bị mua bán. Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, cơ quan, tổ chức tiếp nhận trình báo có trách nhiệm đưa ngay người đó đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo ngay với Cơ quan chuyên môn về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp xã đã tiếp nhận thực hiện việc hỗ trợ theo quy định tại Chương V của Luật này.

Về đối tượng và chế độ hỗ trợ, Luật quy định nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được hưởng chế độ hỗ trợ sau đây: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ phiên dịch; Hỗ trợ pháp luật; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ chi phí đi lại; Hỗ trợ tâm lý; Hỗ trợ học văn hóa; Hỗ trợ học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm; Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

Điều 20. Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ, trẻ em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

2. Tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.

3. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 19 của Luật này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

H.H

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/luat-dinh-vai-tro-cua-mat-tran-to-quoc-hoi-lhpn-viet-nam-tham-gia-phong-chong-mua-ban-nguoi-20241128143118667.htm