Luật Dược sửa đổi bổ sung hình thức kinh doanh thuốc thương mại điện tử

Chiều nay, 26/6, tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã phát biểu giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

 Luật Dược sửa đổi sẽ tác động tích cực đến hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân

Luật Dược sửa đổi sẽ tác động tích cực đến hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân

Kinh doanhthuốc thương mại điện tử phù hợp xu thế

Một nội dung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (sau đây gọi tắt là Luật Dược sửa đổi) được các ĐBQH quan tâm là việc kinh doanh thuốc thương mại điện tử.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trải qua dịch COVID-19, việc kinh doanh, mua sắm trên internet, giao dịch điện tử ngày càng phổ biến. Vì thế, việc kinh doanh thuốc trên môi trường điện tử là phù hợp với xu thế của xã hội.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Để kiểm soát được chất lượng thuốc, dự thảo Luật Dược sửa đổi cũng quy định rõ: Chỉ các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh theo phương thức truyền thống mới được phép kinh doanh thêm thương mại điện tử. Dự thảo luật cũng chỉ cho phép các thuốc không kê đơn mới được kinh doanh thương mại điện tử.

Về loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết đây không phải quy định mới mà đã có trong Luật Dược 2016, nhưng chưa có nhiều điều khoản quy định cụ thể. Vì thế, trong Luật Dược sửa đổi, Ban soạn thảo mong muốn quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức, điều kiện kinh doanh; phát huy tính ưu việt của chuỗi nhà thuốc; kiểm soát chất lượng thuốc, giá thuốc, dịch vụ đi kèm…

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cam kết: Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định liên quan đến điều kiện thẩm quyền, cấp giấy chứng nhận, trách nhiệm nhà thuốc thuộc chuỗi…

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại nghị trường Quốc hội chiều 26/6

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại nghị trường Quốc hội chiều 26/6

Quảng cáo phải đúng quy định

Về vấn đề quảng cáo thuốc, Bộ trưởng Bộ trưởng thông tin: Thuốc kê đơn không được quảng cáo, còn thuốc không kê đơn thì được quảng cáo nhưng phải đúng với giấy phép đã được Bộ Y tế cấp cho sản phẩm đó. Vì vậy, sẽ có thêm một hoạt động nữa là xác nhận nội dung quảng cáo dẫn đến phát sinh thêm một thủ tục hành chính.

“Nội dung quảng cáo phải đúng theo Bộ Y tế cấp, bảo đảm theo quy định chứ không phải “muốn đưa nội dung gì lên cũng được”, người đứng đầu Bộ Y tế cho biết.

Về quản lý giá bán buôn toàn chặng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay đây là vấn đề đã quy định trong Luật Dược 2016. Thời gian qua, giá thuốc rất thấp so với CPI hằng năm và Việt Nam được Đông Nam Á đánh giá là nước có giá thuốc tăng thấp nhất. Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu và giải trình hoặc bổ sung để đạt được việc quản lý giá theo Luật Giá, tránh việc tăng giá thuốc.

Vấn đề quản lý ô-xy y tế hiện có 2 luồng ý kiến: Một, coi là trang thiết bị và đề nghị đưa vào Luật Trang thiết bị để xây dựng trong thời gian tới; Hai, coi là thuốc đưa vào Luật Dược.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế đã có báo cáo, giải trình gửi các ĐBQH. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng phải quản lý ô-xy y tế, vì việc sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ với liều lượng nhất định. Vì thế, Bộ Y tế đề xuất đưa đầu mục ô-xy y tế vào luật để về sau có căn cứ hướng dẫn. Nếu cho rằng, đưa ô-xy y tế vào dự án luật không phù hợp thì kết luận của Quốc hội cũng cho phép Chính phủ sẽ ban hành một nghị định riêng về quản lý ô-xy y tế.

“Chúng tôi muốn minh bạch trong quản lý cũng như triển khai nhiệm vụ ô-xy quản lý y tế” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Phát triển công nghiệp dược để tăng nguồn cung

Nêu ý kiến về chính sách phát triển công nghiệp dược, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Luật Dược 2016 đã có các chính sách để tăng cường việc tự cung, tự cấp thiết yếu cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh. Lúc đó chúng ta tập trung các thuốc generic bởi nguồn lực còn khó khăn.

Những năm qua, Việt Nam đã có bước phát triển công nghiệp dược: Năm 2016 chỉ có 167 cơ sở sản xuất dược thì 2023 đã tăng lên 238 cơ sở; giá trị sản xuất thuốc tăng từ 20% lên gần 50% giá trị tiền thuốc sử dụng; sản xuất thuốc trong nước cơ bản đáp ứng được thuốc thiết yếu, thuốc thông thường cho công tác khám, chữa bệnh.

Người đứng đầu ngành y tế cho rằng, với mô hình bệnh tật thay đổi, với mục tiêu cao hơn và để kịp thời giải quyết các vấn đề trong thực tiễn thì việc tập trung cho phát triển ngành dược, công nghiệp dược là nhu cầu rất thiết yếu.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/luat-duoc-sua-doi-bo-sung-hinh-thuc-kinh-doanh-thuoc-thuong-mai-dien-tu-post175972.html