Luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi
Cử tri TP. Hải Phòng kiến nghị trình Quốc hội nghiên cứu, xem xét xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, tại dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã đề xuất các nội dung về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trên cơ sở kế thừa một số nội dung tại Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Gửi kiến nghị tới đến Bộ Tài chính, cử tri TP. Hải Phòng phản ánh, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã nhận được sự ủng hộ, tin tưởng không những trong phạm vi các TCTD mà còn tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong xã hội. Tuy nhiên, Nghị quyết số 42/2017/QH14 là quy định mới và áp dụng thí điểm nên cũng tồn tại những khó khăn khi các TCTD thực hiện xử lý nợ xấu.
Để điều chỉnh công tác xử lý nợ xấu vừa nhằm đảm bảo kế thừa các chính sách được quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các cơ chế xử lý nợ xấu đối với các TCTD, cử tri kiến nghị trình Quốc hội nghiên cứu, xem xét xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD. Qua đó, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định về xử lý nợ xấu đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tiệp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như giải quyết các vấn đề bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ, góp phần làm giảm nợ xấu, từ đó đảm bảo hoạt động của các TCTD được an toàn, hiệu quả. Đồng thời, cũng sẽ giúp tăng ý thức trả nợ của khách hàng, bảo vệ tốt hơn quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD, tạo lập niềm tin của khách hàng gửi tiền, nhà đầu tư đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD trong nước.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài cho biết, tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH ngày 05/11/2021 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ “Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về xử lý nợ xấu của các TCTD, tài sản bảo đảm”.
Tại Báo cáo số 54/BC-CP ngày 28/2/2022 về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.
Tại Thông báo số 882/TB-TTKQH ngày 16/4/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và dự thảo Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung luật hóa cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật Các TCTD và luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.
Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong đó, giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD, trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 63/2022/QH15, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì xây dựng dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, tại dự thảo Luật, Chính phủ đã đề xuất các nội dung về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trên cơ sở kế thừa một số nội dung tại Nghị quyết số 42/2017/QH14. Việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu tại Luật Các TCTD (sửa đổi) đã góp phần thực hiện được các mục tiêu như kiến nghị của cử tri.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 20/9/2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về tiếp tục triển khai thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Theo Nghị quyết số 148/NQ-CP, ngày 16/6/2022, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 63/2022/QH15 về nội dung Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, để đảm bảo việc triển khai một cách có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài, Chính phủ yêu cầu, về thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, Ngân hàng Nhà nước tổ chức quán triệt nội dung về việc kéo dài thời hạn của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đối với hệ thống các TCTD, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và các đơn vị có liên quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt nội dung và việc kéo dài thời hạn của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, công chức thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD và VAMC.
Về triển khai các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Chính phủ yêu cầu, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Tổng cục thi hành án dân sự rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ để tập trung, ưu tiên giải quyết dứt điểm nhằm đảm bảo giá trị tài sản bảo đảm thu hồi lớn nhất; đồng thời, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán án phí trong các vụ việc thi hành án theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 và quy định pháp luật có liên quan; Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các TCTD được tra cứu, trích xuất.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị đầu mối triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 trong ngành Ngân hàng. Đồng thời, có trách nhiệm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD.
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tín dụng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định giá của các tổ chức thẩm định giá.
Bộ Công an kiên quyết xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; đảm bảo việc thu giữ xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ được diễn ra thuận lợi, theo quy định pháp luật.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tới các cấp chính quyền cơ sở (cấp phường, xã) để hướng dẫn thực hiện theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 và phân công trách nhiệm hỗ trợ quá trình TCTD, tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu thực hiện phương án thu giữ tài sản bảo đảm; Tiếp tục phát huy vai trò của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự và chỉ đạo sở, ban, ngành trên địa bàn phối hợp có hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự đặc biệt đối với các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị và những vụ việc cần sự vào cuộc của các sở, ban, ngành tại địa phương...