Luật hóa kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử

Trong chương trình làm việc của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 để thảo luận về các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV diễn ra trong tuần này, các đại biểu sẽ thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; quá trình thảo luận trước đó, một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm là dự thảo Luật quy định về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số. Đối với mặt hàng thuốc dù chưa được quy định trong Luật Dược năm 2016 nhưng trên thực tế đã có nhiều các trang thương mại điện tử bán thuốc như: https://www.pharmacity.vn; https://trungtamthuoc.com... Một số quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Singapore, Anh, Nhật Bản cũng đã cho phép việc kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử; ở lần sửa đổi này, việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử đã được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử là phù hợp, cần thiết trong tình hình hiện nay, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn nhưng vẫn còn khoảng trống pháp lý. Với phương thức kinh doanh này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, tăng khả năng bán hàng, thích ứng với công nghệ và xu thế phát triển trong tương lai trên thế giới. Cùng với đó, giúp tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại đối với người mua thuốc.

Không phủ nhận sự cần thiết luật hóa quy định này trong sửa đổi luật lần này. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, thuốc là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người dân, kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử là một hình thức kinh doanh mới, nếu không quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh, về loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán… thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng mua bán thuốc tràn lan trên mạng. Không ai khác chính người bệnh lại rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang”. Đây cũng là những điều mà các đại biểu rất băn khoăn khi thảo luận về dự thảo Luật này.

Để tránh không xảy ra tình trạng này, các quy định của dự thảo Luật về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử dự kiến được chỉnh lý theo hướng các cơ sở muốn thực hiện kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, đáp ứng các điều kiện kinh doanh tương ứng với từng loại hình kinh doanh dược mà cơ sở đăng ký được quy định.

Trong khi đó, về phương tiện điện tử, trong điều kiện như hiện nay, để bảo đảm thận trọng, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ quy định việc cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến. Quy định này nhằm xác định được pháp nhân chịu trách nhiệm.

Cùng với đó, dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử. Theo đó, thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc Danh mục thuốc không kê đơn trừ thuốc thuộc Danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt; thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử trừ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định bổ sung về những hành vi bị nghiêm cấm khi kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử…

Thương mại điện tử đã trở thành một phương thức không thể thiếu trong các hoạt động kinh doanh, trong đó có kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong hoạt động bán lẻ còn có sự hiểu biết khác nhau về thuốc giữa người bán và người mua, thậm chí có khác biệt giữa người bán thuốc và người kê đơn thuốc. Đó là chưa kể, việc quản lý kinh doanh qua mạng hiện nay vẫn còn những khoảng trống. Điều này tiềm ẩn rủi ro cho người mua thuốc khi không kiểm soát chặt được chất lượng thuốc, cũng như không kiểm soát được tình trạng mua bán thuốc tràn lan lên môi trường mạng.

Sức khỏe người dân phải đặt lên hàng đầu; do đó, chúng ta phải kiểm soát được chất lượng thuốc khi lưu thông trên thị trường, đặc biệt là thuốc kinh doanh qua phương thức thương mại điện tử. Cùng với đó, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh tình trạng giả mạo, lợi dụng phương thức kinh doanh này để trục lợi.

Lê Hùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/luat-hoa-kinh-doanh-thuoc-qua-thuong-mai-dien-tu-i385975/