Luật hóa quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp công chứng

Thảo luận tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi), có ý kiến đại biểu đề nghị, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) cần bổ sung một điều luật quy định về việc ban hành và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp công chứng theo Nghị quyết số 27 - NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cân nhắc kỹ để các giao dịch công chứng bản dịch vận hành tốt hơn

Các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Công chứng, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội”.

ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) nhấn mạnh, “sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng để khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong gần 10 năm triển khai thực hiện, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, chặt chẽ, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Tuy nhiên, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra cho bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng là luật hóa quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp công chứng lại chưa được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi lần này. Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị bổ sung một điều luật quy định về việc ban hành và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp công chứng theo Nghị quyết 27 - NQ/TW của Bộ Chính trị.

Liên quan đến công chứng bản dịch, ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho rằng, dự thảo Luật không quy định việc chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của bản dịch thuộc phạm vi hoạt động công chứng như Luật Công chứng hiện hành, mà chỉ quy định việc công chứng viên chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực là phù hợp.

Đại biểu Trần Nhật Minh phân tích nếu quy định công chứng viên công chứng bản dịch như luật hiện hành sẽ có nhiều vướng mắc. Bởi lẽ, công chứng viên không thể thông thạo được nhiều ngoại ngữ, thậm chí có bản dịch là tiếng dân tộc thiểu số, công chứng viên cũng không thể biết được tiếng dân tộc thiểu số để hành nghề. Nếu sử dụng đội ngũ cộng tác viên phiên dịch, thì phải quy định rõ trách nhiệm của người phiên dịch đối với tính chính xác của bản dịch và bản gốc - như vậy là không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật cũng như trách nhiệm cá nhân đối với hoạt động công chứng.

“Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, người phiên dịch chỉ phải chịu trách nhiệm với bên yêu cầu theo hợp đồng kỹ thuật, tức là thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Công chứng”, đại biểu Trần Nhật Minh nhấn mạnh.

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) nêu thực tế, nếu không quy định việc chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của bản dịch thuộc phạm vi hoạt động công chứng sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý. Dẫn chứng, bản di chúc của người dân tộc thiểu số có nội dung bằng tiếng dân tộc, nếu không được công chứng bản dịch mà chỉ công chứng chữ ký của người dịch thì sẽ gây thiệt thòi với người sử dụng ngôn ngữ khác so với ngôn ngữ tiếng Việt. Hay giao dịch bằng tiếng nước ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nếu không công chứng bản dịch thì sẽ giao cho đơn vị nào, cơ quan nào để công chứng nội dung bản dịch. Nếu theo phương án như dự thảo luật thì phải giải quyết khoảng trống pháp lý này.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho biết, khảo sát thực tế có những phòng công chứng công chứng bản dịch rất tốt, như ở Cần Thơ, trong 1 năm có hơn 1.300 công chứng bằng bản dịch và kết quả rất tốt. Quan trọng là khi công chứng bản dịch cần có mức độ tin tưởng giữa các bên giao dịch với nhau. Do vậy, cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để các giao dịch công chứng bản dịch được vận hành tốt hơn.

Văn phòng công chứng có thể tổ chức hoạt động theo mô hình công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân

Về mô hình công chứng, dự thảo Luật xác định công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần, mà là một nghề bổ trợ tư pháp cần có đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng.

Điều 20, dự thảo Luật quy định về Văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Quy định như trên là cơ bản phù hợp, chặt chẽ đối với những nơi có nhu cầu công chứng lớn (các thành phố, đô thị...). Tuy nhiên, ĐBQH Lương Văn Hùng lưu ý, tại các địa phương nhu cầu công chứng của người dân ít thì phần lớn các Văn phòng công chứng chủ yếu do một công chứng viên hoạt động thường xuyên, công chứng viên còn lại chủ yếu là hình thức.

Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định mở theo hướng, Văn phòng công chứng có thể tổ chức hoạt động theo mô hình công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, quy định cụ thể thêm những điều kiện nhất định để được mở văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân để bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi.

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ 3

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ 3

Quan tâm đến quy định tạm đình chỉ hành nghề công chứng, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho biết, điểm b, Khoản 1, Điều 13 quy định: Công chứng viên bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng trong các trường hợp sau: Bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 của Luật này”. Khoản 3, Điều 12 quy định: “Những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên là người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Khi đối chiếu với các quy định về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hay đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, thì thời hạn tối đa để thực hiện các biện pháp xử lý hành chính này chưa phù hợp với thời hạn tạm đình chỉ hành nghề công chứng.

Theo đó, Khoản 2, Điều 13, dự thảo luật quy định thời hạn tạm đình chỉ nghề công chứng là từ 1 tháng đến 12 tháng; tuy nhiên, đối với giáo dục bắt buộc thời gian tối đa là từ 6 tháng đến 24 tháng; cai nghiện bắt buộc thì thời hạn để thực hiện từ 12 tháng đến 24 tháng, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, trong khoảng thời gian này rất khó để đưa vào khung thời gian tạm đình chỉ nghề công chứng từ 1 tháng đến 12 tháng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo luật với các luật có liên quan.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/luat-hoa-quy-dinh-ve-chuan-muc-dao-duc-nghe-nghiep-cong-chung-i375985/