Luật hóa trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong kiểm soát chất lượng hàng hóa
Việc đề xuất quy định mới về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong kiểm soát chất lượng hàng hóa được đánh giá là bước tiến lớn, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển bùng nổ, trở thành kênh phổ biến cho việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái như hiện nay.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 17/5, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó nội dung quy định về trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử được các đại biểu quan tâm.
Điều 44b trong Dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử được các đại biểu đánh giá cao và cho rằng, đây là một bước tiến lớn khi lần đầu tiên luật hóa trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển bùng nổ, trở thành kênh phổ biến cho việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái như hiện nay.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho rằng, sàn thương mại điện tử không đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước và trong quá trình vận hành - Ảnh: Lâm Hiển
Đánh giá nội dung này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho rằng, việc thiết lập cơ chế để tăng cường kiểm soát hàng hóa được giao dịch trên sàn thương mại điện tử là hết sức cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng nhận định, sàn thương mại điện tử không đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước và trong quá trình vận hành. Thực tế, các nền tảng thương mại điện tử chỉ có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật để lưu trữ và cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và các bên có liên quan.
Khi yêu cầu sàn thương mại điện tử xác minh nguồn gốc và giám sát chủ động nguồn gốc của hàng hóa có thể dẫn đến việc sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ nội dung quy định này để tránh mâu thuẫn chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành - Ảnh: Lâm Hiển
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng băn khoăn một số vấn đề như: việc quy định các sàn thương mại điện tử có nghĩa vụ xác thực thông tin người bán, ngăn chặn hàng giả… liệu có vượt quá khả năng kỹ thuật và thẩm quyền pháp lý của các sàn thương mại điện tử này hay không? Vì các doanh nghiệp này không có chức năng điều tra, kiểm định hay thẩm quyền can thiệp vào chuỗi cung ứng hàng hóa. Nếu bị ràng buộc bởi quy định này, doanh nghiệp có thể sẽ bị đẩy vào vị thế khó thực hiện và đối mặt với rủi ro pháp lý tiềm ẩn.
Mặt khác, các nghĩa vụ xác thực thông tin người bán, ngăn chặn hàng giả… đã được quy định rõ trong một số Luật và nghị định như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; dự thảo Luật Thương mại điện tử; Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Nghị định 85/2021/NĐ-CP… Do đó, việc tiếp tục điều chỉnh trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có thể sẽ gây trùng lặp và mâu thuẫn trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa vi phạm trong môi trường số - Ảnh: Lâm Hiển
Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) chỉ rõ, thực trạng sàn thương mại điện tử đang tồn tại nhiều vướng mắc về quản lý, xác định trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên các nền tảng số.
Trong khi đó, người tiêu dùng thì lại rất khó xác định được đơn vị chịu trách nhiệm pháp lý. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa vi phạm trong môi trường số để cho phép người tiêu dùng tra cứu thông tin, đồng thời, hỗ trợ cơ quan chức năng cảnh báo, hậu kiểm, xử lý vi phạm trên phạm vi toàn quốc.