Luật Kiểm toán độc lập: Cần làm rõ vai trò, trách nhiệm kiểm toán viên

Dự thảo Luật sửa đổi các Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đã giải quyết một số bất cập, tồn tại. Đồng thời, thể chế hóa quan điểm, chủ trương mới trong lĩnh vực kiểm toán, tuy nhiên một số quy định sửa đổi đang làm tăng trách nhiệm lên kiểm toán viên.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Trần Thúy Ngọc cho biết, Hiệp hội đồng ý với dự thảo Luật Kiểm toán độc lập bổ sung nhóm đối tượng là các doanh nghiệp, tổ chức có quy mô phải kiểm toán báo cáo tài chính năm theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, bà chỉ ra tiêu chí quản lý dựa trên số lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 200 người trở lên cần xem xét lại. Bởi vì có những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực rất rủi ro hoặc sử dụng công nghệ số, AI nên số lượng lao động thấp. Như vậy, nếu chỉ quan tâm đến số lượng lao động thì mới chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong khi còn có các đối tượng khác cần quan tâm như nhà đầu tư, ngân hàng… “Vì vậy, nên có thêm quy định các ngành hàng nào có thể rủi ro và có những tiêu chuẩn về rủi ro để quản lý đối tượng này”, bà Ngọc khuyến nghị.

Từ một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có thể thấy mức xử lý vi phạm hành chính các hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán độc lập theo quy định hiện hành chưa đủ tính răn đe. Do đó, Bộ Tài chính đã sửa đổi và bổ sung tại Khoản 7 Điều 3 dự thảo Luật các quy định về: thời hiệu xử phạt tối đa là 5 năm; mức phạt tiền tối đa là 2 tỷ đồng (đối với tổ chức) và 1 tỷ đồng (đối với cá nhân).

Bà Ngọc cho biết, về vấn đề này, Ban soạn thảo đã tiếp thu đóng góp ý kiến của doanh nghiệp và Hiệp hội. “Nhưng chúng tôi vẫn mong muốn Bộ Tài chính kiểm tra và xem xét lại khi hiện nay tại Nghị định 41, mức xử phạt này tương ứng chỉ là 100 triệu đồng với tổ chức và 50 triệu đồng với cá nhân. Mặc dù hiểu đây là để tăng cường minh bạch, tăng cường tính răn đe cho đối tượng hành nghề, nhưng có nên nhiều như thế hay không?” bà đặt câu hỏi.

Hơn thế, bà phân tích, Dự thảo Luật chỉ sửa và nâng trách nhiệm của kiểm toán viên trong khi trách nhiệm của kế toán viên - người chịu trách nhiệm lập và trình bày báo cáo tài chính trước khi đưa cho kiểm toán viên kiểm toán - lại không được sửa đổi song hành. Điều này là không công bằng và không có tính răn đe. Bởi trách nhiệm đầu tiên về báo cáo tài chính vẫn thuộc về doanh nghiệp và kiểm toán nội bộ, cùng kế toán viên lập báo cáo. Kiểm toán viên chỉ dựa trên các chuẩn mực, luật định và các quy định pháp lý có liên quan về kiểm toán độc lập để đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính có trình bày trung thực hay không. Vì vậy, trong trường hợp muốn tăng xử lý vi phạm cho kiểm toán viên và tổ chức kiểm toán, cần xem lại mức phạt và làm rõ vai trò trách nhiệm của cả kế toán viên và doanh nghiệp.

Bà cũng đề nghị xem xét thấu đáo hơn việc xử lý hình sự cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập. Ở Việt Nam, luật pháp không cho phép kiểm toán viên hành nghề độc lập mà phải hành nghề thông qua doanh nghiệp kiểm toán. kiểm toán viên chỉ thực hiện các công việc kiểm toán khi được công ty kiểm toán phân công. Tất cả các vấn đề quản lý chất lượng là do hệ thống kiểm soát chất lượng của công ty kiểm toán thực hiện.

Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cũng cho rằng, thời hiệu xử phạt tối đa là 5 năm là rất dài và chưa phù hợp tương đồng với thời hiệu xử phạt trong lĩnh vực kế toán, lĩnh vực thuế và hành vi trốn thuế, chỉ là 2 năm.

Hoa Hạ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/luat-kiem-toan-doc-lap-can-lam-ro-vai-tro-trach-nhiem-kiem-toan-vien-157026.html