'Luật Kinh doanh bất động sản phải quy định rất chặt chẽ về môi giới'
Đại biểu Hoàng Văn Cường lập luận, phòng công chứng chỉ có chức năng kiểm tra giấy tờ có hợp pháp không, trong khi sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp ngoài trách nhiệm này còn phải cung cấp cả các thông tin thị trường cho người bán, người mua.
Tại phiên thảo luận Nghị trường về Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi chiều 23/6, nhiều đại biểu nêu ý kiến tranh luận về quy định giao dịch bất động sản qua sàn và trách nhiệm của môi giới bất động sản trong việc đảm bảo quyền lợi cho người mua.
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) cho biết, Điều 57 của dự thảo luật quy định chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật phải thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định của Luật này.
Theo đại biểu, quy định như vậy không chỉ xung đột trực tiếp với Điều 119 Bộ Luật Dân sự về hình thức của giao dịch dân sự mà còn tạo ra những rào cản khi phát sinh thêm thủ tục xác nhận qua sàn giao dịch, phát sinh thêm chi phí lớn cho giao dịch bất động sản.
Ngoài ra, Điều 57 quy định về các giao dịch phải thông qua sàn giao dịch nhưng lại quy định luôn cả giao dịch thuộc diện khuyến khích thông qua sàn giao dịch bất động sản. Theo đại biểu, đối tượng khuyến khích ở đây hoàn toàn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc và làm rõ.
Nêu quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản tại Điều 65, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp, tuy nhiên chỉ có giới hạn đối với một số môi giới tham gia hoạt động trên sàn, trong khi đó thực tiễn hàng loạt môi giới khác không tham gia sàn giao dịch mà hành nghề tự do. Đối tượng này lại được đông đảo người lựa chọn, thì theo Luật không cần có chứng chỉ.
“Vấn đề đặt ra, liệu cơ quan quản lý Nhà nước có kiểm soát được các đối tượng này hay không? Có gì bất cập không khi cùng là môi giới nhưng người cần có chứng chỉ, người lại không cần có chứng chỉ vẫn được hành nghề rộng rãi?”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.
Góp ý thêm về vấn đề tổ chức đào tạo, cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học môi giới, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị dự thảo Nghị định phải quy định rõ về điều kiện để các cơ sở đào tạo được phép đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, làm căn cứ cho Bộ Xây dựng khi xét duyệt và cấp phép.
“Những người tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh doanh bất động sản hoặc những ngành liên quan nếu muốn trở thành môi giới hoặc làm trên các sàn bất động sản thì có cấp tiếp tục học khóa môi giới và tham gia thi lấy chứng chỉ không?”, nữ đại biểu nêu thêm băn khoăn.
Phát biểu tranh luận với các đại biểu đề xuất không nên quy định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) lập luận, bất động sản là hàng hóa rất quen thuộc với tất cả mọi người. Thế nhưng, khi được đưa vào giao dịch trên thị trường thì nó lại là một hàng hóa rất đặc biệt. “Ngay với các đại biểu tại hội trường này, tôi muốn hỏi có bao nhiêu người có thể tự đi mua một bất động sản mà không cần đến người thứ ba?”, ông Cường đặt câu hỏi.
Theo ông Cường, có rất ít người có thể trực tiếp tự đi mua nhà, khi không biết nó ở đâu, không biết thủ tục pháp lý ra sao, hồ sơ pháp lý như thế nào. Thực tế, thị trường bất động sản gồm có 3 bộ phận cấu thành: Người mua, người bán và người môi giới. Ba yếu tố này không thể thiếu khi cần có một thị trường hoàn chỉnh. Dù không có quy định về môi giới bất động sản thì trên thực tế người dân khi đi giao dịch bất động sản vẫn cứ tìm đến một người trung gian.
Đại biểu lấy ví dụ ở những nước có thị trường hoàn chỉnh, môi giới được quy định là một nghề chuyên nghiệp, quy định rất khắt khe về trách nhiệm. Khi hàng hóa bất động sản được giao dịch, người môi giới phải kiểm tra, đảm bảo tính pháp lý; nếu rủi ro pháp lý thì người môi giới phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, họ còn phải kiểm tra về giá cả thị trường, nếu có tình trạng khai gian giá thì sàn giao dịch phải phát hiện. Vì vậy, người mua, người bán đã qua sàn đều yên tâm, không phải lo về rủi ro.
“Sàn chỉ được phép nhận tiền môi giới, không được phép nhận bất cứ tiền chênh lệch nào về mua bán. Khi người dân đã thông qua sàn môi giới thì thậm chí còn tốt hơn phòng công chứng hiện nay, vì văn phòng công chứng chỉ có chức năng kiểm tra giấy tờ có hợp pháp không”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, muốn cho thị trường không xảy ra tình trạng nhiễu loạn, lừa đảo thì Luật Kinh doanh bất động sản phải quy định rất chặt chẽ về môi giới. Khi hoạt động môi giới thông qua sàn giao dịch thì sàn phải chuyên nghiệp, có khả năng trợ giúp cho người mua, người bán; có khả năng là cánh tay nối dài của Nhà nước để nắm thông tin thị trường...