Luật Quản lý vốn Nhà nước (sửa đổi) trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp
Điểm gây tranh luận nhất trong dự thảo Luật là đề xuất quy định 'Vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.'

Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: QH/Vietnam+)
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Quốc hội và cộng đồng doanh nghiệp. Một trong những nội dung của dự thảo lần này là đề xuất quy định "vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp."
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thận trọng và đề nghị Quốc hội cân nhắc không thông qua quy định này bởi lo ngại về những bất cập và xung đột tiềm ẩn với các quy định hiện hành.
Mở rộng phạm vi quản lý
Ngày 13/5, Quốc hội đã nghe ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính trình bày báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo báo cáo, dự thảo Luật đã được rà soát kỹ lưỡng, quán triệt các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Dự thảo cũng thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp từ dưới 50% vốn điều lệ.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến này, bổ sung quy định để quản lý các doanh nghiệp này thông qua cơ chế "người đại diện phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên." Nguyên tắc quản lý là ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp với mức độ phù hợp. Điều này nhằm đảm bảo bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn Nhà nước trở xuống.
Điểm gây tranh luận nhất trong dự thảo Luật là đề xuất quy định "Vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp."
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích kỹ lưỡng và cho rằng việc quy định như vậy có thể phát sinh những bất cập, vướng mắc. Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp hiện hành không quy định cụ thể tài sản góp vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.
Thứ hai, việc bổ sung nguyên tắc này có thể xung đột với khái niệm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được quy định tại dự thảo Luật.
Thứ ba, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật bao gồm cả doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và dưới 50% vốn điều lệ, do đó ngoài vốn Nhà nước còn có vốn của các thành viên góp vốn/cổ đông khác.
Thứ tư, các quy định hiện tại trong dự thảo Luật đã đảm bảo nguyên tắc doanh nghiệp được chủ động, tự chủ trong việc sử dụng vốn và tài sản cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo phân cấp của đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.
Tập trung đầu tư vào lĩnh vực then chốt
Dự thảo Luật cũng được rà soát để đảm bảo đúng tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 12-NQ/TW, tập trung đầu tư vốn vào một số doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu hoặc lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không đầu tư.
Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động tại những địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; doanh nghiệp thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế.
Để tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hằng năm. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty sẽ quyết định việc ban hành, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và hằng năm, các nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản được đại diện chủ sở hữu Nhà nước giao.
Tương tự, quy định về huy động vốn cũng được chỉnh lý theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hợp lý, tạo nguồn lực để phát triển.
Đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, không quy định hạn chế đầu tư trong Dự thảo Luật và bổ sung Điều 22 quy định doanh nghiệp được quyền cho thuê, thuê mua, thế chấp, cầm cố tài sản của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể tham gia vào thị trường bất động sản, một lĩnh vực tiềm năng mang lại lợi nhuận cao.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng cho phép để lại phần lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ để bổ sung vốn điều lệ, đầu tư dự án theo quy định của Chính phủ, thay vì phải nộp về ngân sách Nhà nước. Điều này giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn vốn để phát triển. Hay, quy định về đánh giá, xếp loại doanh nghiệp cũng được chỉnh lý theo hướng đánh giá tổng thể, có tính đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ không vì mục tiêu lợi nhuận, việc thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới và tác động của yếu tố khách quan.
Tiến bộ lớn
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến dự thảo Luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá cao việc dự thảo Luật tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp, thể hiện tinh thần cầu thị. Ông Hòa cũng bày tỏ sự đồng tình với việc phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty cũng như đại diện chủ sở hữu.
"Lần này Chính phủ, Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu và dự thảo khá hoàn chỉnh," ông Hòa nói và nhận xét đây là một sự tiến bộ lớn.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng còn băn khoăn về quy định trích không quá 50% quỹ đầu tư phát triển để sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển và bổ sung vào điều lệ doanh nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải làm rõ nguyên tắc đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó, Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề nghị sửa rõ Khoản 1, Điều 2 về phạm vi áp dụng và tiếc nuối việc dự thảo Luật bỏ ra khái niệm "Vốn Nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp." Theo ông Hiếu, đây là điểm mấu chốt của Luật.
Theo ông, luật pháp quy định khi nhà đầu tư góp tiền, tài sản vào trong doanh nghiệp thì phải chuyển quyền sở hữu tiền và tài sản đó thành sở hữu của doanh nghiệp, sau đó nhà đầu tư sở hữu cổ phần hoặc một phần vốn góp. Do vậy, ông đề nghị dự thảo luật lần này cần trở lại khái niệm "vốn Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp" và xác định rõ đó là phần vốn góp, cổ phần trong tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) thì nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật, đặc biệt là cắt giảm nhiều thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bà Hà cũng quan tâm đến phạm vi đầu tư vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và đồng tình với chỉ đạo rà soát, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phạm vi đầu tư, các điều kiện đầu tư vốn vào doanh nghiệp để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện./.